Cả chung cư tôi thức trắng đêm lắng nghe tiếng la hét và gào khóc phát ra từ căn hộ của 2 mẹ con ở tầng 5

Mạn Ngọc |

Khoảng đầu năm nay, ở trên tầng 5 chung cư tôi có 1 nhà mới chuyển về...

Tôi đang sống ở một căn chung cư mini, tòa nhà của tôi có tất cả 8 tầng, mỗi tầng có 4 căn hộ và chủ yếu là các hộ gia đình. Hình như ở tầng 6 có 1 căn cho sinh viên thuê thôi. Diện tích ở đây cũng khá là rộng, mặc dù là chung cư mini nhưng mỗi căn rơi vào khoảng 60m2, thường sẽ là 2 phòng khách và 1 phòng ngủ. Nói chung tôi ở đây đã 5 năm rồi nhưng mọi dân cư khá là văn minh, không ai làm gì ảnh hưởng đến ai, lại ở khu vực trung tâm, an ninh rất tốt nữa.

Khoảng đầu năm nay, ở trên tầng 5 có 1 nhà mới chuyển về, tôi cũng không hỏi rõ là thuê hay mua nữa vì cũng không phải việc của mình, tôi là đứa ít khi tọc mạch chuyện của người khác. Từ khi bác ấy chuyển đến chung cư này, mọi người đã nhận ra rằng cuộc sống của bác thật không dễ dàng. Bác có một cậu con trai 17 tuổi, cao ráo và điển trai, nhưng lại mắc rối loạn phổ tự kỷ từ bé. Đã 17 năm trôi qua, bác vẫn miệt mài, kiên nhẫn với trách nhiệm chăm sóc cho cậu con trai đặc biệt này. Trong khi những đứa trẻ khác có thể phát triển, trưởng thành theo năm tháng, thì đối với con trai bác, mỗi ngày trôi qua thì cứ trôi qua vậy thôi, còn con trai bác sẽ chẳng bao giờ trưởng thành như những người khác.

Chồng đã bỏ đi từ lâu, để lại mình bác gánh vác cuộc sống cùng những thử thách mà không phải ai cũng đủ sức chịu đựng. Ông ta đã từ bỏ gia đình mà không hề nhìn lại, thậm chí còn đổ hết tội vạ cho bác về tình trạng sức khỏe của con trai mình. Sự vắng mặt của người chồng, người cha không chỉ để lại khoảng trống về mặt tinh thần mà còn là gánh nặng tài chính cho bác.

Thằng bé nhà bác đẹp trai lắm, nếu như không mắc bệnh thì giờ chắc cũng phải hotboy ở trường cấp ba rồi. Thế nhưng dù bề ngoài vẫn giống như một thiếu niên bình thường thì ẩn sau đó là một tâm hồn đầy bất ổn và những khó khăn trong giao tiếp cũng như tương tác với thế giới xung quanh. Có những đêm, cậu bé lên cơn và không kiểm soát được hành vi của mình, la hét và đập phá đồ đạc trong căn hộ nhỏ, khiến cả chung cư như chìm vào hỗn loạn. Thế nhưng, cả chung cư ai cũng thông cảm cho mẹ con nhà họ, mặc dù cũng có những nhà có người già hoặc như nhà tôi có con nhỏ thì cũng không ai phàn nàn hay ý kiến gì hết.

Cả chung cư tôi thức trắng đêm lắng nghe tiếng la hét và gào khóc phát ra từ căn hộ của 2 mẹ con ở tầng 5- Ảnh 1.

Cứ tuần 3 lần, bác ấy lại chở con đến lớp học can thiệp, bình thường khi bác đi làm sẽ có người đến trông thằng bé. Bác cứ lẳng lặng như vậy thôi, có lần tôi gặp bác dưới sảnh chung cư, bác gầy gò chở theo cậu con trai to uỳnh mà vừa thương vừa buồn cười. Khi bình thường thằng bé khá là ngoan ngoãn, không làm phiền ai cả, ai hỏi gì cũng chỉ cười ngờ nghệch mà thôi.

Đêm hôm qua, khi chuẩn bị cho em bé đi ngủ thì tôi nghe thấy tiếng la hét của từ nhà bác, kế đó là tiếng đồ đạc đổ vỡ, lần này có vẻ trầm trọng hơn mọi khi. Cơn bất ổn của cậu kéo dài từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng, trong nhóm chat của chung cư, thậm chí có người còn hỏi bác thằng bé có ổn không, có cần mọi người hỗ trợ gì không nhưng không có tin nhắn phản hồi.

Tuyệt vọng và bất lực, tôi thấy bác ấy đã la hét cùng con trong vô vọng, tiếng gào khóc và la hét của 2 mẹ con khiến cả chung cư không ngủ nổi, dù không ai thấy phiền toái nhưng mọi người khá là lo lắng cho hàng xóm của mình. Những hàng xóm của chúng tôi, dù rất muốn giúp đỡ, nhưng lại không biết phải làm thế nào. Thương, nhưng bất lực, tất cả chỉ biết im lặng lắng nghe, cảm thấy xót xa cho số phận và sức mạnh phi thường của người mẹ đơn độc ấy.

Sáng nay, bác lại chở con đi học can thiệp, bác nhìn hàng xóm cười và cảm ơn nhưng không hề có ý định nhờ vả hay làm phiền bất kỳ ai. Thậm chí bác còn nhắn tin báo rằng có chút hoa quả để ở phòng bảo vệ để cảm ơn cũng như mong hàng xóm thông cảm cho chuyện ngày hôm qua.

Mặc dù có những khoảnh khắc tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi, nhưng tình yêu thương và sự kiên cường của bác dành cho con trai không hề suy giảm. Đối với bác, cậu con trai không chỉ là đứa trẻ bị tự kỷ, mà còn là cả thế giới, là niềm hi vọng, là tình yêu không điều kiện. Mỗi ngày, bác đều kiên nhẫn dạy dỗ, chăm sóc cậu, và cố gắng mang đến cho cậu một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc nhất có thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại