Vài ngày qua, tình trạng cá chết nổi trắng ven mặt Hồ Tây (Hà Nội) với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc đã gây ảnh hưởng lớn tới mỹ quan, môi trường, cuộc sống của người dân xung quanh.
Trao đổi với chúng tôi vào chiều nay, 2/10, ông Phạm Văn Đông, Phó Tổng Giám đốc Công ty khai thác Hồ Tây, cho biết sáng sớm ngày thứ 6 (30/9), sau cơn mưa to, đơn vị đã phát hiện nhiều tôm, cá nổi lên mặt hồ rồi có hiện tượng lao đầu vào bờ.
Sau đó, từ đêm 1/10 đến rạng sáng ngày 2/10, nhiều loại cá tôm, chủ yếu là các loại cá nhỏ như rô phi, chép, trôi nhỏ... chết hàng loạt và số lượng cá chết đến thời điểm hiện tại vào khoảng 2 tấn.
"Trước đây cũng nhiều lần cá tại Hồ Tây xảy ra chết hàng loạt nhưng chưa lần nào nhiều và bất thường như lần này", ông Đông nói
Về nguyên nhân, Phó Tổng Giám đốc Công ty khai thác Hồ Tây nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa biết rõ được nguyên nhân tại sao cá Hồ Tây lại chết nhiều như thế.
"Hiện tại, chúng tôi cũng đang nhờ các chuyên gia môi trường vào cuộc, lấy mẫu cá, nước để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng cá chết nhiều như thế và đưa ra các giải pháp cụ thể", ông Đông nhấn mạnh.
Ảnh: Hoàng Anh.
Trong sáng và chiều nay công ty đã huy động 100% cán bộ công nhân viên cùng phối hợp với cơ quan chức năng tích cực vớt xác cá không để ô nhiễm ảnh hưởng đến người dân khu vực ven Hồ Tây.
Cũng theo thông tin của chúng tôi, ngay trong tối 1/10, sau khi nắm được thông tin vụ việc, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội huy động công nhân và thiết bị, khẩn trương vớt hết cá chết, không để bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến người dân.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, trong sáng 2/10, quận Tây Hồ, Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị có liên quan lấy mẫu nước để xét nghiệm, sớm tìm ra nguyên nhân làm cá chết hàng loạt.
Ảnh: Hoàng Anh.
Còn theo đại diện Ban quản lý Hồ Tây, hiện mỗi ngày Hồ Tây phải tiếp nhận khoảng 4.000m3 nước thải của các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống ven hồ thải xuống.
Một số kết quả phân tích mẫu nước trước đây đã cho thấy, hàm lượng amoniac trong nước ở mức 1,5 mg/lít, gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.
Hiện tượng xả nước thải chưa qua xử lý, thức ăn thừa, rác thải… xuống thẳng Hồ Tây vẫn thường xuyên diễn ra. Do nước ô nhiễm sẵn nên chỉ cần thay đổi thời tiết, mưa nhiều rồi nắng lên thì cá lại chết hàng loạt.
Cùng trao đổi với chúng tôi, một nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường cho hay, để biết rõ được nguyên nhân tại sao tôm cá ở Hồ Tây chết nhiều như vậy thì cần phải chờ vào kết quả kiểm nghiệm các mẫu cá và nước tại đây.
Tuy nhiên, ông cũng đề cập nhiều đến khả năng, nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng do nước thải, chất thải không qua xử lý đổ trực tiếp xuống Hồ Tây.