Ca bệnh chưa từng gặp trong y văn VN: Cháu bé 2 tuổi bị sán chó mèo đâm thủng 50 lỗ ở ruột

Tiểu Nhã |

Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh – BV Hữu nghị Việt Đức vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi bị viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc, thủng đoạn cuối hồi tràng và manh tràng.


Thủng ruột vì giun 

TS.BS Nguyễn Việt Hoa – Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết bệnh nhi khi vào viện bệnh đã cấp tính.

Bệnh  nhi điều trị từ 6 tháng trước, tuy nhiên 2 tháng gần đây bệnh nhân sốt liên tục, kéo dài. Gia đình đã cho bệnh nhân đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau. Ở đó các bác sĩ nghĩ đến lao, nhưng kết quả xét nghiệm âm tính. 

Bệnh nhân đã được hội chẩn cả với các chuyên gia Pháp, người ta cũng nghĩ đến lao vì sốt dai dẳng, kéo dài, nhưng gia đình bệnh nhân không có ai bị lao.

Sau đó, các bác sĩ cho rằng bệnh nhi có thể nhiễm giun sán nên chuyển đến bệnh viện truyền nhiễm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Ca bệnh chưa từng gặp trong y văn VN: Cháu bé 2 tuổi bị sán chó mèo đâm thủng 50 lỗ ở ruột - Ảnh 1.

Kết quả khám qua các xét nghiệm cận lâm sàng và lâm sàng thì phát hiện trên 1 đoạn ruột dài 30cm có nhiều lỗ thủng, cắt đoạn ruột bị thủng là đoạn cuối hồi tràng dài khoảng 30 cm có 50 lỗ thủng, đường kích 0,5-1cm.

Sau hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt đoạn hồi manh tràng đưa 2 đoạn ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo, lau rửa dẫn lưu ổ bụng.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi điều trị tại Khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Nguy cơ lây từ thú cưng

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Sỹ Lánh – Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh, tế bào học và pháp y – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết kết quả giải phẫu bệnh của bệnh nhi trên là do ký sinh trùng gây nên.

Trên vi thể cho thấy trên thành hồi tràng và manh tràng có nhiều ổ áp xa với trung tâm hoạt tử rộng, chứa bạch cầu đa nhân, bạch cầu đa nhân ái toan và một số tinh thể Charcott Leyden. 

Thành ruột xung quanh ổ áp xe có nhiều vi tắc mạch và thoái hóa thiểu dưỡng, có ổ thủng ra ngoài thanh mạc gây viêm mủ thanh mạc vùng hồi tràng, ruột thừa. Các hạch mạc treo có hình ảnh viêm quá sản phản ứng.

Hình ảnh áp xe đường máu đa ổ ở thành ruột gây thủng, viêm mủ thanh mạc, phù hợp với ấu trùng giun tròn chó mèo.

Ca bệnh chưa từng gặp trong y văn VN: Cháu bé 2 tuổi bị sán chó mèo đâm thủng 50 lỗ ở ruột - Ảnh 2.

Nguy cơ lây bệnh từ chó mèo lớn

Các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức cho biết trường hợp bệnh tương tự như thế này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đây là trường hợp bệnh nhi 2 tuổi trẻ nhất. Nếu phát hiện sớm giun sán thì điều trị sẽ tốt hơn.

Ấu trùng giun tròn hay gặp ở trong các tạng, biểu hiện dưới dạng là các khối u ở ổ tạng, rất ít khi gặp trường hợp thủng ruột cấp cứu như thế này, thể bệnh lại gây ra ở trẻ con nên người ta rất ít nghĩ đến vì trước đến giờ y văn cũng chưa thông báo.

Các trường hợp khác đến Bệnh viện Việt Đức đều ở giai đoạn muộn, bệnh nhân đã đi rất nhiều bệnh viện nhưng không phát hiện ra. Nhiều trường hợp, Bệnh nhân đến BV Hữu nghị Việt Đức mổ do khối u nhưng thực tế lại là khối áp xe mãn tính do ấu trùng.

Bác sĩ khuyến cáo ký sinh trùng ở người ngày càng giảm, nhưng ký sinh trùng ở chó mèo ngày càng nhiều.  Nếu vật nuôi không được chăm sóc tốt, ấu trùng lạc vật chủ sẽ lạc vào người gây bệnh. Cần quản lý và chăm sóc chó, mèo, vật nuôi tại gia đình, trong cộng đồng, dân cư.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề - Nguyên trưởng bộ môn Ký Sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, giun đũa chó và ký sinh trùng sán chó là hai loại ký sinh trùng dễ gặp nhất khi nuôi chó mèo.

Bệnh nhiễm ấu trùng giun sán từ thú cưng không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to, sốt, có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực, đau bụng, khó tiêu, tăng globulin máu, tăng bạch cầu ưa axít không thường xuyên.

Trường hợp nặng các triệu chứng có thể kéo dài hàng năm, các hội chứng viêm phổi, viêm nội nhãn, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú có thể xảy ra do sự di trú của ấu trùng giun toxocara, bạch cầu tăng và bạch cầu ái toan tăng có thể chiếm tới 80-90%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại