Vài năm trở lại đây chứng kiến sự tăng trưởng chóng mặt của nhiều hãng xe điện Trung Quốc. Với chất lượng, thiết kế, công nghệ, độ an toàn và trang bị đều đã được cải thiện đáng kể so với tiêu chuẩn thường thấy của xe Trung Quốc, nhóm thương hiệu này đã bắt đầu vươn tầm thế giới.
Dẫn đầu cho nhóm thương hiệu xe Trung Quốc vươn lên nhờ xe điện là BYD - Build Your Dreams. Dù khởi đầu cùng lúc với Tesla, BYD tự chọn cho lối mình lối đi riêng và cuối cùng đã đạt tới "ngôi vương" làng xe điện toàn cầu trong năm 2023.
Khởi điểm khiêm tốn
BYD được thành lập tại Trung Quốc vào 1995 với chỉ 20 nhân viên. Hãng mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại Rotterdam, Hà Lan sau đó 3 năm. Tới 2000, nhà máy công nghiệp đầu tiên của BYD bắt đầu khởi công tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Tới 2007, nhà máy này đi vào hoạt động và trở thành tổng hành dinh của BYD từ đó tới nay.
Ban đầu BYD không phải là một hãng xe mà là một bên cung ứng pin điện. Họ phụ trách cung ứng pin lithium-ion cho điện thoại Nokia và Motorola. Tham vọng lấn sân sang mảng ô tô của BYD bắt đầu vào năm 2003 khi mua lại Xi'an Qinchuan Automobile.
Vào 2005, dòng xe thành phẩm của BYD đầu tiên lấy tên F3 ở phân khúc sedan cỡ nhỏ ra mắt. Tới 2008, hãng ra mắt phiên bản hybrid sạc điện của xe lấy tên F3DM.
Ngay từ thời điểm đó, BYD đã hé lộ tham vọng quốc tế hóa khi mang F3DM tham dự triển lãm Geneva 2008 (triển lãm tới nay vẫn là lớn nhất châu Âu). Tuy vậy, cả chất lượng, thiết kế và công nghệ xe thời đó chẳng có gì nổi bật để khiến khách hàng quốc tế quan tâm.
Cũng vào 2008, quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffet mua 225 triệu USD cổ phiếu BYD, giúp họ bất ngờ có tiền đầu tư lớn. Kết hợp với các chính sách hỗ trợ thúc đẩy xe điện của chính phủ Trung Quốc, BYD nhanh chóng vươn lên so với phần còn lại của nền công nghiệp xe điện Trung Quốc.
Các mảng kinh doanh
BYD không chỉ có xe du lịch mà có cả xe thương mại như xe buýt và xe tải. Chính mảng xe thương mại của BYD mới là mảng bước chân ra quốc tế trước trong khi xe du lịch BYD chỉ bắt đầu xuất hiện tại nhiều nước từ 2, 3 năm qua. Họ thậm chí đã có nhà máy sản xuất xe buýt tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác từ lâu.
BYD sở hữu nhiều thương hiệu con, trong đó Denza là thương hiệu hạng sang còn Yangwang là hạng sang cao cấp hơn một chút. Họ cũng có một thương hiệu xe chuyên dụng/xe tùy biến có tên Fangchengbao.
Kết quả doanh số
BYD thực tế đã bán vượt Tesla trong 2 năm gần nhất (2022 và 2023) nếu tính tổng doanh số xe của họ bao gồm xe điện, xe hybrid sạc điện và xe thương mại. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng xe điện, họ mới chỉ vượt qua Tesla từ quý IV năm 2023 mà thôi.
Trong năm 2023, BYD bán được tổng cộng 3,02 triệu xe trên toàn cầu, tăng mạnh so với mức 1,85 triệu xe của 2022. Việc họ liên tục mở rộng địa bàn và sản lượng hứa hẹn đà tăng trưởng 62% đạt được trong năm 2023 có thể kéo dài thêm một thời gian nữa.
Sức mạnh nguyên bản của một nhà cung ứng
BYD không đơn thuần là một hãng xe điện thành công, họ ở thời điểm hiện tại cũng là một trong những nhà cung ứng pin điện lớn nhất thế giới. Mọi pin điện hãng sử dụng trên ô tô của mình đều là hàng tự sản xuất. Hiện đang có nhiều thương hiệu ngỏ ý muốn mượn pin điện BYD trong đó danh tiếng nhất có thể là Mercedes-Benz từ 2025.
BYD, tương tự nhiều hãng xe điện Trung Quốc khác, làm chủ hoàn toàn chuỗi cung ứng pin điện của mình. Từ mảng khai thác vật liệu, xử lý đến chế tạo pin hãng đều tự mình hoàn thiện. Đây là ưu điểm cực lớn so với các hãng xe truyền thống muốn cạnh tranh bởi họ luôn phải dựa vào linh kiện/vật liệu từ bên thứ 3 cung ứng.
Ưu điểm của xe BYD
Như nhiều xe điện Trung Quốc khác, xe điện BYD có giá trị tốt so với giá bán ra. Ngay cả những tờ báo châu Âu khó tính, chẳng hạn tờ Autocar danh tiếng bậc nhất Anh Quốc, cũng phải đưa ra những lời khen ngợi xe BYD. Nguồn tin trên khẳng định BYD Seal đẹp hơn Tesla Model 3 và có thể đối chọi Hyundai Ioniq 6/BMW i4 nhờ giá trị mang lại.
Chính phủ các nước châu Âu hiện cũng đang cực kỳ lo ngại BYD nói riêng và các hãng xe điện Trung Quốc nói chung. Họ đang dự thảo áp thuế nhập khẩu cao lên xe điện Trung Quốc giống cách Mỹ đang làm để ngăn chặn "làn sóng xe điện giá rẻ" từ quốc gia châu Á này.
Tầm vóc quốc tế
BYD hiện đang có mặt tại Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á, châu Đại Dương và châu Âu. Họ có mặt tại ít nhất 40 quốc gia (số liệu tính tới hết 2021) trong đó có 19 quốc gia châu Âu. BYD cũng tính vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.