Đối với nhiều người Việt, từ “tang” có nghĩa là sự đau buồn, mất mát như trong tang lễ. Bạn thử tưởng tượng một ngày đẹp trời, bạn mới mua một chiếc xe BYD Tang sáng bóng và đến một buổi nhậu tụ tập nhiều bạn bè, bạn có dám dũng cảm lên tiếng với bạn bè của mình rằng “tôi vừa mua một chiếc xe Tang…” không? Và theo đó, không ít người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đã nhanh chóng liên tưởng rằng Tang là phiên bản... xe tăng hoặc xe tang 4 bánh, dẫn đến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
Thực ra, BYD không hề có ý muốn “gợi buồn” đến thế. Trên thực tế, “Tang” phiên âm của “Đường” theo âm Hán Việt – ám chỉ triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Điều này hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực, thể hiện sự vững chắc, thịnh vượng. Tuy nhiên, việc giải thích thế nào không quan trọng bằng cảm nhận của người dùng, mà với người Việt thì... cái tên này vẫn cứ thật khó để cảm thụ.
Khi làn sóng thắc mắc về cái tên Tang lan truyền trên mạng xã hội, ông Võ Minh Lực, CEO của BYD Việt Nam cũng đã có phản hồi rằng BYD có thể đổi tên, nhưng vì các lý do pháp lý và sự đồng nhất với thị trường quốc tế, tên gọi Tang vẫn được giữ nguyên.
Dù biết rằng cái tên đôi khi không phải là tất cả, nhưng trong trường hợp này, Tang lại trở thành điểm nhấn khiến nhiều người ngại ngùng.
Cái tên… gây cảm xúc khó tả
Tang không chỉ là câu chuyện về cái tên. Đây là mẫu SUV điện với hàng loạt công nghệ hiện đại. Tại Trung Quốc, Tang được trang bị pin lên đến 90,3 kWh và ở bản cao cấp là 108,8 kWh, có thể di chuyển tới 635 km chỉ sau một lần sạc.
Tang cũng cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe xăng “có tiếng” tại Việt Nam như Toyota Fortuner, Hyundai Santa Fe hay Ford Everest. Giá bán tại Trung Quốc dao động từ 31.190 đến 38.285 USD, thấp hơn nhiều so với các đối thủ trong phân khúc.
Nhưng công nghệ hay tính năng đều không quan trọng bằng cảm xúc của người tiêu dùng, và đôi khi, một cái tên không khéo léo có thể khiến mọi thứ trở nên... khó tả. Bạn có thể thích chiếc xe này vì nó tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nhưng liệu bạn có dám trả lời khi ai đó hỏi: “Anh/chị đang lái xe gì thế?” với câu trả lời: “À, tôi đang đi xe Tang!”.