Việc đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông số 1 được xem là bước đột phá trong phát triển giao thông thủy tại TP HCM. Tuy nhiên, tuyến buýt này hiện chỉ phục vụ tham quan, du lịch chứ chưa thể hiện chức năng chở khách công cộng.
Thu hút đông khách
Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) chính thức đưa vào khai thác ngày 25-11 với giá vé 15.000 đồng/người/lượt đã thu hút rất đông khách.
Trên chuyến cuối cùng xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) lúc 17 giờ 30 phút ngày 9-12, tất cả ghế trong khoang đều kín chỗ. Hành khách chủ yếu là những người lớn tuổi và các gia đình cho con nhỏ đi trải nghiệm mô hình mới.
Theo ghi nhận, tàu buýt được thiết kế khá hiện đại, có ti vi và nước uống. Lịch trình, thời gian di chuyển, giá vé... cũng đều được thông tin chi tiết để hành khách tiện theo dõi.
Ngoài 72 ghế trong khoang, trên tàu còn một băng ghế phía sau nhằm tạo không gian rộng, thoáng đãng cho hành khách ngắm cảnh, hóng gió. Dưới mỗi ghế ngồi đều có áo phao để đề phòng trường hợp xảy ra sự cố.
Theo chị Nguyễn Thị Kim Lan (31 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), ngày cuối tuần, gia đình chị tranh thủ đi thử tuyến buýt đường sông và rất thích thú với loại hình này.
Từ bến Bạch Đằng tới Linh Đông (quận Thủ Đức), với chiều dài hơn 10 km, mất khoảng 45 phút. Tuy nhiên, do chuyến tàu cuối cùng trong ngày nên khi muốn quay lại bến Bạch Đằng, nhiều người buộc phải chuyển qua phương tiện khác.
Một số hành khách phải gọi người thân đến chở về nhà. Trước đó, ghi nhận trên chuyến tàu xuất phát từ bến Bạch Đằng lúc 9 giờ 30 phút đến bến Linh Đông khoảng 10 giờ 15 phút ngày 8-12, hành khách khi muốn quay ngược lộ trình thì phải đợi đến 13 giờ mới có chuyến.
Việc này khiến không ít người thấy bất tiện, trong khi tại bến Linh Đông cũng rất ít các dịch vụ để hành khách giải trí trong lúc chờ tàu nên hầu hết đều đón xe buýt, taxi hoặc xe ôm để về quận 1.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong số các bến bãi nói trên, hiện việc thi công ở điểm đầu (bến Bạch Đằng) và điểm cuối (Linh Đông) đã cơ bản hoàn tất.
Tại khu vực bến Bạch Đằng, điểm đón - trả khách được thiết kế bởi một dàn nổi ven bờ sông. Điểm đón - trả khách này đặt cạnh một bãi giữ xe đã xây dựng trước đây nên khá tiện để hành khách gửi xe để trải nghiệm tuyến buýt.
Còn tại khu vực Linh Đông - điểm cuối của tuyến buýt được xây dựng gần bến đò ngang sông Bình Quới. Đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đang thi công hệ thống mái che, cải tạo lối lên, xuống...
Trong khi đó, ghi nhận ở một số vị trí khác được bố trí làm trạm dừng cho tuyến buýt này hiện việc thi công khá im ắng.
Cũng theo ghi nhận, mỗi tàu đều bán vé theo lượng khách cố định với hình thức cuốn chiếu, hết vé chuyến này sẽ tiếp tục bán cho những chuyến sau.
Hành khách phải tới sớm mới mua được vé và khá nhiều người không mua được vé theo đúng nhu cầu thời gian. "Tôi tới bến Bạch Đằng lúc 9 giờ nhưng chỉ chuyến cuối lúc 17 giờ 30 phút còn vé.
Dù hơi bất tiện nhưng cũng đành mua do muốn đi thử cho biết" - anh Nguyễn Viết Hải (ngụ quận 2) nói.
Tàu ít, bất tiện
Theo anh Bùi Văn Dũng (34 tuổi, ngụ quận Thủ Đức), anh sẽ không chọn loại hình này làm phương tiện để đi làm mỗi ngày vì bất tiện, số lượng tàu còn quá ít nên phải chờ đợi lâu.
Trong khi đó, việc kết nối giữa tuyến buýt này với hệ thống xe buýt cũng hạn chế, hiện chỉ có bến Bạch Đằng là thuận lợi.
Anh Dũng tính toán nếu sử dụng tuyến buýt đường sông mỗi ngày để đi và về, mỗi tháng khoảng 900.000 đồng. Còn nếu đi xe buýt thì chỉ mất từ 112.500-135.000 đồng/tập 30 vé, trong khi các tuyến xe buýt lại "dày" hơn và cũng rất dễ bắt xe.
"Các tàu của tuyến buýt đường sông thiết kế rất đẹp nhưng tôi đánh giá hiện chỉ phù hợp cho đối tượng người đi du lịch, tham quan chứ chưa đúng nghĩa là một tuyến buýt" - anh Dũng nhận xét.
Trước đó, tại buổi tọa đàm phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hải Linh, chủ tàu du lịch Elisa (hoạt động trên sông Sài Gòn), đánh giá việc đưa vào vận hành tuyến buýt đường sông là một bước đi khá "mạnh dạn".
Ông Linh cho rằng để duy trì hiệu quả và đạt đúng mục tiêu vận tải hành khách công cộng gắn với định hướng phát triển du lịch, tuyến buýt sông phải có sự kết nối giữa 2 phía.
Những bất cập hiện nay chủ yếu do hạ tầng thiếu, quy hoạch bến bãi còn hạn chế nên TP cần nhanh chóng tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, nếu chỉ chuyên chở hành khách công cộng thì không cần thiết phải đầu tư phương tiện hiện đại, đẹp như tuyến buýt đường sông.
Còn nếu để phục vụ du lịch, ngoài việc các phương tiện chưa thực sự đáp ứng thì cảnh quan bên bờ sông Sài Gòn cũng phải được cải thiện.
Ông Mỹ cũng nhìn nhận TP phải thay đổi tư duy, cách nhìn về việc phát triển giao thông gắn với du lịch đường thủy để có những chính sách cụ thể nhằm mang lại hiệu quả, trước mắt là cho tuyến buýt đường sông.
Rất cần người dân góp ý
Trước đó, tại buổi lễ đưa vào khai thác chính thức tuyến buýt sông số 1, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết tuyến vận tải hành khách công cộng này là mô hình được triển khai đầu tiên tại TP HCM, tạo tiền đề cho việc xây dựng những mô hình tương tự.
Trong quá trình hoạt động mô hình mới, ngành giao thông TP cũng rất cần ý kiến góp ý từ người dân để vận hành tuyến vận tải hành khách công cộng này hiệu quả hơn.
Hiện có 5 bến của tuyến này đã hoàn thành và đang khai thác, gồm Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông.
Trong đó, bến Bạch Đằng - vị trí "đắc địa" ở trung tâm TP HCM - hiện còn được đầu tư nhiều hạng mục về cảnh quan, phục vụ giải trí.