Theo các bằng chứng khảo cổ thì đây là nơi cư ngụ của con người tiền sử từ khoảng giữa thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Butrint nằm ở một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trên eo biển Corfu. Vào thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, cư dân Butrint đã cho xây dựng 1 đền thờ thờ thần Asclepius và 1 quảng trường lộ thiên để hội họp.
Tuy rằng, Butrint bị cai trị bởi Đế chế La Mã nhưng vẫn duy trì một mức độ tự chủ cao. Người La Mã đã xem Butrint là một thành phố quan trọng đặc biệt thông qua sử thi Aeneid của Virgil trong đó có người anh hùng Aeneas trú ngụ tại vùng đất này.
Từ bên ngoài bước vào, men theo lối đi bên phải vào rừng chính là rạp hát cổ từ thế kỷ thứ III trước Công Nguyên.
Trong thời La Mã, nhà hát này được sử dụng và có thể chứa lên đến 2500 chổ ngồi. Kiến trúc của nó chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Hy Lạp cổ, có hình vòng tròn, nằm tách biệt hoàn toàn so với thành phố cao bên trên.
Sâu trong rừng là một bức tường khắc bằng chữ khắc Hy Lạp cổ sắc nét. Theo một nguồn tin, vào thế kỷ thứ 6, một nhà Kito giáo đã trang trí chúng bằng cách khảm lên tường. Ngoài ra, những chữ này cũng được khắc dưới các mái vòm của nhà thờ một cách độc đáo.
Hành trình đến với thành phố cổ Butrint chính là hành trình khám ra con đường đi đến ngôi báu cổ, quý giá của đất nước Albania. Butrint không sở hữu vẻ đẹp thơ mộng nhưng lại luôn luôn hấp dẫn sự đam mê khám phá của mọi du khách đến đây.
Năm 1992, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO đã công nhận Butrint của Albania là Di sản văn hóa thế giới.
Năm 1997, UNESCO xếp Butrint vào danh sách những Di sản thế giới có nguy cơ bị đe dọa vì nạn cướp phá, hư hại di tích quá nặng nề ở nơi đây. Năm 2000, Chính phủ Albania đã thành lập Vườn quốc gia Butrint với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và quỹ Butrint.
Tình trạng cướp bóc cũng như phá hoại di tích ở đây bắt đầu được cải thiện và đến năm 2006, UNESCO rút tên Butrint ra khỏi danh sách những Di sản thế giới có nguy cơ bị đe dọa.