Buồn thay cô giáo người S’tiêng, 4 năm đại học về... cạo mủ cao su

PHÚC LẬP - ĐOÀN TRANG |

Với đồng bào dân tộc thiểu số, người học đến cấp 3 đã hiếm như lá mùa thu, học lên đến đại học là càng hiếm bội phần.

Tôi đã gặp một cô gái người S’tiêng ở Bình Phước, tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, ngành sư phạm tiếng Anh hẳn hoi, nhưng ở đây, ngay cả chuyện học tiếng Việt đã khó, nói chi tiếng Anh.

Vì thế, ước mơ được đứng trên bục giảng của cô vẫn chưa trở thành hiện thực.

Xấu hổ vì bị chê cười

Về xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, chúng tôi tấp vào căn nhà ven đường, hỏi thăm nhà ông Điểu Giang, một đứa trẻ chừng 10 tuổi nhanh nhảu nói thay người lớn: “Biết rồi, đó là nhà cô giáo Điểu Thị Hương mà.

Giờ này cô đi bán mủ rồi, không có nhà đâu”.

Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: “Cô giáo không đi dạy học sao mà đi bán mủ?”. Lúc này, người đàn ông lớn tuổi mới nói: “Không biết. Nghe nói cô không có trường. Nhưng cô học giỏi lắm. Từ ngày đi học về, thấy toàn đi bán mủ thôi”.

Căn nhà cô giáo Điểu Thị Hương nằm sâu trong con đường đất nhỏ ở thôn Bù Tố, xã Phước Tân, cũng tuềnh toàng, cũ kỹ như hầu hết những căn nhà của đồng bào S’tiêng trong thôn.

Khi chúng tôi đến, cô Hương vẫn chưa về, chỉ cha cô là ông Điểu Giang, 54 tuổi, vừa đi làm về.

Nhắc đến cô con gái Điểu Thị Hương, ông Điểu Giang trầm hẳn: “Điểu Hương sinh năm 1991, tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên 3 năm rồi. Nhưng không có trường nào nhận nó cả.

Nên phải đi bán mủ phụ gia đình. Nếu biết cho con đi học đại học mà như vậy, thà tôi cho nó ở nhà đi làm thuê để kiếm tiền, phụ bố mẹ nuôi các em.

Buồn nhất là từ ngày về đến giờ, nó ra ngoài cứ bị bà con cười, chế giễu, bảo cô giáo đi bán mủ. Không biết học đại học để làm gì?”.

Chúng tôi đang nói chuyện thì Hương về. Nhìn cô, chẳng có nét gì của một cô giáo. Bộ quần áo cáu bẩn, lấm lem. Khuôn mặt cũng lấm lem bởi những vết mồ hôi còn dính bụi.

"Hiện nay, công việc hằng ngày của em là đi cạo và chở mủ cao su đến điểm thu mua cách nhà 2 cây số để bán. Mọi người thấy em là xì xầm bàn tán, nói “cô giáo mà đi bán mủ”, rồi họ cười phá lên với nhau.

Mỗi lúc như vậy, em chỉ biết quay mặt đi, cân mủ cho nhanh rồi về. Em thấy xấu hổ và thương bố mẹ nhiều lắm. 4 năm vất vả ăn học, chi phí hơn 100 triệu đồng.

Bố mẹ em đã phải tằn tiện lắm mới lo cho em đến khi tốt nghiệp, vậy mà bây giờ lại bị người ta chê cười vì em không xin được việc làm”, Điểu Thị Hương chia sẻ.

Là người dân tộc S’tiêng, cái nghèo, sự lạc hậu vẫn chưa thể thoát khỏi, gia đình Điểu Thị Hương cũng vậy. Nhà Hương có 6 anh chị em, đứa em út năm nay mới học lớp 2. Tám miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào vườn.

Khó khăn, vất vả nhưng không muốn đời con mình tiếp tục khổ nên vợ chồng ông Điểu Giang đã cố gắng vay mượn để nuôi con ăn học.

Sau khi tốt nghiệp, Hương đã mang hồ sơ đi “gõ cửa” rất nhiều nơi nhưng không ở đâu nhận lời. Nguyên do là “ở đây lo học tiếng Việt chưa xong, lấy đâu ra học tiếng Anh”.

Buồn thay cô giáo người S’tiêng, 4 năm đại học về... cạo mủ cao su - Ảnh 1.

Lớp tiếng Anh của cô giáo Điểu Thị Hương rất đông các em theo học và các em học rất hào hứng, sôi nổi

Hơn 3 năm ròng rã chịu nhiều chỉ trích của mọi người, một cơ hội đã đến với Hương, ước mơ được đứng trên bục giảng đã trở thành hiện thực khi thôn Bù Tố có trường tiểu học Chu Văn An.

Mấy năm nay vẫn không có giáo viên dạy tiếng Anh, nếu muốn học các em phải về TX.

Phước Long hoặc thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, cách cả 20-30 km để học. “Được đứng trên bục giảng, em hạnh phúc lắm.

Hiện em dạy tuần 3 buổi, từ lớp 1 đến lớp 5. Nếu như trường không có kinh phí trả lương, em vẫn muốn được dạy”, Hương nói.

Nói về trường hợp cô Hương, thầy giáo Nguyễn Văn Phòng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, cho biết: “Chúng tôi mới nhận cô Hương vào dạy tiếng Anh cho các em từ 3 tuần nay.

Nhưng chỉ là hợp đồng miệng với trường thôi. Điểm trường Bù Tố này có 100% học sinh là người dân tộc S’tiêng nên rất cần giáo viên người dân tộc, để thuận tiện trong quá trình giảng dạy.

Tôi thấy lớp tiếng Anh của cô Hương được các em theo học rất hứng thú. Phần vì lạ, phần vì cô Hương là người địa phương, rất hiểu các em”.

Sợ học vì gương cô Hương

Tâm sự với chúng tôi, Hương cho biết, em gái cô là Điểu Thị Ngọc, năm nay vừa tròn 18 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp 12.

Cũng như Hương, Ngọc có ước mơ học lên nữa để thoát nghèo, khổ, nhưng nhìn thấy chị mình, Ngọc tỏ ra chán nản, đi học để rồi lại phải lo xin việc làm, phải nghe những chê bai của hàng xóm xung quanh nên học xong phổ thông, Ngọc quyết định ở nhà làm rẫy phụ giúp gia đình.

Buồn thay cô giáo người S’tiêng, 4 năm đại học về... cạo mủ cao su - Ảnh 2.

Lớp tiếng Anh của cô giáo Điểu Thị Hương rất đông các em theo học và các em học rất hào hứng, sôi nổi

Cách nhà Hương khoảng 100m là gia đình chị Điểu Thị Lương, sinh năm 1974. Nhà chị có con gái đầu Điểu Thị Mẫn, sinh năm 1995, hiện đang học trung cấp y tại TP.HCM, chị Lương cho biết, gia đình không có điều kiện nhưng vì con ham học nên cũng cố gắng.

Thấy bố mẹ vất vả nên ngày Mẫn đi học còn đêm tranh thủ làm công ty may để có tiền trang trải học phí.

“Con đi học gia đình rất mừng nhưng thấy cháu Hương gần nhà cũng học đại học mà khó khăn khi xin việc làm nên chúng tôi rất lo lắng. Nhà nghèo nên lo tiền gửi cho con ăn học là vấn đề không nhỏ”, chị Lương cho biết.

Em Điểu Thị Hà, sinh năm 1998, là con gái thứ 2 của chị Lương. Năm 2016, em thi đại học với số điểm 21,5 nhưng vì hoàn cảnh gia đình và lo sợ khi ra trường không có việc làm nên em không đi học tiếp nữa.

Gặp Hà khi Hà đang đi chẻ điều thuê tại một xưởng gần nhà, em tâm sự: “Không được đi học tiếp, em rất buồn nhưng nghĩ đến những khoản tiền phải đóng góp, chi phí ăn ở.

Sau ra trường không biết có được việc làm không, hay lại bị mọi người chế giễu, chê bai.

Em sợ lắm. Hôm em định nhập trường để học nhưng thấy mẹ có ý định bán hết mấy con heo để lấy tiền cho em. Xót quá nên em hủy hồ sơ, và quyết định ở nhà”.

Thôn Bù Tố có gần 200 hộ, gần 2/3 số này là đồng bào S’tiêng. Điều kiện sống còn nhiều khó khăn về cả vật chất và tinh than nên trong thôn nhà ai có con học đại học, dường như trở thành “hiện tượng đặc biệt” đối với cả thôn.

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng thôn Bù Tố, cho biết: “Ở đây, người dân lo miếng ăn đã khó chứ nói gì đến việc học hành của bọn trẻ.

Trong thôn, học sinh thường học hết cấp 1 là các cháu nghỉ hết, vì muốn học cấp 2 chúng phải đi xa, ở trọ. Đường xá ở đây không thuận tiện nên trong thôn, các cháu học cấp 2, cấp 3, đại học chỉ tính trên đầu ngón tay.

Không đi học thì sự lạc hậu vẫn còn đeo bám mãi. Có nhiều cháu ham học nhưng gia đình lại ngăn cản và lấy cháu Hương ra làm minh chứng, rằng có học cũng vẫn nghèo. Nên bao lâu nay, thôn Bù Tố vẫn vậy, không có gì thay đổi”.

"Chúng tôi rất mong cô giáo Hương sẽ được ngành Giáo dục huyện, tỉnh xem xét nhận vào chính thức. Vì cô Hương có lợi thế là người địa phương, rất hiểu các em.

Hiện chúng tôi chỉ nhận với tư cách cá nhân trường, chi phí trả lương cho cô Hương khoảng gần 3 triệu đồng/tháng là tiền vận động động phụ huynh đóng góp nên không biết duy trì được bao lâu.

Chúng tôi đã có kiến nghị lên trên về trường hợp của cô Hương để có hướng giải quyết vì trường rất cần những giáo viên là người dân tộc như cô Hương", thầy giáo Nguyễn Văn Phòng, hiệu trưởng điểm trường tiểu học Chu Văn An, thôn Bù Tố, xã Phước Tân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại