“Nóng” trên mọi cung đường
Ghi nhận của phóng viên dọc tuyến biên giới giữa các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, lượng hàng hoá lưu thông qua các cửa khẩu tăng cao, hoạt động xuất nhập khẩu cũng nhộn nhịp hơn khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Đây cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng. Bằng chứng là cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu đường, thuốc lá, hàng tiêu dùng….
Tại Đồng Tháp, tuyến quốc lộ 30 luôn là điểm nóng về vận chuyển thuốc lá lậu. Trưa 25/11, phóng viên có mặt tại tuyến quốc lộ này đoạn qua thị xã Hồng Ngự, phóng viên ghi nhận trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ có hàng chục "nài" thuốc lá lậu chạy bạt mạng.
Dọc tuyến đường này cũng luôn có đội ngũ “chim lợn” cảnh giới. Khi phát hiện xe ô tô biển số lạ của phóng viên đậu bên đường, “chim lợn” liền tiếp cận quan sát, những chiếc xe chở thuốc lá cũng nhanh chóng hô “biến”.
Hàng lậu từ biên giới Campuchia tràn vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn, các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi, thường xuyên thay đổi địa điểm tập kết, giao hàng nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, thời gian qua, lực lượng Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an các địa phương đã triển khai nhiều đợt cao điểm để triệt phá, ngăn chặn các đường dây buôn lậu vào Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 4/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây buôn lậu đường quy mô lớn từ Campuchia về Việt Nam do Vi Hoàng Minh (SN 1994, ngụ tỉnh An Giang) cầm đầu, thu giữ gần 1.000 tấn đường trắng.
Đường dây này hoạt động hết sức tinh vi khi sử dụng các vỏ bao in nhãn mác xuất xứ Việt Nam qua Campuchia đóng hàng nhằm qua mắt cơ quan chức năng.
Theo đó, Minh là người trực tiếp qua Campuchia mua, thanh toán tiền đường cát trắng, sau đó chỉ đạo đồng bọn mang các vỏ bao in nhãn mác ghi tên Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kim Hưng Lợi do Minh là người được ủy quyền điều hành từ Việt Nam sang Campuchia để thay vỏ bao đường in chữ nước ngoài.
Khi toàn bộ số hàng được đóng vào bao nhãn hàng Việt Nam, Minh tổ chức lực lượng thuê người bốc vác, vận chuyển hàng bằng ghe từ Campuchia về Việt Nam bằng đường sông qua kênh Vĩnh Tế, ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Từ đây, các đối tượng thuê ô tô tải chở hàng từ bãi tập kết về kho qua đường Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Thành, thành phố Châu Đốc.
Sau đó, toàn bộ số lượng đường cát trắng được vận chuyển đến kho khác tại phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ và các nơi khác để tiêu thụ.
Quá trình vận chuyển hàng lậu, các đối tượng tổ chức lực lượng canh gác, cảnh giới dọc tuyến đường ra, vào từ khu vực bãi bốc hàng về kho nhằm đối phó các lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, đường dây này đã bị các trinh sát Bộ Công an triệt phá, bắt giữ 4 đối tượng và thu giữ gần 1.000 tấn đường.
Tổng lực chống buôn lậu cuối năm
Trước những diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào thời điểm cuối năm, lực lượng chức năng các tỉnh thành giáp biên giới và lực lượng chuyên ngành đã triển khai nhiều giải pháp.
Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp, công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn bởi tuyến biên giới An Giang có nhiều đường mòn, lối mở nên các đối tượng thường lợi dụng để vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam.
Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá và đường cát. Các đối tượng buôn lậu thường sử dụng xe máy, xuồng gắn máy có công suất lớn chạy với tốc độ cao, vận chuyển thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia qua các đường mòn cánh gà cửa khẩu, vượt qua đồng ruộng mênh mông, kênh rạch chằng chịt đưa vào Việt Nam.
Đường cát giá chênh lớn nên “nóng” ở thời điểm này. Các đầu nậu thường lợi dụng trời tối để vận chuyển đường qua các lối mở, đường mòn ngoài địa bàn quản lý của Hải quan để tập kết.
Sau đó chúng sang bao bì nhãn mác in sẵn chữ Việt Nam rồi sử dụng phương tiện xuồng máy công suất lớn để vận chuyển.
Khi hàng được đưa trót lọt vào Việt Nam, các đối tượng sẽ tập trung vào các kho chứa hoặc đưa ngay lên xe tải, hợp thức hóa bằng hóa đơn của các công ty mía đường trong nước hoặc chứng từ bán đấu giá hàng tịch thu để chuyển đến các địa phương khác tiêu thụ.
Trước thực trạng này, lực lượng Hải quan đã tập trung lực lượng tại các cửa khẩu, các khu vực nóng về hàng lậu phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, công an, thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, triệt phá các ổ nhóm, đường dây vận chuyển hàng lậu.
Ông Nguyễn Minh Trung, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp cho biết, các đầu nậu thường thuê mướn những đối tượng không nghề nghiệp sống dọc biên giới để vận chuyển hàng lậu vào tỉnh Đồng Tháp rồi phân tán đi các tỉnh thành lân cận.
Các đối tượng thường thay đổi kết cấu phương tiện nhằm tăng tốc độ, tổ chức cảnh giới, thậm chí canh chừng trước cổng cơ quan chức năng để thông tin cho các đối tượng vận chuyển biết để linh hoạt đối phó.
Giai đoạn cuối năm, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức kiểm tra kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…
Tập trung xử lý mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, giày dép, thuốc lá, thực phẩm, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát…
(Còn nữa)
Hàng lậu được vận chuyển từ biên giới Campuchia về Việt Nam
“Các đối tượng buôn lậu thường thay đổi kết cấu phương tiện để tăng tốc độ, chứa nhiều hàng cũng như tổ chức cảnh giới, canh chừng trước trụ sở cơ quan chức năng, khi biết lực lượng chức năng ra quân chặn bắt sẽ thông tin cho các đối tượng vận chuyển biết để trốn tránh.
Trường hợp bị phát hiện, các đối tượng rất liều lĩnh, manh động, sử dụng phương tiện với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”
Ông Nguyễn Minh Trung, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp