Buồn của Nissan: Buôn bán ế ẩm, phải lắp ráp xe cho hãng Trung Quốc để 'trả tiền điện'

Quang Hiếu |

Sau khi đóng cửa một nhà máy, Nissan giờ phải nhận lắp ráp thêm xe Trung Quốc để có thêm nguồn thu.

Mới đây, Nikkei Asia cho biết rằng liên doanh của Nissan tại Trung Quốc sẽ bắt đầu lắp ráp xe điện cho đối tác Trung Quốc Dongfeng từ cuối năm nay để có thêm chi phí bù cho hoạt động kinh doanh không tốt.

Buồn của Nissan: Buôn bán ế ẩm, phải lắp ráp xe cho hãng Trung Quốc để 'trả tiền điện'- Ảnh 1.

Bên trong một nhà máy của Nissan tại Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia

Nhà máy của Nissan đặt tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, là nơi sản xuất mẫu xe gầm cao chạy điện Ariya và mẫu SUV X-Trail; cả hai mẫu xe này do liên doanh Nissan-Dongfeng phân phối ra thị trường Trung Quốc.

Song, mẫu Nissan Ariya không phải là mẫu có doanh số cao, khi có mức giá cao hơn so với một số đối thủ nội địa Trung Quốc. Điều này đã khiến cho Nissan phải giảm công suất của nhà máy. Để bù lại, Nissan sẽ sản xuất mẫu xe điện Zhiyin của Dongfeng để duy trì công suất nhà máy, đồng thời để giảm chi phí cố định.

Buồn của Nissan: Buôn bán ế ẩm, phải lắp ráp xe cho hãng Trung Quốc để 'trả tiền điện'- Ảnh 2.

Mẫu xe gầm cao chạy điện Nissan Ariya.


Các hãng xe Trung Quốc được cho là luôn giữ công suất nhà máy ở mức tối đa để duy trì chi phí sản xuất ở mức thấp, giúp xe có mức giá có thể cạnh tranh trên thị trường. 

Trong khi đó, chi phí cố định lại là một trong những yếu tố có thể tác động đến lợi nhuận. Chi phí cố định bao gồm nhiều khoản phí, có thể kể như phí thuê đất, tiền lương nhân viên, lãi suất, hay cả tiền điện, nước, internet...

Buồn của Nissan: Buôn bán ế ẩm, phải lắp ráp xe cho hãng Trung Quốc để 'trả tiền điện'- Ảnh 3.

Dongfeng Voyah Zhiyin.


Theo kế hoạch, mẫu xe điện Zhiyin của Dongfeng sẽ chính thức ra mắt trong Quý III/2024 này. Đây là một mẫu xe gầm cao chạy điện, có thể đi được 900km mỗi lần sạc; tệp khách hàng mục tiêu của Dongfeng với mẫu xe này là các gia đình trẻ tuổi. 

Như đã đề cập, nhà máy của Nissan ở thành phố Vũ Hán là nơi lắp ráp mẫu Zhiyin, nhưng theo Nikkei thì Nissan sẽ chưa tổ chức lắp ráp mẫu xe này ngay. Nikkei cũng cho biết rằng nhà máy của Nissan tại Vũ Hán là nơi duy nhất hãng xe Nhật Bản lắp ráp xe cho Dongfeng.

Hiện nay, Dongfeng đang vận hành một số thương hiệu xe năng lượng mới - bao gồm xe điện và xe lai điện sạc ngoài (PHEV). Zhiyin sẽ là mẫu xe điện mang thương hiệu Voyah.

Buồn của Nissan: Buôn bán ế ẩm, phải lắp ráp xe cho hãng Trung Quốc để 'trả tiền điện'- Ảnh 4.

Voyah của Dongfeng đã bắt đầu kinh doanh tại châu Âu.


Trên thực tế, thương hiệu Voyah của Dongfeng đã chính thức kinh doanh tại châu Âu; trên tầm quốc tế, thương hiệu này đặt ra mục tiêu xuất khẩu xe tới 60 quốc gia đến năm 2030. Tuy rằng doanh số xe của Voyah tính từ tháng 1 đến tháng 5 vừa qua không cao - khoảng 25.000 xe - nhưng con số này đã tăng gấp đôi nếu so với cùng kỳ của năm trước đó.

Tại Trung Quốc, các nhà máy của Nissan có tổng công suất lên tới 1,6 triệu chiếc, nhưng trong năm 2023, doanh số của thương hiệu Nhật Bản này đã suy giảm 16%, đạt khoảng 790.000 chiếc xe - con số này thấp hơn rất nhiều so với năng lực sản xuất của hãng tại đây.

Một điều đáng chú ý là hôm 28/6, Nissan đã thông báo chính thức đóng cửa nhà máy tại thành phố Thường Châu, Trung Quốc. Công suất của nhà máy này chiếm khoảng 10% tổng công suất của Nissan tại Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, Nissan dự tính giới thiệu 5 mẫu xe năng lượng mới cho đến năm tài khóa 2026. Kế hoạch này nằm trong tham vọng đạt doanh số hàng năm 1 triệu chiếc của hãng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại