Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Thành phố công nghiệp top đầu chìm vào ‘giấc ngủ’, hàng loạt nhà máy đóng cửa, người trẻ lũ lượt di cư bỏ lại nhà cửa trống rỗng

Anh Dũng |

Chuyên gia nhận định đây là cuộc chiến không cân sức để xoay chuyển tình thế. Nhưng nếu không nỗ lực, Trung Quốc sẽ giống như thành phố này trong một thập kỷ tới.

 - Ảnh 1.

Một thành phố từng là động lực thúc đẩy kinh tế Trung Quốc giờ trở thành trung tâm của vành đai gỉ sét (rust-belt). Nhìn vào thành phố này, tương lai của Trung Quốc như hiện ra trước mắt.

Một thành phố cảnh báo tương lai không mấy tươi sáng

Sau giai đoạn bùng nổ nhờ nguồn tài nguyên dồi dào, Phủ Thuận giờ như một thành phố đang chìm dần vào giấc ngủ. Hầu hết các mỏ than và nhà máy lọc dầu đã đóng cửa. Một nửa số người trẻ đã di cư. Quỹ lương hưu của thành phố đang thâm hụt nghiêm trọng khi khoảng 1/3 dân số trên 60 tuổi.

Năm ngoái, chỉ 5.541 trẻ sơ sinh được sinh ra tại thành phố 1,7 triệu dân này. Dấu hiệu già hoá dân số xuất hiện khắp mọi nơi. Các trạm xe buýt quảng cáo dịch vụ tang lễ. Taxi dán quảng cáo khuyến mãi cấy ghép răng.

Trên một chuyến xe buýt đi vào thành phố, hàng chục người già trên xe trò chuyện về việc nghỉ hưu, thậm chí họ còn nhường chỗ cho trẻ em trên xe. Chiếc xe đi qua những toà chung cư trống rỗng từng nhộn nhịp với các gia đình công nhân mỏ. Điểm dừng của xe gần một trường tiểu học cũ đã được chuyển đổi thành viện dưỡng lão.

 - Ảnh 2.

Trong một thập kỷ tới, điều tương tự có thể xảy ra ở nhiều nơi khác tại Trung Quốc. Dân số nước này bắt đầu giảm vào năm 2022 và tỷ lệ sinh đã giảm mạnh trong nhiều năm. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), đến năm 2035, Trung Quốc sẽ có 30% người dân từ 60 tuổi trở lên.

Năm âm lịch 2024 là năm con rồng, vốn là năm tốt lành cho hôn nhân và sinh nở trong văn hoá Trung Quốc. Tuy nhiên, số ca sinh năm 2024 dự kiến sẽ giảm xuống dưới 8 triệu, ít hơn một nửa so với năm 2015 – năm cuối cùng thực hiện chính sách một con.

Phủ Thuận đã ghi nhận dân số giảm 1/5 kể từ năm 2000. Theo tính toán của nhà nghiên cứu Yi Fuxian tại Đại học Wisconsin-Madison, dựa trên dữ liệu điều tra dân số và tỷ suất sinh hiện tại của Phủ Thuận là 0,7, hơn một nửa cư dân của thành phố sẽ trên 60 tuổi sau một thập kỷ nữa.

 - Ảnh 4.

Một trường mẫu giáo đã đóng cửa tại Phủ Thuận

“Phép màu kép” trở thành “rào cản kép”

Phủ Thuận từng nằm trong top 10 thành phố công nghiệp nặng của Trung Quốc, thu hút lao động từ khắp cả nước. Khi Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, Phủ Thuận được biết đến là “nguồn cung cấp nhiên liệu” của đất nước. Có thời điểm, thành phố này chiếm tới 50% sản lượng dầu và 1/10 sản lượng than của Trung Quốc.

Nền kinh tế của Phủ Thuận vào giữa những năm 1980 lớn hơn một số thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh. Các nhà lãnh đạo lớn đã đến thăm mỏ lộ thiên phía tây của thành phố. Đây từng là mỏ lộ thiên lớn nhất ở châu Á, trải dài hơn 6 km và sâu hơn 400 mét.

 - Ảnh 5.

Ở Phủ Thuận, chính sách một con là một phần của công thức tăng trưởng trong những năm đó. Bắc Kinh cho rằng với ít trẻ em hơn, người trẻ sẽ có thể làm việc hiệu quả hơn.

Cách tiếp cận này đã giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng hiện tại, việc hạn chế sinh nở khiến Trung Quốc có ít người trẻ để chăm sóc người già hơn và ít phụ nữ hơn để sinh con.

Tỉnh Liêu Ninh từng áp dụng triệt để chính sách một con, tự hào về "phép màu kép" giúp kiểm soát dân số hiệu quả và tăng trưởng kinh tế. Nhưng phép màu kép bắt đầu trở thành lực cản kép vào khoảng năm 2000. Trung Quốc lúc này bắt đầu giảm khai thác than, dẫn đến việc sa thải và đóng cửa các mỏ. Nhà máy lọc dầu cắt giảm việc làm vì kinh doanh thua lỗ. Khi những công nhân trẻ rời đi, Phủ Thuận ngày càng trở nên ảm đạm.

 - Ảnh 6.

Một khu mỏ bị bỏ hoang

Áp lực già hoá dân số

Khi các mỏ và nhà máy lọc dầu đóng cửa, Phủ Thuận trở thành biểu tượng cho sự suy giảm của miền bắc Trung Quốc. Trong khi đó, khu vực phía nam như Thâm Quyến lại sôi động với các trung tâm công nghệ.

Năm 2015, Phủ Thuận bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình tài chính, chỉ ra khoản thâm hụt lương hưu khoảng 1,5 tỷ USD. Từ đó, nghĩa vụ hưu trí đã tăng nhanh chóng và hiện được dự đoán sẽ vượt GDP của thành phố là 13,1 tỷ USD.

Cách duy nhất giúp Phủ Thuận vẫn có thể trả lương hưu là thông qua các khoản trợ cấp từ chính quyền trung ương. Nhưng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại ngay cả với những khu vực lớn của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục vấn đề già hóa của Trung Quốc. Họ đưa ra các chính sách nghỉ hưu hào phóng cho công chức nhà nước, cho phép phụ nữ nghỉ hưu sớm nhất là 50 tuổi và nam giới là 60 tuổi. Trong khi đó, các lãnh đạo cho rằng nền kinh tế "tóc bạc" không quá tệ vì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Những người về hưu tại Phủ Thuận vẫn sống tích cực. Họ khiêu vũ, chơi cầu lông, tập thái cực quyền… Thậm chí tại "Đại học Người cao tuổi" của Phủ Thuận, họ được học chỉnh video trên điện thoại thông minh, học khiêu vũ Latinh và chơi trống. Nhiều người cao tuổi ở Phủ Thuận vẫn nhận được lương hưu vài trăm USD một tháng, đủ để sống tương đối thoải mái.

 - Ảnh 7.

Dù vậy, Giáo sư địa lý và địa chất Yichun Xie tại Đại học Đông Michigan cho biết gần như không thể thu hút đầu tư hoặc người dân đến khu vực này. “Đây là cuộc chiến không cân sức để xoay chuyển tình thế”, ông nói.

Chính quyền Phủ Thuận từ lâu đã nhận thức được rằng tình hình nhân khẩu học nghiêm trọng của thành phố đang kìm hãm tăng trưởng. Năm 2019, chính quyền đã vạch ra kế hoạch thúc đẩy sinh nở bằng các biện pháp như hỗ trợ khám thai miễn phí.

Các quan chức thành phố cho biết về kế hoạch của mình vào năm 2019 rằng: "Miễn là chúng ta xử lý [tình hình nhân khẩu học] một cách hợp lý, nền kinh tế và dân số của thành phố sẽ chuyển biến theo hướng tích cực hơn trong tương lai".

Theo WSJ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại