Buồn của nền kinh tế muốn lật đổ ngôi vương của Mỹ: Vừa bước sang năm 2025 đã có nhiều tín hiệu 'báo động đỏ', rủi ro rơi vào thập kỷ mất mát

An Chi |

Các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu chính phủ Trung Quốc đang cực kỳ thiếu lạc quan về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Một số người thậm chí còn cho rằng nước này đang rơi vào vòng xoáy giảm phát giống Nhật Bản vào những năm 1990.

Thị trường Trung Quốc bước vào năm 2025 với những tín hiệu không mấy khả quan. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 1,6% và các chuyên gia đưa ra dự báo không tưởng là lợi suất sẽ xuống gần mức 0. Chỉ số CSI 300 sụt 3,5% trong 4 phiên đầu năm. Đồng Nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài đang thấp gần kỷ lục, khiến các nhà chức trách phải can thiệp.

Những tín hiệu báo động

Lợi suất trái phiếu Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thời kỳ đại dịch. Điều này làm dấy lên lo ngại các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể sẽ không ngăn được việc nền kinh tế số 2 thế rơi vào suy thoái kéo dài hàng thập kỷ.

Nếu dự báo từ thị trường trái phiếu là đúng thì tác động đến nền kinh tế Trung Quốc sẽ là rất lớn. Tình trạng giảm phát kéo dài sẽ cản trở một trong những động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất thế giới, tạo thêm áp lực cho sự ổn định xã hội và dòng vốn tháo chạy kỷ lục khỏi thị trường nước này vào cuối năm ngoái.

Hiện tại, 10 công ty môi giới lớn nhất Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu về thập kỷ mất mát của các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại mối rủi ro tương tự như Nhật Bản sẽ diễn ra. Goldman Sachs cho biết, hiểu về thập kỷ mất mát ở Nhật Bản sẽ giúp ích cho nhà đầu tư Trung Quốc - những người đã bị ảnh hưởng bởi diễn biến bi quan nhất của thị trường trong gần 1 thập kỷ khi bắt đầu năm mới.

Những gì từng diễn ra ở Nhật Bản sau khi bong bóng tài sản nổ tung chưa chắc chắn sẽ lặp lại ở Trung Quốc song vẫn có những điểm tương đồng. Cả 2 nền kinh tế đều chứng kiến lĩnh vực bất động sản suy thoái, đầu tư tư nhân yếu, tiêu dùng ảm đạm, nợ tăng cao và dân số già hoá nhanh chóng.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng “chậm chân” trong việc đưa ra các hành động mạnh mẽ. Trong khi đó, tại Nhật Bản, đà hồi phục ngày càng trở nên khó khăn vì giới chức chờ đợi để dập tắt tâm lý bi quan của nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo Richard C.Koo, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Nomura, thị trường trái phiếu phát tín hiệu rằng Trung Quốc đang trong thời kỳ “suy thoái bảng cân đối kế toán”. Thuật ngữ này được đặt ra bởi Koo, giải thích về việc Nhật Bản xoay xở với tình trạng giảm phát, khi hàng loạt doanh nghiệp và hộ gia đình giảm chi tiêu, giảm nợ và tiết kiệm nhiều hơn.

Bắc Kinh đã đưa ra nhiều động thái để ổn định thị trường. Cuối tháng 9, một gói kích thích kinh tế toàn diện đã được triển khai. Trong năm nay, các quan chức cấp cao đã cam kết chi tiêu mạnh hơn và ưu tiên việc thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Một số quan điểm cho rằng, suy thoái là điều cần thiết để Trung Quốc chuyển mình thành một nền kinh tế phát triển, được thúc đẩy bởi các ngành công nghệ cao, thay vì tạo động lực từ vay nợ trong quá khứ.

Giới phân tích nhận định các biện pháp kích thích vẫn là chưa đủ để thay đổi tình hình, khi niềm tin người tiêu dùng yếu, lĩnh vực bất động sản vẫn trì trệ và môi trường kinh doanh không ổn định. Tăng trưởng tiêu dùng tháng 12 được dự báo sẽ ở mức gần bằng 0, trong khi giá sản xuất tiếp tục đi xuống. Chỉ số giảm phát GDP của nước này đang trong chuỗi giảm dài nhất trong thế kỷ này.

Trung Quốc có thể tránh được “vòng xoáy” giảm phát?

Song, Trung Quốc là quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn Nhật Bản nên đây sẽ là yếu tố tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng hơn. Có thể, nhờ các biện pháp kích thích và sự suy thoái của thị trường nhà ở “chạm đáy”, nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục vào năm 2026 với động lực đến từ các ngành công nghiệp mới như xe điện.

Nhìn chung, thập kỷ mất mát của Nhật Bản, từ năm 1990 đến 2010, vẫn là lời cảnh báo quan trọng đối với Trung Quốc. Khi đó, chỉ số Nikkei mất hơn 70%, tạo áp lực rất lớn cho các ngân hàng và doanh nghiệp, khi mức nợ trên vốn chủ sở hữu tăng vọt. Chỉ số này mất đến 30 năm mới lấy lại được mức đỉnh năm 1989 vào năm ngoái.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh ở mức trên 8% vào năm 1990, sau đó trượt dài xuống dưới 0 vào giữa những năm 2010. Hiện tại, lợi suất trái phiếu ở khoảng 1%. con số cực thấp là dấu hiệu của giảm phát vì nhà đầu tư cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ duy trì lãi suất thấp để hồi phục nhu cầu trong nước.

Thị trường Trung Quốc cũng đang có diễn biến tương tự. Lợi suất trái phiếu 10 năm của nước này giảm xuống dưới 1,6% ở phiên 6/1. Chỉ số CSI 300 thấp hơn 30% so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 2/2021.

Tuy nhiên, trạng thái Japanification (Nhật Bản hoá) nếu thực sự diễn ra cũng mang đến những cơ hội cho nhà đầu tư. Năm ngoái, công ty môi giới Trung Quốc Haitong Securities đã chỉ ra những “người chiến thắng” nhiều nhất trong thập kỷ mất mát của Nhật Bản, những cơ hội đầu tư như mua cổ phiếu có cổ tức cao, các doanh nghiệp trong nước có dư địa tăng trưởng và các công ty xuất khẩu có nhiều nguồn thu khác nhau.

Một số người, như nhà đầu tư kỳ cựu vào các thị trường mới nổi Mark Mobius, cho rằng Trung Quốc sẽ có những bước đi để tránh lặp lại tình trạng như Nhật Bản. Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát nền kinh tế nên các biện pháp tài chính được đưa ra sẽ làm giảm hoặc loại bỏ nhiều yếu tố tiêu cưc.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại