Ảnh minh họa.
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh xảy ra khi luồng không khí lưu thông trong phổi bị cản trở.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong tất cả các nguyên nhân gây tử vong ở người và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tuy nhiên, có tới một nửa số bệnh nhân mắc căn bệnh này không hề biết mình bị bệnh.
Mặc dù phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh tiến triển và nặng dần theo thời gian nhưng nếu biết cách quản lý, kiểm soát tốt các triệu chứng thì người bệnh hoàn toàn có thể sống chung hòa bình với bệnh và chất lượng cuộc sống cũng không bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng của COPD
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của COPD có thể khá nhẹ. Bạn có thể nhầm căn bệnh này với cảm lạnh. Các triệu chứng gồm:
• Thỉnh thoảng thở gấp, đặc biệt là sau khi tập thể dục
• Ho nhẹ nhưng tái phát
• Hắng giọng thường xuyên, đặc biệt vào buổi sáng khi vừa thức giấc
Khi bệnh ở giai đoạn nặng hơn, phổi bị tổn thương nhiều hơn, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
• Thở gấp, ngay cả khi tập các hoạt động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ
• Thở khò khè
• Cảm giác thắt chặt ngực
• Ho khan
• Khạc đờm
• Thường xuyên bị cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác
• Người mệt mỏi
Trong các giai đoạn sau của COPD, một số triệu chứng có thể gặp là:
• Sưng bàn chân, mắt cá chân
• Giảm cân không rõ nguyên nhân
• Ngất xỉu
• Tim đập nhanh
• Móng tay hoặc môi tím tái do nồng độ oxy trong máu thấp
Các triệu chứng thường tồi tệ hơn nếu bạn hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc.
Theo các nghiên cứu của Trung tâm Y học, Đại học Leiden, Hà Lan, các triệu chứng của COPD thường rầm rộ và tồi tệ nhất vào buổi sáng với 4 triệu chứng điển hình là ho, khó thở và tiết nhiều đờm.
Tình trạng khó thở có thể xảy ra khi nằm xuống ở những người bị COPD lâu ngày. Do đó bệnh nhân COPD có thể nhận thấy các triệu chứng của họ tồi tệ hơn khi họ lên giường đi ngủ.
Nguyên nhân của COPD
Đa số những người mắc COPD đều trên 40 tuổi và có tiền sử hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động. Thời gian hút thuốc lá càng lâu, nguy cơ mắc COPD càng cao.
Ngoài khói thuốc lá, khói xì gà, khói thuốc lào thì hoá chất hoặc khói bụi công nghiệp, ô nhiễm môi trường, khí thải từ chất đốt sinh khối (đun nấu bằng than đá/củi) cũng có thể gây ra COPD.
COPD cũng có một phần nguyên nhân là do di truyền.
Bệnh nhân COPD cần có chế độ sinh hoạt ra sao?
Điều quan trọng nhất đối với các bệnh nhân COPD là thay đổi lối sống. Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá; bất cứ khi nào có thể, hãy tránh khói thuốc và khói hóa chất; tập luyện thường xuyên nhưng cần nói chuyện với bác sĩ về mức độ tập thể dục an toàn cho mình.
Đặc biệt một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể của bệnh nhân COPD. Nếu bạn càng khỏe mạnh, bạn càng có nhiều khả năng ngăn ngừa các biến chứng và các vấn đề sức khỏe khác của bệnh.
Theo đó, bệnh nhân COPD nên chọn nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng từ các nhóm rau xanh, trái cây, các loại hạt, các sản phẩm từ sữa và chất đạm. Đặc biệt, người bệnh nên hạn chế ăn muối vì muối có thể khiến cơ thể giữ nước và gây căng thẳng cho hệ hô hấp.
Thêm vào đó, bệnh nhân COPD nên tiêm phòng các loại vaccine ngừa các bệnh về đường hô hấp như cúm, phế cầu, COVID-19... để kiểm soát bệnh dễ dàng hơn.
(Nguồn: Health Line, Mayo Clinic, Web MD)