Đèn sáng liên tục (continuous light) là một trong những công cụ đắc lực cho những người mới học nhiếp ảnh và muốn tìm hiểu về ánh sáng nhân tạo. Như cái tên gợi ý thì chúng phát sáng liên tục, chứ không nháy 1 lần nên người dùng có thể nhìn thấy luôn được kết quả trước khi bấm máy.
Trong một buổi chụp thử nghiệm mới nhất, nhiếp ảnh gia, giáo viên nhiếp ảnh Jay P Morgan đã thử sử dụng tới 100 đèn LED siêu nhỏ để tạo ra một bức ảnh như 'lạc vào giới thần tiên'.
Để thực hiện buổi chụp này, ông dùng các đèn mang tên Lume Cubes sau đó dùng máy tạo khói để tạo ra một nền ảnh mờ ảo. Những đèn này có ánh sáng không được mạnh, nên ta sử dụng thêm một đèn chính (Key light) để làm mẫu đủ sáng.
Video giới thiệu về quá trình của buổi chụp
Quá trình set-up của buổi chụp đầu tiên:
Đặt đèn LED xuống đất và thêm khói
Thêm một đèn tròn ở phía sau để giả mặt trăng
Thêm một đèn nữa đặt trong chai để giả 'đèn lồng'
Thêm đèn ở phía bên cạnh, để tóc của mẫu đủ sáng
Thêm một đèn Lume Cubes trên tay mẫu để thêm phần kì bí
Và cuối cùng là thêm ánh đèn chính, làm mẫu nổi bật trên nền đen.
Sau quá trình hậu kì để chỉnh ảnh cho đúng màu, đây là kết quả của buổi chụp đầu tiên:
Buổi chụp thứ 2:
Trong lần chụp thứ 2, ta sẽ chỉ đặt 80 đèn LED xuống đất, còn các đèn khác sẽ được sử dụng làm đèn tóc, đèn chính. Đèn chính được chế tạo bằng cách đặt 4 đèn Lume Cubes ở độ sáng 70% đằng sau một đĩa tán sáng với tổ ong đi kèm.
Ông sử dụng đĩa tản sáng để ánh sáng không bị gắt, nhưng cũng không quá mềm để mất chi tiết trên da mẫu, kèm theo tổ ong nhằm tránh hiện tượng tràn sáng vào nền đen.
Và đây kết quả:
Buổi chụp thứ 3:
Nếu như chỉ sử dụng đèn trắng thì thật nhàm chán, có lẽ ta sẽ thêm một chút màu sắc để bức ảnh thêm phần thú vị. Trong buổi chụp thứ 3, Jay P Morgan thêm những gel màu ở trước đèn, với đèn chính được đặt gel màu đỏ còn đèn nền có màu xanh dương.
Đỏ và xanh dương là 2 màu đối lập nhau, giúp cho chủ thể nổi bật hoàn toàn trên nền ảnh. Và cũng không thể thiếu là máy tạo khói, và thêm một vài chiếc Lume Cubes nữa để khói hiện rõ hơn.
Về cách đặt thông số máy ảnh:
Do phải phát sáng không nghỉ, nên các đèn LED thường có công suất thấp hơn so với đèn nháy (flash), nên ta phải đặt thông số máy ảnh để bù trừ sáng. Với những bức ảnh trên, tác giả sử dụng tốc độ chụp 1/50 - 1/125, và tăng dần ISO cho tới khi đủ sáng.
Với những nhiếp ảnh gia đã có kinh nghiệm thì chắc chắn họ sẽ chuyển sang sử dụng đèn nháy để có công suất cao hơn, dễ dàng tạo hình sáng theo ý muốn, nhưng đèn sáng liên tục là một công cụ học tập rất hữu hiệu cho những người mới.
Về tác giả: Jay P Morgan là một nhiếp ảnh gia thương mại, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành. Ông cũng là một giáo viên về nhiếp ảnh thông qua kênh Youtube The Slanted Lens.