Nhà báo Hoàng Anh Sướng, một học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tác giả cuốn sách "Hạnh phúc đích thực" chia sẻ về buổi thiền trà do anh tổ chức cho Bill Gates khi vị tỷ phú đến thăm Đà Nẵng.
Bill Gates đã chọn một trong những điểm tham quan là đỉnh Bàn Cờ "nóc nhà của Đà Nẵng", và ông cùng bạn gái đã được trải nghiệm một phần những nét tuyệt vời của văn hóa, thiên nhiên Việt Nam, và cả thiền học Việt Nam.
Câu chuyện đã được tác giả Hoàng Anh Sướng đăng trên trang cá nhân. Các tiêu đề trong bài viết này do tòa soạn đặt.
Vào hồi 5h chiều ngày 6/3/2024, trên đỉnh núi Bàn Cờ ở bán đảo Sơn Trà (Thành phố Đà Nẵng), tôi rất vui và hạnh phúc được tổ chức buổi thiền trà cho tỷ phú Bill Gates và bạn gái của ông, bà Paula Hurd.
Hơn 20 năm làm trà và truyền bá văn hóa trà Việt Nam, tôi đã đi hầu khắp các tỉnh thành và nhiều nước trên thế giới, tổ chức hàng ngàn buổi thiền trà cho đủ các tầng lớp: các nhà chính trị, các doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, các bậc tu hành… trong và ngoài nước. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi tổ chức buổi thiền trà cho vị khách là tỷ phú Mỹ và đây cũng là lần đầu tiên, không gian thưởng trà diễn ra trên một đỉnh núi tràn ngập mây bay, gió thổi, ráng chiều hoàng hôn và tiếng sóng biển rì rầm khi gần, khi xa. Đứng trên đỉnh núi Bàn Cờ có thể nhìn thấy biển xanh, cát trắng và toàn cảnh thành phố Đà Nẵng. Cảnh sắc nơi đây vô cùng đẹp đẽ, thơ mộng và yên tĩnh như chốn bồng lai tiên cảnh. Buổi thiền trà trở nên đặc biệt, một phần vì thế.
Vì tính chất đặc biệt nên trước đó 2 ngày, 2 trợ lý của ông Bill Gates đã bay ra Hà Nội, đến tận nhà tôi để trao đổi cụ thể, chi tiết. Buổi thiền trà sẽ diễn ra như thế nào, trong bao lâu? Tôi sẽ chia sẻ những điều gì với ông Bill Gates và bà Paula Hurd? Sẽ mời họ thưởng thức những sản phẩm trà gì? Pha bằng bộ đồ trà nào?... Theo chọn lựa của 2 trợ lý ông Bill Gates, tôi sẽ pha bằng bộ đồ trà cổ, truyền thống của tầng lớp phong lưu quyền quý thời xưa gồm hỏa lò, cấp siêu đồng, than hoa, ấm pha trà, thuyền trà, chén tống, chén quân, khay trạm khảm…
Với bề dày hơn 20 năm, tôi đã tổ chức quá nhiều buổi thiền trà, trong đó có những buổi đặc biệt quan trọng cho một số nguyên thủ quốc gia, các trà sư nổi tiếng của Nhật Bản, Trung Quốc nên tôi không hề cảm thấy căng thẳng, lo âu gì và việc chuẩn bị cũng rất nhanh chóng. Vì khung cảnh thiên nhiên trên đỉnh núi Bàn Cờ quá đẹp nên tôi và các cộng sự chỉ việc kê một bộ bàn ghế trường kỷ cổ mượn ở một ngôi chùa, trên đó, cùng với việc bày đặt các trà cụ là một bình hoa nhỏ, không gian thưởng trà đã trở nên vô cùng đẹp đẽ. Và để góp thêm năng lượng bình an cho buổi thiền trà, chúng tôi có mời một sư cô đến tham dự cùng.
Đúng 5h chiều, đoàn xe chở 2 vị khách quý đỗ ở chân núi. Ông Bill Gates và bà Paula Hurd cùng một thành viên Ban tổ chức bước xuống xe, leo từng bước chậm rãi lên núi. Tất cả Ban quản lý và dàn vệ sĩ đứng ở dưới. Trước đó khoảng 2 tiếng, tuyến đường đi qua núi Bàn Cờ hạn chế người qua lại. Tôi và sư cô đứng chắp tay búp sen, đón chào ông bà bằng nụ cười tươi rạng rỡ. Ông bà cũng đáp lại bằng nụ cười thân thiện. Họ ăn vận giản dị, áo phông, quần bò, giày thể thao trông như những du khách bình thường. Lúc này nắng đã nhạt. Gió từ biển thổi lên mát rượi. Làn sương khói mỏng manh khiến cảnh sắc càng thêm thơ mộng. Ông Bill Gates và bà Paula Hurd rất thích thú.
Sau khi gửi lời chào và lời chúc sức khỏe, bình an, hạnh phúc, tôi mời ông bà ngồi thiền cùng tôi. Tiếng chuông nhỏ trên tay tôi ngân lên giữa không gian thanh tịnh như tiếng gọi của Đức Phật, gọi tâm của chúng tôi trở về với thân trong giây phút hiện tại. Tôi hướng dẫn thiền cho ông bà. Bắt đầu bằng việc quan sát hơi thở, buông thư những cơ bắp trên mặt, trên vai, trên lưng, buông thư những căng thẳng, lo âu trong tâm, rồi mỉm cười với hình hài của mình, mỉm cười với sự sống của mình... Chừng vài phút sau, tất cả trở nên tĩnh lặng. Thời gian, không gian như ngưng đọng. Tôi nghe rõ âm thanh phát ra từ đôi cánh của một chú ong bay gần đó. Ngồi thiền chừng 10 phút, chúng tôi tạm dừng lại. Bà Paula Hurd thốt lên: "Tôi thấy bình an quá". Khuôn mặt bà thật tươi mát.
Ông Bill Gates hỏi tôi: "Tôi đã từng sang Thái Lan và uống trà ở đó. Vậy trà Thái Lan xuất hiện sớm hơn ở Việt Nam hay muộn hơn?". Tôi cười bảo: "Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Srilanka, Việt Nam là một trong những chiếc nôi trà cổ nhất của thế giới. Hiện nay, Việt Nam chúng tôi sở hữu rất nhiều cánh rừng trà cổ thụ bạt ngàn trên núi cao ở tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái… Riêng ở Suối Giàng có một cánh rừng trà cổ thụ khoảng 40.000 cây, trong đó có 3 cây chiều cao 8m, đường kính 3 người ôm không xuể. Tuổi đời của những cây trà này khoảng 500 – 600 năm. Đây là niềm tự hào rất lớn của người dân đất Việt về trà. Bởi những cây chè cổ thụ như thế, hiện nay, trên thế giới có thể dễ dàng đếm hết trên mấy đầu ngón tay. Và đây là một minh chứng sinh động nhất để chứng minh Việt Nam chúng tôi là một chiếc nôi trà cổ của thế giới".
Tôi mở IPAD, cho ông bà xem những bức ảnh tôi chụp về những cây trà cổ thụ ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), Tủa Chùa (Lai Châu), Suối Giàng (Yên Bái). Những cây trà to đến 2 người ôm, cao đến 5-6 mét. Ông bà rất ngạc nhiên.
Tôi nói tiếp: "Có thể nói, người Việt Nam chúng tôi là một trong những dân tộc yêu trà nhất trên thế giới. Chúng tôi uống trà ngay từ khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ, qua người mẹ. Lớn lên, chén trà đồng hành cùng chúng tôi suốt cả cuộc đời. Khi vui, lúc buồn, chén trà luôn có mặt. Trong đám cưới của người Việt Nam, trong các lễ vật mà gia đình chú rể mang đến nhà cô dâu, bao giờ cũng có trà. Trong nghi thức tẩm liệm người chết của người Việt Nam, trước khi đặt thi hài người mất vào quan tài bằng gỗ, bao giờ chúng tôi cũng trải một lớp trà bên dưới. Mục đích để giữ cho thi hài khô và không có mùi hôi.
Người Việt Nam có một niềm tin là: chết không phải là hết. Vì thế, trong mỗi ngôi nhà, ở chỗ trang trọng nhất, người VN bao giờ cũng đặt một bàn thờ để thờ cúng tổ tiên. Và vào dịp giỗ, Tết, cùng với hương, hoa, quả, thức ăn dâng cúng lên ông bà, tổ tiên, bao giờ người VN cũng dâng trà. Vì thế, tôi mới nói rằng: người Việt Nam chúng tôi là một trong những dân tộc yêu trà nhất trên thế giới. Chúng tôi uống trà ngay từ khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành, chén trà luôn đồng hành suốt cả cuộc đời. Và thậm chí khi chết, chén trà cũng đi theo chúng tôi về cõi thiên cổ.
Một trong những nghi thức bất thành văn của người Việt Nam là khi khách đến chơi nhà, việc đầu tiên là phải pha trà mời khách. Và hôm nay, thực hiện theo đúng nghi thức đó, tôi xin mời ông bà thưởng thức chén trà sen, loại trà quý nhất của người VN, ngày xưa chỉ dành cho các ông hoàng, bà chúa và tầng lớp thượng lưu quyền quý. Xin mời ông bà hãy uống trà theo cách mà hàng ngày ông bà vẫn thưởng thức. Và lát nữa, sau khi xem tôi trình bày, biểu diễn về nghệ thuật pha trà và thưởng trà của người Việt Nam, ông bà sẽ có sự đối chiếu, so sánh rất thú vị về sự tương đồng và khác biệt giữa nghệ thuật thưởng trà Việt Nam với nghệ thuật thưởng trà của nước Mỹ".
Chén trà đầu tiên tôi dâng mời, ông Bill Gates và bà Paula Hurd uống cạn rất nhanh. Tôi hỏi: "Trà có đậm với ông bà quá không?". Bà Paula Hurd cười, đáp: "Không. Tôi thấy rất ngon". Câu trả lời khiến tôi hơi ngạc nhiên. Vì hầu hết người Phương Tây quen uống trà đen, vị nhạt nên khi uống trà Tân Cương (tôi thường ướp hoa sen với trà Tân Cương), họ thường kêu chát. Như đọc được suy nghĩ của tôi, bà Paula Hurd giải thích: "Vì ở nhà tôi cũng hay uống trà xanh mà".
Vừa thưởng trà, tôi vừa chia sẻ với ông bà về nghệ thuật ướp trà sen cầu kỳ, tinh tế, công phu của người Hà Nội. Muốn ướp một cân trà sen phải ướp từ 5-7 lần. Mồi lần dùng khoảng 200 bông sen Hồ Tây nên để có một cân trà sen thơm ngon, cần ướp đến 1.000 – 1.200 bông. Ông bà ồ lên ngạc nhiên. Bà Paula Hurd bảo: "Bây giờ tôi mới hiểu vì sao trà sen lại quý như vậy. Và vì sao loại trà này ngày xưa ở VN lại chỉ dành cho các bậc vua chúa". Quay sang ông Bill Gates, bà đùa: "Em với anh bây giờ trở thành ông hoàng, bà chúa rồi đấy". Cả hai cười rất tươi.
Tôi chuyển sang phần quan trọng nhất của buổi thiền trà. Đó là cách pha trà và thưởng trà của tầng lớp phong lưu quyền quý thời xưa. Tôi giới thiệu về các dụng cụ pha trà. Hướng dẫn cách chọn ấm, chọn chén, cách chọn nước, cách pha, cách rót, cách mời, cách thưởng thức… Lần này, tôi pha mời ông bà thưởng thức trà san tuyết cổ thụ của Hà Giang. Tôi hướng dẫn chi tiết: "Nâng chén trà ngang tầm mắt, chậm rãi đưa chén trà từ bên phải sang bên trái rồi từ bên trái sang bên phải, mắt nhìn theo. Mục đích để làm gì? Để ngắm nhìn vẻ đẹp của chén trà, nhất là khi ở nhà ông bà có những chén trà quý. Sau đó, chậm rãi đưa chén trà lên mũi, hít những hơi thật sâu để cảm nhận hương thơm của trà. Cuối cùng mới đưa lên môi nhấp ngụm trà đầu tiên.
Ngụm trà đầu tiên, chúng ta ngậm trong miệng khoảng 5-6 giây. Sau đó, mím môi và nuốt khẽ khàng ngụm trà này. Nếu chúng ta ngậm ngụm trà khoảng 5-6 giây thì hương thơm của trà sẽ xông lên não bộ và chúng ta sẽ cảm nhận rất rõ hương thơm của nó. Còn than ôi, nếu ực 100% thì chúng ta sẽ không kịp cảm nhận bất cứ một cái gì. Kiểu uống trà ực 100% ấy, người VN gọi là "ngưu ẩm", tức là trâu ngựa uống). Thưởng trà là một thú tao nhã nên phải nhấp từng ngụm nhỏ nhẹ: "Thập nhị lan can nhất trản trà". Đi hết 12 bậc cầu thang mới uống hết một chén trà".
Nói đến đây, ông Bill Gates nhìn bà Paula Hurd cười bảo: "Hóa ra, từ trước đến nay, chúng ta toàn uống trà theo kiểu ngưu ẩm à?". Cả hai cùng cười. Tôi cũng cười theo.
Phần cuối buổi thiền trà, tôi dành nhiều tâm huyết để nói về tính thiền và đạo trong trà. Vì sao, trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, chỉ có thiền trà mà không có thiền bia, thiền rượu, thiền cà phê? Tại sao chỉ có mỗi trà được nâng lên thành đạo mà không có bia đạo, rượu đạo, cà phê đạo? Tôi bảo: "Thế hệ 7X người Việt như chúng tôi phải trải qua một thời kỳ dài đói ăn và đói mặc. Bây giờ, kinh tế phát triển hơn, nhiều người thừa ăn, thừa mặc. Nhưng người Việt hiện nay (mà không chỉ riêng người Việt) đang phải đối diện với một nạn "đói" cũng rất đáng sợ. Đó là đói hiểu và đói thương. Nhiều người bây giờ rất cô đơn. Nhiều khi về ngôi nhà mình, ngồi cạnh chồng mình, vợ mình, con mình mà cứ thấy cô đơn. Bởi không ai hiểu mình. Không ai thương mình. Vòng quay gạo tiền cơm áo cứ cuốn mình đi. Mình không còn thời gian dành cho người thân mình nữa. Thậm chí thời gian dành cho chính mình, chăm sóc thân, tâm mình cũng không còn nữa. Và thế là mất kết nối, mất truyền thông. Gia đình rạn nứt, đổ vỡ bắt đầu từ đây.
Uống trà chính là một cách để kết nối. Uống trà độc ẩm (một mình) là cách để trở về với chính mình, để hiểu mình là ai? Khi hiểu mình là ai, mình sẽ nhận ra một điều: trong mình có rất nhiều hạt giống tốt nhưng trong mình cũng có những hạt giống xấu. Trong mình có nhiều phẩm chất hay nhưng trong mình cũng có những hạt giống dở. Nhìn sâu vào bên trong nữa, mình còn thấy: những điều hay, dở, tốt, xấu ấy không phải tự nhiên có mà nhiều khi, mình được (bị) kế thừa từ ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Đó là một sự thật chúng ta phải chấp nhận. Và khi chấp nhận sự thật ấy, có nghĩa là, chúng ta cũng phải chấp nhận những điều hay, điều dở ở người thân mình. Vì họ cũng như mình mà.
Hiểu mình chính là nền tảng để hiểu người. Không hiểu mình thì sẽ không bao giờ hiểu được người khác. Và để giúp mình hiểu hơn người khác, người Việt chúng tôi còn có cách uống trà thứ 2, đó là đối ẩm hay còn gọi là song ẩm, tức là 2 người uống. Người Việt thường thưởng trà trong không gian yên tĩnh. Trong trà có cafein, hoạt chất giúp mình tỉnh thức. Không gian yên tĩnh giúp tâm mình tĩnh lặng. Vì thế, mình dễ mở lòng ra, tâm sự những điều sâu kín. Một người nói, một người nghe. Đó là cách tốt nhất để hiểu nhau. Hiểu là nền tảng của thương yêu. Không có hiểu thì không có thương. Nếu chồng yêu vợ mà không hiểu vợ thì chỉ làm vợ khổ. Vợ yêu chồng mà không hiểu chồng thì chỉ khiến chồng cảm thấy ngột ngạt, bức bí, khó chịu. Vì thế, muốn hiểu nhau, muốn mang lại hạnh phúc cho nhau, hãy uống trà với nhau hàng ngày.
Trà, với người Việt Nam, không chỉ là một thức uống mà còn là phương thức để tu tâm dưỡng tính. Không có thức uống nào dạy dỗ con người nhiều như trà. Trà dạy cho chúng ta sự sạch sẽ, ngăn nắp. Trà dạy cho chúng ta lòng kiên nhẫn. Trà dạy cho chúng ta sự khiêm nhường. Trà giúp ta tĩnh tâm để hiểu mình nhờ đó mà sửa mình, để hoàn thiện mình. Cổ nhân người Việt nói: "Uống trà để tẩy bụi trần, rửa lòng tục", "uống trà là phương thức để tu tâm dưỡng tính" là vì thế.
Khi thân tâm mình thanh tịnh, chúng ta sẽ phát hiện ra một điều: Hạnh phúc đích thực không phụ thuộc nhiều vào tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền bính. Hạnh phúc đích thực chỉ có khi ta có một cái tâm an, trong đó, chứa đầy hiểu biết và thương yêu".
Tôi say sưa nói. Ông Bill Gates và bà Paula Hurd chăm chú nghe. Tôi liếc nhìn đồng hồ. 6h20 phút tối. Đã quá giờ buổi thiền trà mà ông bà đặt trước 20 phút. Tôi xin phép kết thúc buổi thiền trà. Tôi cười bảo: "Để chia sẻ thấu đáo về vẻ đẹp của trà Việt Nam thì ít nhất cũng phải mất 3-4 tiếng. Nhưng vì hiểu thời gian với ông bà rất quý giá nên trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi cũng đã kịp lẩy những gì tinh túy nhất của trà đạo Việt để dâng tặng cho ông bà". Ông bà cười đáp lại và bày tỏ lòng cảm ơn.
Sư Cô thỉnh mấy tiếng chuông rồi đọc lời cầu nguyện cho ông bà và tất cả mọi người trên hành tinh này luôn được bình an và hạnh phúc.
Hoàng hôn đã tắt tự bao giờ. Nhìn xuống biển, biển tím ngắt. Thành phố đã lên đèn. Hàng vạn ánh đèn lấp lánh như một dải ngân hà. Bà Paula Hurd thốt lên: "Đẹp quá".
Chúng tôi chụp với nhau mấy tấm ảnh kỷ niệm. Khuôn mặt ai trông cũng đầy bình an và hạnh phúc. Trước khi chia tay, tôi nói lời cảm ơn và mong hội ngộ ông bà lần nữa tại Việt Nam.
7h30 tối, tôi xuống núi, lên xe, trở về khách sạn. Trên đường đi, tôi cứ thao thiết nghĩ. Ông Bill Gates là một tỷ phú. Bận trăm công nghìn việc như thế, lại chỉ ở Việt Nam có ít ngày. Thay bằng tiệc tùng, ăn chơi, nhảy múa giống như nhiều doanh nhân Việt Nam vẫn thường làm, ông và bạn gái lại tha thiết muốn nghe, muốn tìm hiểu về văn hóa trà Việt. Thật đáng trân trọng biết bao...
Chợt nhớ, năm 2013, khi theo chân Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ. Trong một lần ngồi uống trà với thầy, tôi đã hỏi: "Thưa Thầy! Con thấy ở Việt Nam bây giờ, số người giàu lên rất là nhiều. Nhưng tiếc thay, một bộ phận trong đó chỉ là "giàu xổi". Những người giàu có cốt cách phong lưu, cốt cách văn hóa, giàu trí tuệ có lẽ chưa nhiều. Có cách nào để nhiều người trong các thế hệ giàu có mới nâng tầm văn hóa, trí tuệ được không?". Thiền sư Thích Nhất Hạnh cười bảo: "Thì việc con đang tâm huyết truyền bá nghệ thuật thưởng trà chính là một cách đó"...