Cụ thể, theo hãng tin AP, nhóm nghiên cứu tại lò phản ứng Joint European Torus (JET) gần TP Oxford - Anh đã duy trì được phản ứng nhiệt hạch trong suốt 5 giây thử nghiệm để tạo ra 59 megajoule (MJ) năng lượng nhiệt hạch - nhiều gấp đôi kỷ lục được thiết lập năm 1997.
Các nhà khoa học lâu nay nghiên cứu công nghệ phản ứng nhiệt hạch theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau với mục tiêu tạo ra nguồn năng lượng tương tự cách mặt trời tạo ra nhiệt. Chuyên gia Stephanie Diem của Trường ĐH Wisconsin (Mỹ) nhận định công nghệ được sử dụng để đạt được thành tựu nói trên cho thấy khai thác nhiệt hạch không phải là chuyện quá xa vời.
Lò phản ứng Joint European Torus (JET) gần TP Oxford - Anh Ảnh: CƠ QUAN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ ANH
Một số nhóm nghiên cứu đang tăng tốc để hoàn thiện những phương pháp khác nhằm kiểm soát phản ứng nhiệt hạch và gần đây cũng đã thông báo những kết quả đáng chú ý. Chuyên gia Ian Fells của Trường ĐH Newcastle (Úc) dự báo thế giới sẽ mất thêm 10-20 năm nữa để có thể đạt được mục tiêu thương mại hóa năng lượng nhiệt hạch trong nỗ lực đối phó biến đổi khí hậu.
Theo đài CNN, phản ứng nhiệt hạch (phản ứng tổng hợp hạt nhân) là sự hợp nhất 2 hoặc nhiều nguyên tử thành một nguyên tử lớn hơn. Tiến trình này có thể phóng thích nguồn năng lượng khổng lồ dưới dạng nhiệt. Năng lượng hạt nhân được sử dụng ngày nay đến từ một tiến trình khác biệt, được gọi là phân hạch.
So với phản ứng phân hạch, phản ứng nhiệt hạch an toàn hơn và tạo ra ít chất thải phóng xạ hơn. Điều này khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn khi thế giới muốn nói không với nhiên liệu hóa thạch đang thúc đẩy biến đổi khí hậu.