*Dưới đây là những chia sẻ của Maruko - Cô gái năm 1995 người Nhật Bản. Maruko đã kết hôn và đang nuôi con nhỏ. So với mục tiêu đề ra, số tiền mà Maruko đã tiết kiệm được trong 1 năm qua có phần “vượt chỉ tiêu”. Cô là người quản lý tài chính trong gia đình. Kể từ khi giữ vai trò tay hòm chìa khóa, Maruko luôn duy trì 5 thói quen này để số tiền chi ra ở mức tối thiểu, mà chất lượng sống của gia đình vẫn được duy trì ổn định, không quá khắc khổ.
Trước khi tìm ra được những phương pháp cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mình, tôi cũng đã thử áp dụng tất cả những gì mình đã “học mót” được ở trên mạng, hoặc được người thân, bạn bè chia sẻ. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả những kiến thức, kinh nghiệm của người khác đều chỉ mang tính tham khảo.
Bạn không thể áp dụng một cách máy móc phương pháp tiết kiệm của người khác vào bản thân hoặc gia đình. Những gì tôi chia sẻ dưới đây cũng vậy.
Ảnh minh họa
Nhờ duy trì 6 thói quen này, vợ chồng tôi đã tiết kiệm được 2,6 triệu Yên (khoảng 418 triệu đồng) trong vòng 1 năm. Hy vọng chúng cũng sẽ hữu ích phần nào với mục tiêu tiết kiệm của bạn.
1 - Không mua đồ ăn sẵn hay nước uống đóng chai
Vợ chồng tôi đều là dân văn phòng. Để cắt giảm chi phí ăn uống, tôi luôn dậy sớm và chuẩn bị 2 phần ăn trưa - một phần cho mình, một phần cho chồng để mang đi làm. Việc này hơi tốn sức một chút, nhưng đổi lại, vợ chồng tôi có bữa trưa healthy và tiết kiệm. Bên cạnh đó, tôi cũng hiếm khi nào mua các loại đồ uống đóng chai trong siêu thị.
Đồ ăn trưa mà Maruko chuẩn bị cho bản thân và ông xã để mang đi làm
Mỗi khi ra ngoài đi dạo hay đi xa, chúng tôi sẽ luôn mang theo 2 chai nước lọc để tránh việc phải mua nước uống đóng chai.
2 - Tủ lạnh còn đồ thì không đi siêu thị
Chúng tôi hiếm khi đi ăn ngoài, chủ yếu đều là tự nấu và ăn tại nhà. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi thường xuyên phải đi siêu thị mua thực phẩm. Để hạn chế tối đa tình trạng có đồ dư thừa hoặc đồ cấp đông quá lâu, tôi luôn tuân thủ quy tắc “tủ lạnh còn đồ thì không đi siêu thị”.
Phải đến khi tủ lạnh gần như trống hoác, tôi mới bắt đầu lên danh sách những thứ cần mua rồi mang theo tờ giấy note ấy tới siêu thị. Tôi thường mua thực phẩm ở các siêu thị lớn vào khung giờ giảm giá. Việc này nhỏ thôi nhưng nếu thường xuyên mua được đồ giảm 20-30%, số tiền bạn tiết kiệm được cũng kha khá đấy.
Maruko chỉ đi siêu thị khi tủ lạnh trong nhà đã gần như "trống hoác"
3 - Mua đồ dùng size lớn
Với những sản phẩm như giấy vệ sinh, nước giặt, nước xả, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội,... tôi luôn mua size lớn nhất thay vì size nhỏ, và ưu tiên những sản phẩm unisex để cả tôi và chồng có thể dùng chung. Ví dụ điển hình là dầu gội và sữa tắm. Không nhất thiết phải mỗi người dùng một loại, việc này về lâu về dài đều tốn kém một cách không cần thiết.
Hơn nữa, hãy nhớ rằng các sản phẩm fullsize luôn có giá thành rẻ hơn các sản phẩm size vừa - nhỏ.
4 - Dọn nhà mỗi tuần 1 lần
Tôi cảm thấy thư giãn khi dọn nhà. Đó là lý do gia đình tôi không tốn tiền thuê người dọn nhà theo giờ. Từ lâu nay, tôi đã nhận ra mối liên kết giữa việc nhà cửa gọn gàng với mục tiêu tiết kiệm. Khi từng ngóc ngách, từng món đồ trong nhà đều được chính tay bạn lau chùi, sắp xếp, bạn sẽ biết đâu là thứ có thể sử dụng hoặc sẽ sử dụng trong tương lai, đâu là thứ không thể hoặc không còn nhu cầu sử dụng. Từ đó, bạn cũng hạn chế được việc chi tiền để mua sắm những thứ vốn đã có sẵn trong nhà, mà vì ít dọn dẹp, sắp xếp nên mình chẳng nhớ ra.
Maruko cho rằng việc thường xuyên dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc trong nhà cũng phần nào giúp bạn hạn chế mua sắm, từ đó tiết kiệm được thêm
Thường xuyên dọn nhà không chỉ là hoạt động giải tỏa căng thẳng hiệu quả và không tốn kém, mà còn giúp bạn hạn chế tình trạng “lãng quên những gì mình đang có”.
5 - Mỗi tuần đều có 1 ngày “không tiêu tiền”
Đây là thử thách nhỏ mà tôi và ông xã đã đặt ra cho nhau. Ban đầu, chúng tôi chỉ định thử cho vui nhưng không ngờ chuyện này lại giúp ích rất nhiều cho việc hình thành và duy trì thói quen tiết kiệm.
Như tên gọi của thử thách, ngày không tiêu tiền là ngày mà chúng tôi sống với 0 đồng trong túi. Trong ngày này, không có nhu cầu nào là chính đáng để chúng tôi phá vỡ quy tắc không tiêu tiền. Ban đầu, việc thực hành ngày không tiêu tiền cũng khiến chúng tôi gặp một chút khó khăn trong việc quản lý ham muốn của bản thân. Nhưng cũng vì thế mà tôi tìm ra được những cách giải trí không tốn lấy 1 xu, ví dụ như việc tự tập yoga tại nhà, chạy bộ trong công viên hoặc vào bếp thử làm một món tráng miệng mới với những nguyên liệu có sẵn trong nhà.
6 - Tiết kiệm trước, chi tiêu sau
Tôi nghĩ rằng điều này mọi người đều đã biết, nên tôi đã để nó ở vị trí cuối cùng. Còn trên thực tế, đây là điều đầu tiên tôi áp dụng khi giữ trọng trách quản lý tài chính trong gia đình. Vào ngày nhận lương (của tôi và của chồng), tôi sẽ trích 10% thu nhập để gửi tiết kiệm. Tỷ lệ này sẽ tăng dần lên mỗi tháng cho đến khi chúng tôi cảm thấy không thể tiết kiệm hơn được nữa.
Sổ ghi chép chi tiêu của Maruko
Nói về chi phí cố định, trong thời đại mà mọi người đều có điện thoại di động và nhu cầu truy cập internet diễn ra gần như 24/7, việc chi tiền cho các gói cước viễn thông là điều gần như bắt buộc. Nhưng tôi khuyên bạn nên mua gói cước viễn thông theo tháng thay vì mua gói theo ngày. Bạn có thể cân nhắc nhu cầu sử dụng mạng internet của bản thân để tìm gói cước phù hợp. Nếu là dân văn phòng, tôi khuyên bạn nên chọn gói cước viễn thông rẻ nhất vì thực ra phần lớn thời gian, chúng ta đều dùng wifi (của công ty hoặc ở nhà).
Ngoài ra, tôi và chồng cũng duy trì việc ghi chép chi tiêu hàng ngày vào 1 cuốn sổ chung. Việc này giúp tôi dễ dàng cân đối thu - chi và hạn chế tình trạng bội chi.
Theo Toutiao