Bước phát triển của do thám trên không

Lê Du |

Vào đầu những năm 1790, người Pháp lần đầu tiên thử nghiệm khinh khí cầu chứa đầy hydro để do thám chiến trường.

Từ khinh khí cầu thời Nội chiến ở Mỹ cho đến máy bay không người lái được chế tạo giống chuồn chuồn, công nghệ do thám trên không đã có một quá trình phát triển không ngừng suốt 200 năm.

Những quả bóng trên chiến trường

Vào đầu những năm 1790, người Pháp lần đầu tiên thử nghiệm khinh khí cầu chứa đầy hydro để do thám chiến trường. Những quả bóng bay này thực sự không bay qua phòng tuyến của kẻ thù, mà được buộc vào mặt đất bằng dây cáp.

Trên chiếc giỏ của khí cầu có hai người lính, một người điều khiển kính viễn vọng, còn người kia dùng cờ báo hiệu những gì quan sát được cho căn cứ bên dưới. Những khinh khí cầu của Pháp đã hình thành lực lượng không quân đầu tiên trên thế giới vào năm 1794, được gọi là Compagnie d'Aéronautiers.

Khi Nội chiến ở Mỹ (1861 - 1865) bùng nổ, nhà phát minh và nghệ sĩ biểu diễn Thaddeus Lowe đã tổ chức một cuộc trình diễn khinh khí cầu tại National Mall (Quảng trường Quốc gia) nhằm thuyết phục Tổng thống Abraham Lincoln sử dụng những quả bóng bay có dây buộc trong Quân đội Liên minh. Khinh khí cầu trinh sát lớn nhất, Intrepid, có thể chở 5 người, bao gồm cả một nhân viên điều hành điện báo để chuyển thông tin.

Vào những năm 1880, một nhà khí tượng học người Anh tên là Douglas Archibald đã thử nghiệm những chiếc diều bạt lớn để nghiên cứu vận tốc gió.

Ông cũng gắn một chiếc máy ảnh vào con diều và kích hoạt màn trập thông qua sợi cáp dài gắn vào dây diều. Những bức ảnh chụp từ trên không của Archibald đã thu hút sự chú ý của một hạ sĩ quan trong quân đội Mỹ tên là William Eddy.

Khi chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ năm 1898, Eddy đã chế tạo phiên bản máy ảnh gắn trên diều của Archibald và sử dụng nó để chụp ảnh các vị trí của đối phương. Mặc dù nhiếp ảnh đã có từ thời Nội chiến, nhưng chiếc diều của Eddy đã chụp những bức ảnh do thám quân sự từ trên không đầu tiên trong lịch sử.

Chim bồ câu và máy bay do thám

Chim bồ câu đưa thư đóng một vai trò quan trọng về thông tin liên lạc trong Thế chiến thứ Nhất. Chúng mang thông báo S.O.S từ các thủy thủ bị lạc trên biển, chuyển mệnh lệnh cho các sĩ quan xe tăng và chuyển thông điệp được mã hóa từ các điệp viên bí mật.

Năm 1907, một dược sĩ người Đức tên là Julius Neubronner đã được cấp bằng sáng chế cho chiếc máy ảnh gắn trên chim bồ câu và sử dụng phát minh của mình để tạo ra những tấm bưu thiếp kỳ lạ có những bức ảnh được chụp từ “trên cánh”. Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, quân đội Đức đã thử nghiệm các “nhiếp ảnh gia chim”, được cho là kín đáo hơn máy bay do thám.

Máy bay lần đầu tiên tham chiến trong Thế chiến thứ Nhất nhưng trước khi được trang bị để bắn phá và ném bom, chúng được sử dụng để trinh sát. Những chiếc máy bay hai chỗ ngồi chở một phi công và một quan sát viên có nhiệm vụ phác họa sơ đồ bố trí quân địch qua ống nhòm.

Sau đó đến máy ảnh. Công ty Eastman Kodak ở Mỹ đã thiết kế một số camera trên không đầu tiên được gắn chặt vào bên hông máy bay Havilland DH-4 do Anh sản xuất.

Các máy ảnh khác trong Thế chiến thứ Nhất có thể chụp ảnh qua một lỗ trên sàn buồng lái. Tại trụ sở chính ở Rochester, Kodak điều hành trường chụp ảnh trên không, một chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho lính Mỹ được giao nhiệm vụ phát triển các bức ảnh do thám trong điều kiện chiến trường.

Đến Thế chiến thứ Hai, các máy bay giám sát bắt đầu mang theo một phòng tối di động trên máy bay để phát triển và phân tích các bức ảnh chụp từ trên không trong thời gian gần như thực.

Trong Chiến tranh lạnh, cơ quan gián điệp của Mỹ đã phát triển máy bay do thám U2 bay ở độ cao 20km, được trang bị máy ảnh Hycon 73B, có khả năng chụp các chi tiết nhỏ đến 75cm từ độ cao chóng mặt.

Bước phát triển của do thám trên không - Ảnh 2.

Bồ câu gắn máy ảnh và máy bay U2.

Vệ tinh do thám và UAV

Vào cuối những năm 1950, Không quân Hoa Kỳ đã khởi động một chương trình có tên là “Người khám phá” chuyên thu thập dữ liệu khoa học bằng vệ tinh. Trên thực tế, đó là một chương trình gián điệp bí mật có tên Dự án Corona.

Vào cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh, HEXAGON KH-9, một vệ tinh gián điệp của Mỹ có thể chụp ảnh các vật thể có đường kính nhỏ hơn 60cm từ độ cao lên đến 160km so với bề mặt trái đất.

Trước khi các hình ảnh kỹ thuật số có thể được truyền đi từ không gian, KH-9 đã thả dù những phim phơi sáng xuống bầu khí quyển ở Hawaii và chúng sẽ được máy bay phản lực của Không quân chộp bắt giữa không trung.

Một trong những tiện ích đáng chú ý nhất tại Bảo tàng CIA là Insectothopter, một thiết bị nghe lén được ngụy trang dưới dạng một con chuồn chuồn trông giống như thật.

CIA đã chế tạo thiết bị này vào những năm 1970, sau khi từ bỏ nỗ lực chế tạo thiết bị hình con ong nghệ trước đó. Đôi cánh trong mờ của côn trùng bay được nhờ năng lượng từ một động cơ xăng nhỏ và nó bay đủ nhanh phủ diện tích bằng hai sân bóng đá trong 60 giây.

Một nhân viên điều khiển nó sử dụng chùm tia laser, chùm tia này cũng truyền âm thanh được ghi lại bằng microphone nhỏ bé của con bọ. Tuy nhiên Insectothopter không được đưa vào hoạt động trong thực tế vì nó dễ dàng bị thổi bay bởi những cơn gió mạnh hơn 5 dặm/giờ.

UAV hay “máy bay không người lái” xuất hiện lần đầu trong Thế chiến thứ Nhất là Aerial Target, được điều khiển từ xa của Anh. Không quân Hoàng gia RAF đã sử dụng chúng làm mục tiêu thực hành cho các chiến binh không chiến vào năm 1917.

Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, RAF đã nâng cấp đội UAV của mình lên thành Queen Bee, vật thể là mục tiêu huấn luyện có thể tái sử dụng và hoàn trả cho các xạ thủ phòng không.

Theo History

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại