Buộc phải làm công việc "dưới tầm", liệu bạn có toàn tâm cống hiến cho công ty?

Lâm Anh |

Nếu bạn thấy công việc hiện tại dưới khả năng của mình, liệu bạn có gây ra nhiều rắc rối hơn là cống hiến cho công ty?

Khi Amanda Hiebert, hiện là một giám đốc truyền thông ở Calgary, Canada tiếp quản vị trí giám đốc một công ty cung cấp vitamin một vài năm về trước, cô biết mình thừa sức đảm nhiệm công việc này.

Lương cao và cơ hội làm việc cho một công ty lớn đã khiến cô chọn công việc kể trên. Nhưng ngay sau khi bắt tay vào công việc, cô nhận thấy vị trí này không đủ sức hút với mình. 

"Nó tẻ nhạt, không thách thức, còn tôi thì chẳng làm được việc gì có ích cả", Hiebert cho hay. Cô đã bỏ việc đó cách đây 2 năm và những trường hợp như cô cũng không phải hiếm gặp.

Cứ 6 người lao động ở Anh, thì có một người nghĩ rằng họ dư sức đảm nhiệm vị trí công việc hiện tại và 58% cử nhân ở nước này đang làm công việc không yêu cầu bằng đại học. Còn theo thống kê ở Mỹ, trong số những người sở hữu bằng đại học, cứ 4 người thì có 1 người có khả năng làm tốt hơn so với yêu cầu của công việc hiện tại.

Ngày nay, nhiều nhà tuyển dụng coi bằng đại học như một yêu cầu đầu vào cơ bản cho những công việc vốn do những người không trải qua đào tạo đại học đảm nhận. Điều này dẫn đến tình trạng tăng nhanh những công việc mà người lao động cảm thấy không có tính cạnh tranh hay thử thách.

Buộc phải làm công việc dưới tầm, liệu bạn có toàn tâm cống hiến cho công ty? - Ảnh 1.

Nếu phải làm công việc dưới tầm, bạn sẽ ứng xử như thế nào?

Nhìn bề ngoài, xu hướng này dường như có lợi cho những người sử dụng lao động vì họ có thể thu hút số lượng lớn cử nhân tài năng và có trình độ đào tạo cao, nhưng thực tế lại không phải vậy.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các công ty có thể tự "làm hại mình" nếu tuyển dụng nhân lực có năng lực tốt hơn nhiều so với đòi hỏi công việc.

Giận dữ ngầm

Việc sở hữu nhân viên có trình độ cao như vậy có thể là một lợi thế. Tuy nhiên, theo cảnh báo của giáo sư Berrin Erdogan từ Đại học Portland, Mỹ, những người này nhanh chóng có thái độ tiêu cực như chán nản, tức giận tại nơi làm việc.

"Cảm giác về khả năng của bản thân sẽ khiến họ thất vọng, nhất là đối với những ai đang làm việc theo nhóm", bà nói. Nghiên cứu của nữ giáo sư này chỉ ra rằng những người đang làm công việc dưới khả năng sẽ khiến họ cảm thấy khác biệt với đồng nghiệp, dần dần dẫn đến sự tách biệt và cô lập với môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, theo Bruce Tulgan, chuyên gia đào tạo các thủ lĩnh và tác giả cuốn "27 thách thức người quản lý phải đối mặt", một người làm việc dưới khả năng của mình có thể không toàn tâm toàn ý vào những nhiệm vụ được giao vì nghĩ chúng "dưới tầm mình".

"Họ sẽ cảm thấy chán khi tinh thần làm việc không sung sức, thậm chí họ còn không làm những việc được yêu cầu", ông nói.

Theo Tulgan, việc tự nhận thức về công việc dưới khả năng của mình phổ biến hơn cả trong thế hệ Y (những người sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000). Những người thuộc thế hệ này có "kỳ vọng về bản thân và lãnh đạo của mình cao hơn so với các thế hệ khác".

Buộc phải làm công việc dưới tầm, liệu bạn có toàn tâm cống hiến cho công ty? - Ảnh 2.

Một nghiên cứu khác được các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Florida Atlantic, Mỹ thực hiện hồi đầu năm nay cho thấy lao động càng trẻ càng tin vào việc họ dư sức làm công việc hiện tại và thường xuyên cảm thấy thất vọng trong công việc.

Các nhân viên này cũng có xu hướng thực hiện những hành vi nổi loạn như đi làm muộn, về sớm, trộm cắp thậm chí bắt nạt đồng nghiệp.

Sếp nên ứng xử với họ ra sao? Bản thân họ nên làm gì?

Tuy nhiên, các kết luận trên không phải lúc nào cũng đúng. Một nghiên cứu gần đây của Erdogan và Hong Deng, giáo sư Đại học Kinh tế Durham, Anh đã xác định những đặc điểm đặc biệt giúp nhân viên có trình độ vượt trội có thể phối hợp làm việc tốt ở bất cứ cơ quan nào. 

"Những nhân viên có năng lực tốt hơn với kĩ năng giao tiếp tốt có thể thể hiện những hành vi phù hợp trong khi tương tác với đồng nghiệp và được đánh gía là có tài và thân thiện", giáo sư Deng cho hay.

"Rất nhiều nhân viên ứng xử như vậy, họ được mọi người công nhận và từ đó có thêm động lực để thực hiện những hành vi tích cực trong công việc".

Nói một cách đơn giản, quá trình tương tác giữa các cá nhân cũng chính là quá trình thích nghi với môi trường làm việc, rèn luyện sự thân thiện và hạn chế việc đánh giá thấp công việc cũng như lãnh đạo. Những nhân viên tiếp cận công việc theo cách đó sẽ đạt hiệu quả công việc tốt hơn, giáo sư Deng cho biết thêm.

Buộc phải làm công việc dưới tầm, liệu bạn có toàn tâm cống hiến cho công ty? - Ảnh 3.

Sếp nên ứng xử như thế nào với các nhân viên có năng lực tốt hơn yêu cầu công việc hiện tại.

Elisabeth Kelan, giáo sư Đại học Cranfield School of Management, Anh cho biết điểm khác biệt mà các lãnh đạo giỏi nên làm để duy trì đội ngũ nhân viên có năng lực tốt hơn vị trí công việc hiện tại là giao cho họ nhiệm vụ cần nhiều sự sáng tạo, những dự án dài hạn và cơ hội làm việc với những đội nhóm khác trong nội bộ công ty.

Nếu áp dụng cách trên, các lãnh đạo nên chú ý giải thích cho cả nhóm biết vì sao người này lại được chọn để đảm đương những nhiệm vụ đặc biệt.

Một cách khác để các lãnh đạo hạn chế cảm xúc tiêu cực của nhân viên có trình độ cao là thẳng thắn trao đổi với họ về việc thăng tiến.

"Ông ấy nói với nhân viên rằng nếu bạn ở vị trí này trong một năm, bạn sẽ được chuyển lên cấp cao hơn", Erdogan dẫn lại lời của một ông chủ có nhân viên trình độ cao cho biết. Điều này sẽ khiến nhân viên này luôn có cảm giác: "Tuyệt thật! Mình sẽ không phải ở vị trí này mãi mà sẽ có một công việc tốt hơn".

Với những trường hợp như của Hiebert, nhân vật được nhắc đến ở đầu bài, Tulgan đưa ra lời khuyên hãy tự giải thích vì sao bạn muốn làm công việc hiện tại và tập trung vào việc làm thế nào để bạn có được vị trí công việc phù hợp trong công ty.

"Đừng làm CV của bạn bớt ‘long lanh’ đi hay hạ thấp thành tích mà bạn có. Hãy thẳng thắn và trung thực". ông nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại