Bước ngoặt không mong muốn của Nhà Trắng: Chưa kịp mở cửa đã “đau đầu” với biến thể Delta

Kiều Anh |

Sự tăng vọt số ca mắc Covid-19 do biến thể Delta đã buộc Tổng thống Biden phải nghĩ lại về chiến lược ứng phó với đại dịch, 3 tuần sau khi ông tuyên bố vào Ngày Quốc khánh Mỹ (4/7) rằng, virus "đã không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta".

Bước ngoặt không mong muốn của Nhà Trắng

Bước vào East Room ngày 29/7, lần đầu tiên sau nhiều tuần, Tổng thống Biden lại phải đeo chiếc khẩu trang y tế màu đen.

Hơn 80% người dân Mỹ, tức là khoảng 274 triệu người, đang sống ở những khu vực được cho là có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 "cao" hoặc "đáng kể", những nơi mà Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo, thậm chí cả những người đã tiêm vaccine vẫn cần đeo khẩu trang khi ở trong nhà.

Ngày 30/7, khi Tổng thống Biden rời Nhà Trắng để tới Camp David, trước câu hỏi liệu các biện pháp cứng rắn hơn có cần thực hiện để đối phó với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong mùa hè hay không, nhà lãnh đạo Mỹ đã trả lời: "Mọi thứ đều có khả năng".

Tháng 7 là một thời điểm bước ngoặt nhưng không phải theo cách mà Nhà Trắng mong muốn. Tháng 8 sẽ mở ra những điều không chắc chắn mới về đại dịch cũng như khả năng ứng phó với Covid-19 của chính quyền Tổng thống Biden, một khía cạnh mà đa số người dân Mỹ từng ủng hộ ông. Sự chán nản xen lẫn mệt mỏi bao trùm Cánh Tây, nơi các cố vấn phải đeo khẩu trang trở lại và không còn tự tin có thể đặt Covid-19 trở thành vấn đề thứ yếu. Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 ở những bang ngần ngại tiêm vaccine đang khiến các nhà chức trách lo ngại viễn cảnh học trực tuyến và làm việc ở nhà sẽ tiếp tục diễn ra. Lo ngại này đã lan sang cả lĩnh vực kinh tế khi mà tình trạng thiếu lao động đang làm phức tạp thêm quá trình phục hồi nếu đại dịch tồi tệ hơn.

Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực hết sức để thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 giữa bối cảnh biến thể Delta lây lan khắp nước Mỹ bằng cách yêu cầu nhân viên liên bang phải tiêm vaccine hoặc sẽ đối mặt với các biện pháp phòng ngừa y tế nghiêm ngặt, đồng thời khuyến khích người dân Mỹ tiêm vaccine với đề xuất mỗi mũi tiêm sẽ nhận được 100 USD.

Tuy nhiên, thông báo này đã cho thấy khả năng hạn chế của Tổng thống trong cuộc chiến với biến thể Delta và những điều sẽ xảy ra tiếp theo trong đại dịch, dường như đang vượt ngoài tầm kiểm soát của ông.

Các quan chức Nhà Trắng từng hy vọng rằng, với việc vaccine miễn phí và nguồn cung dư dả, hầu hết người dân Mỹ sẽ tình nguyện đi tiêm vaccine và đẩy lùi đại dịch. Nhưng Tổng thống Biden đã bỏ lỡ mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% người trưởng thành Mỹ vào 4/7 khi mà cho tới nay, chỉ có khoảng 49% người dân Mỹ được tiêm đầy đủ vaccine, CDC cho hay.

Tốc độ tiêm chủng đã giảm mạnh kể từ tháng 4, thời điểm mà chỉ trong 1 ngày, hơn 3 triệu người Mỹ xếp hàng trước các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn, bệnh viện và một số địa điểm khác để tiêm vaccine. Gần đây đã có sự tăng lại tỷ lệ tiêm mũi vaccine đầu ở một số bang bị biến thể Delta tác động mạnh, mặc dù vẫn còn quá sớm để nói liệu điều đó có tạo ra nhiều khác biệt hay không.

Bước ngoặt không mong muốn của Nhà Trắng: Chưa kịp mở cửa đã “đau đầu” với biến thể Delta - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Khoảng 1 tháng rưỡi sau khi Tổng thống Biden tuyên bố đã ở thế "trên cơ" đại dịch Covid-19, chính quyền của ông một lần nữa phải khuyến cáo người dân Mỹ đeo khẩu trang khi ở trong nhà tại các địa điểm dễ lây lan virus dù đã tiêm vaccine hay chưa. Ngày 29/7, Tổng thống Biden đã yêu cầu quân đội xem xét việc tiêm chủng vaccine bắt buộc.

Trong khi đó, theo các cuộc khảo sát, tại Mỹ, sự bất mãn và chán nản ngày càng gia tăng ở những người đã được tiêm vaccine khi nhiều người trong số này đổ lỗi cho những người chưa đi tiêm vaccine, chủ yếu tập trung ở các khu vực có quan điểm bảo thủ về chính trị.

"Nước Mỹ đang bị chia rẽ giữa phần lớn những người sẵn sàng tiêm vaccine và những người chưa muốn tiêm vaccine. Tôi hiểu, nhiều người trong số các bạn cảm thấy chán nản từ những hậu quả khi một bộ phận thiểu số không đi tiêm vaccine. Đây không phải là chuyện bang xanh và bang đỏ mà gần như là vấn đề sự sống và cái chết", Tổng thống Biden nhận định.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết hiện chưa rõ liệu chính quyền liên bang có thể yêu cầu tất cả người dân đi tiêm vaccine hay không nhưng điều ông hy vọng là các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân sẽ lưu ý đến những quyết định gần đây của ông và yêu cầu nhân viên của họ đi tiêm vaccine.

Sự gia tăng của biến thể Delta đã khiến Mỹ phải cân nhắc về việc thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine cũng như đeo khẩu trang. Một số công ty ở Mỹ đã yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc đối với nhân viên, tái áp đặt quy định đeo khẩu trang hoặc trì hoãn việc để người lao động quay lại văn phòng làm việc.

Câu hỏi về việc tiêm vaccine bắt buộc

Chính quyền Tổng thống Biden trong nhiều tuần đã cố gắng đối phó với sự sai lệch thông tin về tác động của vaccine khi kêu gọi các công ty truyền thông xã hội tăng cường kiểm duyệt nội dung. Ngày 29/7, Tổng thống Biden kêu gọi người dân Mỹ vượt qua sự ngần ngại, nhấn mạnh rằng vaccine là "hàng rào phòng thủ tốt nhất" để ngăn chặn các ca bệnh nặng và các ca cần nhập viện.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng hối thúc người dân Mỹ không nên nhìn nhận việc tiêm vaccine qua lăng kính đảng phái, đồng thời đề nghị các bang dùng ngân sách trong gói cứu trợ giảm thiểu tác động của đại dịch để trả 100 USD cho những người đi tiêm vaccine.

Tổng thống Biden cho biết, các nhân viên liên bang sẽ phải xuất trình bằng chứng tiêm vaccine hoặc sẽ đối mặt với các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, trong đó có việc xét nghiệm thường xuyên, đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội ở nơi làm việc và hạn chế đi lại.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Biden, một số bang ở Mỹ đang tăng cường chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng. Các chính quyền ở California, New York, New Mexico và Bắc Carolina tuần này cho biết các nhân viên làm việc trong các cơ quan của bang phải tiêm vaccine hoặc sẽ phải xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Thống đốc Puerto Rico cũng yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc với các nhân viên công vụ.

"Hiện nay, mọi thứ rất đơn giản: Tiêm vaccine hoặc nếu không thì bạn sẽ phải xét nghiệm", Thống đốc bang New Mexico Michelle Lujan Grisham tuyên bố ngày 29/7 khi thông báo quy định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 2/8.

"Cho đến khi có nhiều người hơn đi tiêm vaccine, nếu không thì chúng ta sẽ tiếp tục sống chung với mối đe dọa hiện hữu của dịch bệnh nghiêm trọng này, cũng như tiếp tục chứng kiến nhiều biến thể nguy hiểm và dễ lây nhiễm hơn như biến thể Delta xuất hiện", Thống đốc Bắc Carolina Roy Cooper nhận định trong một thông báo ngày 29/7.

Các bang khác cũng khuyến khích người dân đi tiêm vaccine mặc dù chưa bắt buộc. Các nhà chức trách Ohio thông báo hôm 28/7 rằng các nhân viên của bang đã tiêm vaccine sẽ nhận được 100 USD và vợ/chồng của họ sẽ nhận được 25 USD.

Colorado vẫn đang quyết định liệu có áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine với các nhân viên của bang hay không.

"Chúng tôi đang xem xét chính sách mới của liên bang và cân nhắc liệu nó có phù hợp để áp dụng với người lao động của bang hay không và chúng tôi sẽ thực hiện điều đó như thế nào", Conor Cahill, thư ký báo chí cho Thống đốc Jared Polis cho hay.

Bắc Dakota cũng đang khuyến khích nhưng không bắt buộc nhân viên tiêm vaccine và việc xét nghiệm là tự nguyện. Indiana hiện chưa bắt buộc nhân viên của bang tiêm vaccine.

Một số bang khác từ chối việc áp dụng quy định tiêm vaccine bắt buộc như Michigan, Texas...

"Việc tiêm vaccine luôn là quyết định tự nguyện chứ không bao giờ bắt buộc", Thống đốc bang Texas Greg Abbott khẳng định và cho rằng vaccine là hàng rào bảo vệ hiệu quả nhất trước virus SARS-CoV-2./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại