Bước ngoặt định hình lại cuộc chơi xe điện: Ford sắp bán 1 nhà máy tại Đức cho BYD, ô tô điện Trung Quốc bắt đầu 'đánh chiếm' thế giới

Phương Linh |

Thỏa thuận hoàn tất sẽ là một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc.

Bước ngoặt định hình lại cuộc chơi xe điện: Ford sắp bán 1 nhà máy tại Đức cho BYD, ô tô điện Trung Quốc bắt đầu đánh chiếm thế giới - Ảnh 1.

Tờ WSJ đưa tin, Ford Motor đang đàm phán việc bán 1 nhà máy sản xuất xe ô tô tại Đức của mình cho hãng xe điện Trung Quốc BYD.

Nguồn tin cho biết, những lãnh đạo của Ford ở Đức đang lên kế hoạch đến Trung Quốc vào tuần tới để thảo luận về khả năng bán một nhà máy ở Saarlouis, Đức. Đây là nơi việc sản xuất xe dự kiến ​​sẽ kết thúc vào năm 2025. Trước đây, Ford sản xuất mẫu xe Focus nhỏ gọn của mình ở đó. Hiện chưa thể biết được các điều khoản của thỏa thuận cũng như vấn đề giá.

Các cuộc đàm phán vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ và một thỏa thuận cuối cùng có thể thất bại. Ngoài BYD, Ford cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất khác, bao gồm Magna International - nhà sản xuất ô tô theo hợp đồng của Canada. Ngoài ra, các nhà đầu tư tài chính cũng là những người có khả năng tham gia thỏa thuận với Ford.

“Chúng tôi đang nghiên cứu các lựa chọn khác nhau cho việc sử dụng lâu dài và bền vững nhà máy tại Saarlouis. Là một phần của quá trình này, chúng tôi đang thảo luận với một số người mua tiềm năng và hiện chưa có gì để nói thêm vào thời điểm này”, một phát ngôn viên của Ford cho biết.

Phía BYD và Magna cũng từ chối bình luận.

Việc bán nhà máy tại Saarlouis sẽ đánh dấu một bước nữa trong nỗ lực của Ford nhằm đại tu các hoạt động ở châu Âu và chuyển hoàn toàn sang xe điện. Đây cũng sẽ là một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc, vốn đã bắt đầu mở rộng sang các thị trường châu Âu.

BYD là nhà sản xuất xe điện lớn nhất tính theo doanh số bán hàng tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Công ty đã bán một số xe điện, bao gồm cả xe buýt, ở châu Âu. Việc mua nhà máy này sẽ mang lại cho BYD một chỗ dựa vững chắc để mở rộng hơn nữa trên châu lục này, nơi đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường xe điện và xe hybrid.

Ford đã thông báo kết thúc sản xuất tại Saarlouis vào tháng sáu. Nhà máy này sử dụng khoảng 4.600 người lao động. Tuy nhiên, vào năm ngoái Ford cho biết rằng những mẫu EV tương lai dành cho thị trường châu Âu sẽ được chế tạo tại nhà máy của họ ở Valencia, Tây Ban Nha và nhà máy chính ở Cologne, Đức.

Nếu BYD và Ford đạt được thỏa thuận, việc này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với công ty Trung Quốc. Năm ngoái, BYD đã bán được 1,86 triệu xe điện và xe hybrid, gấp ba lần so với năm trước.

Khoản đầu tư tiềm năng diễn ra sau khi Tesla mở rộng sang châu Âu, năm ngoái họ đã bắt đầu sản xuất xe điện tại một nhà máy mới gần Berlin.

“VƯỢT MẶT” TESLA

Doanh số bán xe điện của BYD đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12 và tiếp tục củng cố vị thế hãng sản xuất ô tô chạy bằng nhiên liệu phi hoá thạch lớn nhất thế giới. Ngoài ra, kết quả kinh doanh khả quan này cũng cho thấy khoản đặt cược của Berkshire Hathaway - tập đoàn của tỷ phú Warren Buffett, vào công ty này là đúng đắn.

Hãng xe có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết trong báo cáo gửi lên sàn giao dịch Hong Kong, doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện của BYD đã tăng 4% so với tháng 11, lên 235.197 vào tháng 12. Ngoài ra, doanh số bán xe của hãng tăng gấp 3 trong năm 2022 lên 1,86 triệu chiếc, hầu hết được bán ở Trung Quốc.

Yếu tố thúc đẩy doanh số của BYD đối với các đội xe taxi cũng như xe hộ gia đình đó là giá thành “vừa túi tiền”. Điều này cũng cho thấy tình trạng sa thải nhân sự trong ngành công nghệ của Trung Quốc và nền kinh tế ảnh hưởng bởi đại dịch đã khiến người mua phải cân nhắc về những mẫu xe rẻ hơn, được sản xuất trong nước, thay vì các mẫu nhập khẩu hay thương hiệu ngoại như Tesla.

Eric Han - giám đốc cấp cao của Suolei, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, cho biết: “BYD được hưởng lợi từ việc ‘người tiêu dùng giảm tiêu thụ’ khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Các phương tiện dành cho thị trường đại chúng của nước này được người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu đón nhận nồng nhiệt, vì chúng được coi là các sản phẩm ‘đáng đồng tiền bát gạo’”.

Hầu hết các mẫu xe của BYD đều có giá từ 100.000 NDT đến 200.000 NDT (29.000 USD). Mức giá này là rất phải chăng so với xe Tesla hay các hãng nội địa khác như Nio và Xpeng, với những xe được trong bị công nghệ hiện đại hơn có giá hơn 300.000 NDT.

Tian Maowei - giám đốc bộ phận sale tại Yiyou Auto Service Thượng Hải, nhận định: “Xe điện có giá dưới 200.000 NDT phổ biến với dân văn phòng vì họ muốn tiết kiệm tiền. Ở thị trường nội địa, xe điện và xe plug-in hybrid của BYD bán rất chạy vì có pin hiệu năng cao, được đánh giá là ngang ngửa với pin của các hãng xe cao cấp hơn”.

BYD ban đầu chỉ là một nhà sản xuất pin nhưng nay đã ghi nhận doanh số bán xe điện hàng tháng tăng 10 tháng liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Hãng cũng giành “ngôi vương” từ Tesla của Elon Musk trong quý II vừa qua.

Trong khi đó, doanh số của Tesla thấp hơn 6% so với ước tính của Phố Wall, khi giao 405.278 xe điện trên toàn thế giới trong 3 tháng cuối năm 2022. Giá cổ phiếu của hãng đã lao dốc mạnh chưa từng thấy. Doanh số bán hàng trên toàn cầu vào năm ngoái của Tesla tăng 40%, lên 1,31 triệu xe nhưng vẫn thấp hơn 29% so với BYD.

Được thành lập bởi tỷ phú Trung Quốc Wang Chuanfu vào năm 1995, BYD bắt đầu sản xuất xe từ năm 2003. Công ty chủ yếu bán xe ở Trung Quốc đại lục nhưng đang tìm cách phát triển ra ngoài “biên giới” với kế hoạch mở rộng ra một số thị trường nước ngoài. Berkshire Hathaway hiện sở hữu 14,9% cổ phiếu BYD đang niêm yết trên sàn Hong Kong tính đến ngày 8/12.

Nguồn: WSJ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại