Bước ngoặt cuộc đua giành quyền sở hữu Ocean Group: Dàn lãnh đạo chủ chốt đồng loạt từ nhiệm, gồm cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT

Huyền Trang |

Chỉ 2 tuần tới sẽ diễn ra Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của OGC sau năm 2021 không thể tổ chức Đại hội thành công do những bất đồng giữa ban lãnh đạo và nhóm cổ đông sở hữu 51% cổ phần.

Ngày 15/4, Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (mã CK: OGC) công bố nhận được đơn từ nhiệm của loạt nhân sự chủ chốt trong tập đoàn, bao gồm 3/5 thành viên HĐQT, 2/3 thành viên Ban kiểm soát.

Cụ thể, những thành viên HĐQT nộp đơn từ nhiệm là ông Mai Hữu Đạt - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Mai Phương. Những thành viên Ban kiểm soát nộp đơn xin từ nhiệm là bà Nguyễn Hương Nga - Trưởng Ban kiểm soát và ông Nguyễn Thanh Tùng.

Được biết, từ trước khi từ nhiệm, ông Trung và bà Nga đều đã thoái hết toàn bộ vốn góp tại OGC. Theo đó, ông Nguyễn Thành Trung đã bán 13,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,5% vốn cổ phần, bà Nguyễn Hương Nga bán 7,96 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,65% vốn cổ phần và chị gái là Nguyễn Minh Hạnh bán 6,56 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,19% vốn cổ phần. Ngoài ra, còn có ông Lò Hồng Hiệp - Tổng giám đốc OGC cũng bán 3 triệu cổ phiếu, tương ứng 1% vốn cổ phần.

Những lãnh đạo trên nộp đơn từ nhiệm trong bối cảnh 2 tuần tới sẽ diễn ra Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của OGC vào ngày 29/4/2022. Do nhiều bất đồng giữa ban lãnh đạo và nhóm cổ đông, OGC không thể tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2021 (Lần thứ nhất do không đủ số lượng cổ đông, lần thứ 2 do HĐQT không chấp thuận yêu cầu bổ sung chương trình họp của nhóm cổ đông sở hữu 51% cổ phần).

Cụ thể, trong giai đoạn tháng 10 – 11/2020, có một nhóm cổ đông đã thâu tóm khoảng 51% cổ phần của OGC và 22.3% cổ phần tại công ty con của OGC là CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH). Sau đó, nhóm cổ đông này đã uỷ quyền hoàn toàn cho IDS Equity Holdings (IDS) tất cả các quyền và nghĩa vụ với tư cách cổ đông OGC.

Về kết quả kinh doanh trong năm 2021, OGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 409 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 49% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh của công ty con là Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Tính đến cuối năm 2021, OGC vẫn còn lỗ lũy kế đến 2.523 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn tới điều này là việc phải liên tục trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi.

Bước ngoặt cuộc đua giành quyền sở hữu Ocean Group: Dàn lãnh đạo chủ chốt đồng loạt từ nhiệm, gồm cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT  - Ảnh 1.

Năm 2022, OGC đặt kế hoạch kinh doanh rất thận trọng với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đến 82% so với năm trước, xuống mức 18 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi tập đoàn này có lãi trở lại năm 2018. Ngược lại, tổng doanh thu hợp nhất dự kiến lại tăng hơn 80% so với cùng kỳ lên 937 tỷ đồng.

Bước ngoặt cuộc đua giành quyền sở hữu Ocean Group: Dàn lãnh đạo chủ chốt đồng loạt từ nhiệm, gồm cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT  - Ảnh 2.

Ocean Group từng là một trong số những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam với vốn hóa thị trường lên tới hơn 10 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào năm 2014, ông Hà Văn Thắm - thành viên sáng lập và chủ tịch HĐQT công ty khi đó bị bắt và đến năm 2017, ông Thắm bị tuyên án chung thân vì nhiều tội danh bao gồm tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi ông Thắm bị bắt, Tập đoàn Ocean Group cũng đã rơi vào khó khăn, lỗ cả ngàn tỷ đồng. Hàng loạt các doanh nghiệp liên quan đến ông Thắm đã phải bán giải chấp cổ phiếu OGC theo yêu cầu của ngân hàng. Cơ cấu sở hữu của Ocean Group đã có sự biến động mạnh. OGC cũng đã bán đi phần lớn các tài sản giá trị như: Khu đất vành khăn, Ocean Mart, Khách sạn Dầu khí Phương Đông,... nhưng vẫn không thể giúp cải thiện tình hình tài chính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại