Theo Sputnik, quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không đưa vào sử dụng các hệ thống phòng không S-400 mua của Nga .
"Sẽ có thêm lệnh trừng phạt (Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng chân thành mà nói điều chúng tôi mong là hệ thống S-400 sẽ không được đưa vào hoạt động", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời Bloomberg ngày 25/7.
Vào cùng ngày, Nga đã hoàn tất giai đoạn 1 của việc bàn giao các thành phần của hệ thống S-400 cho Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng S-400 sẽ được đưa vào hoạt động trong quân đội nước này muộn nhất là tháng 4/2020.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được một phần trong hệ thống S-400 mà nước này mua từ Nga
Theo Bloomberg, lời kêu gọi của ông Pompeo về việc Thổ Nhĩ Kỳ không đưa S-400 vào hoạt động được xem như một dấu hiệu cho thấy "bước lùi" của Mỹ liên quan tới yêu cầu của Washington với Ankara về S-400.
Trước đó, quan điểm của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ phải bỏ thương vụ vũ khí với Nga và nhiều lần cảnh báo sẽ trừng phạt Ankara để buộc nước này phải chấp nhận. Bloomberg nói rằng hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa nhận được các tên lửa cho hệ thống S-400.
Theo CNBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng tuyên bố ông không đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống tên lửa Nga, một động thái dẫn đến việc Ankara phải hủy bỏ việc tham gia vào chương trình sản xuất F-35.
"Tôi không trách Thổ Nhĩ Kỳ bởi có rất nhiều tình huống... nhiều vấn đề xảy ra dưới thời chính quyền ông Obama", ông Trump nói khi được hỏi về thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Nói với các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump không đề cập đến việc ông có áp đặt nhiều trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ vì mua vũ khí của Nga hay không. Theo đạo luật trừng phạt của Mỹ được ký năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế vì mua hệ thống tên lửa do Nga sản xuất.
"Đây là tình thuống hóc búa. Họ có S-400 còn vị thế của chúng tôi và nhiều điều khác nữa", ông Trump cho hay.
Đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được S-400 và vũ khí này được cho là làm tăng nguy cơ cho khối NATO cũng như máy bay F-35.
Vào năm 2017, Ankara đã ký thỏa thuận mua hệ thống vũ khí S-400 của Nga với trị giá 2,5 tỉ USD mặc lời cảnh báo từ Mỹ rằng mua hệ thống vũ khí này có thể phải chịu nhiều hậu quả về kinh tế và chính trị.
S-400 được trình diện lần đầu vào năm 2007. So với hệ thống vũ khí Mỹ, S-400 của Nga được tin là có khả năng tấn công nhiều mục tiêu ở phạm vi xa hơn và ngăn chặn hiệu quả nhiều đe dọa hơn.
Để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, hồi năm 2013 và 2017 Washington đã mời Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của nước này. Tuy nhiên, thương vụ này bất thành.
Mỹ ban đầu gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút lại thỏa thuận, nhưng sau đó lại yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không vận hành S-400.
Một tuần trước đó, Mỹ đã loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35, viện dẫn lý do rằng "F-35 không thể cùng tồn tại với một hệ thống thu thập dữ liệu tình báo của Nga, vốn được sử dụng để nắm bắt thông tin về năng lực tối tân của F-35".
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích động thái của Mỹ là bước đi đơn phương và có thể sẽ gây tổn hại không thể khắc phục trong quan hệ song phương giữa 2 nước.