Ngay cả khi chính sách zero-Covid được dỡ bỏ, Trung Quốc cũng cần khoảng 6 tháng để khôi phục niềm tin kinh doanh của giới đầu tư.
Năm 2022 là năm bản lề trong việc hoàn thành các mục tiêu “một trăm năm” lần thứ nhất của Trung Quốc, đưa đất nước trở thành nước có mức sống khá giả toàn diện, tỷ lệ đói nghèo xuống dưới mức 1%. Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau ông Mao Trạch Đông, Trung Quốc mới lại chứng kiến một Tổng Bí thư có thể tại vị sang nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp và có thể xa hơn nữa.
Thay đổi định hướng chiến lược
Báo cáo chính trị của Đại hội 20 và Điều lệ Đảng (sửa đổi) cho thấy nhiều thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận của thế hệ lãnh đạo nhiệm kỳ này. Chẳng hạn, ý thức hệ được nhấn mạnh nhiều hơn (với từ khoá “chủ nghĩa Marx” được nhắc đến 26 lần so với 13 lần của Đại hội 19), lần đầu tiên nhắc đến “chiến tranh khu vực” và “vấn đề Đài Loan”. Trong công tác xây dựng Đảng cũng lần đầu tiên nhắc đến việc “xây dựng tinh thần chiến đấu và năng lực chiến đấu” của Đảng.
Nhưng dấu ấn chung, rõ nét nhất của Đại hội lần này là đã chuyển dần từ nhấn mạnh Kinh tế – hàm ý cải cách kinh tế, cải cách mở cửa – sang An ninh – nhấn mạnh đến an ninh và an ninh quốc gia.
Đại hội 20 cũng chuyển từ nhấn mạnh khuyến khích khu vực tư nhân sang nền kinh tế mang màu sắc chủ nghĩa xã hội nhiều hơn, đồng thời chuyển từ chính sách can dự mang tính xây dựng với các hệ thống trật tự dựa trên luật quốc tế sang chính sách giàu tính chiến đấu hơn.
Hệ tư tưởng luôn quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc . Nhưng với ông Tập Cận Bình, chúng ta đã thấy sự trở lại của “Nhà ý thức hệ” với cách thức riêng mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc theo kiểu chủ nghĩa Marx - Lenin. Đại hội Đảng lần thứ 20 có nội dung đề cập nhiều về ý thức hệ hơn chúng ta đã thấy trong các báo cáo của Đại hội trong 40 năm qua. Đại hội 20 nói lên tiến bộ lớn về tư tưởng đã đạt được trong thập kỷ trước trong việc phát triển một “chương mới trong chủ nghĩa Marx hiện đại cho thế kỷ 20”.
Tái định hướng phát triển kinh tế
Để thúc đẩy lưu thông trong nước, ông Tập Cận Bình đã đề xuất xây dựng một “thị trường quốc gia thống nhất” và tận dụng thị trường thống nhất để “tích tụ các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, khuyến khích đổi mới, tối ưu hóa phân công lao động và tăng cường cạnh tranh”. Hơn nữa, ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập và cải tiến một hệ thống toàn quốc mới để đạt được những đột phá trong công nghệ cốt lõi nhằm đối phó với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt của Mỹ. Mục tiêu là sử dụng đầy đủ quyền lực của nhà nước trong việc tập trung nguồn lực để tăng cường năng lực đổi mới và phát triển công nghệ bản địa của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình có khả năng cân bằng giữa nhu cầu cải cách và thực hiện tầm nhìn kinh tế của mình về sự thịnh vượng chung. Trong ngắn hạn, ông sẽ giữ lại chương trình nghị sự kinh tế dân túy của mình về thịnh vượng chung và tìm cách cân bằng giữa điều đó với sự ổn định. Nhưng với việc những nhân sự cấp tiến mà ôn hoà như Lý Khắc Cường, Uông Dương bị loại bỏ, có khả năng chính sách “làm cho chiếc bánh lớn hơn trước khi phân phối lại” sẽ ít được ưu tiên hơn ngay cả khi những khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng ngày càng trầm trọng hơn, đi liền với đó là chiến tranh bên ngoài, thiên tai và suy giảm tiêu dùng trong nền kinh tế toàn cầu. Trọng tâm kinh tế hiện nay sẽ là khôi phục tăng trưởng kinh tế lên ít nhất 4% thông qua gói kích cầu cho quý 3 và quý 4 năm 2022.
Ông Tập Cận Bình có khả năng cân bằng giữa nhu cầu cải cách và thực hiện tầm nhìn kinh tế của mình về sự thịnh vượng chung.
Những thách thức phía trước
Trung Quốc đã và đang dần nới lỏng chính sách zero-Covid. Nhưng ngay cả khi chính sách zero-Covid của Trung Quốc được dỡ bỏ, thì nước này cũng cần khoảng 6 tháng để khôi phục niềm tin kinh doanh của cả giới đầu tư lẫn người tiêu dùng. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 4,4% cho năm 2023 nhưng đã bị điều chỉnh giảm còn 4- 4,2% trong lần dự báo gần nhất bởi những khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn còn nhiều.
Với quy mô khoảng 25% GDP, chiếm 16% tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ hệ thống ngân hàng và đóng góp 30-50% tổng thu ngân sách địa phương (thông qua nguồn thu từ bán đất), lĩnh vực bất động sản đang làm giảm tốc độ tăng trưởng của các ngành thượng du (xi-măng, sắt thép, sản xuất kính, nhôm...) và hạ du (đồ nội thất, thiết bị gia dụng...). Sản xuất công nghiệp hết tháng 10 của Trung Quốc chỉ tăng 5%, chỉ bằng 1/7 so với cách đây một năm, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tiêu dùng, một động lực tăng trưởng đã giảm 0,5% trong 10 tháng đầu năm 2022.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố 16 chính sách giải cứu bất động sản vào tháng 11 năm 2022 với quy mô hỗ trợ 56 tỷ USD, nhưng các biện pháp này có tác dụng trấn an và ổn định tâm lý thị trường hơn là xoay chuyển cục diện thị trường tài sản.
Chính sách thịnh vượng chung mặc dù đã được biểu đạt nhẹ nhàng hơn trong Đại hội 20, nhưng vẫn là một thách thức bỏ ngỏ đối với quá trình phục hồi của cả thị trường tài sản lẫn thu nhập của tầng lớp trung lưu.