Tên lửa Bulava của Nga được phóng từ tàu ngầm Yuri Dolgoruky. Ảnh: Sputniknews/TTXVN
Đây là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Theo hiệp ước đã được thực thi kể từ năm 2011, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.
Việc hai bên nhất trí gia hạn START mới chỉ vài ngày trước thời điểm thỏa thuận chấm dứt hiệu lực được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Nhìn chung, đa số ý kiến đều hoan nghênh động thái thiện chí của hai bên nhằm kiểm soát vũ khí bởi đây được xem là bước tiến tích cực vì hòa bình và an ninh của khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Trước hết, việc gia hạn START mới được coi là bước khởi đầu để thế giới có thể củng cố lại cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân, mở ra triển vọng đàm phán để cắt giảm hơn nữa số lượng vũ khí hạt nhân mà hai cường quốc đang sở hữu, đồng thời đạt được những thỏa thuận mới có thể giải quyết những thách thức mới nổi trong vấn đề vũ khí hạt nhân và đảm bảo thế giới có thể sống trong hòa bình.
Đáng chú ý, các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tin rằng START mới sẽ đóng góp vào sự ổn định quốc tế.
Các quốc gia thành viên NATO một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tiếp tục thực hiện hiệp ước, cũng như những cuộc đối thoại tích cực về các biện pháp cải thiện ổn định chiến lược. Đây cũng là đánh giá chung của đại đa số các nước trên thế giới, mặc dù được diễn giải bằng nhiều hình thức khác nhau.
Đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc gia hạn START mới cho thấy ông Biden nhận thấy tính cấp thiết của việc tiếp tục duy trì hiệp ước kiểm soát vũ khí ký với Nga hơn so với những vấn đề kiểm soát vũ khí khác trên thế giới và muốn thổi luồng sinh khí mới cho START mới.
Hiện Mỹ vẫn phải giải quyết một loạt vấn đề kiểm soát vũ khí, trong đó có vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tuy nhiên, ông Biden vẫn chú trọng đến việc ổn định chiến lược với Nga trước tiên, ngay cả khi giữa hai nước đang nảy sinh một số bất đồng, như việc phương Tây tìm cách gây sức ép đối với việc Nga xét xử nhân vật đối lập Alexei Navalny, mà Moskva gọi đây là hành vi can thiệp công việc nội bộ nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng cơ chế xác minh của START mới cho phép Washington giám sát việc Moskva tuân thủ hiệp ước và giúp Mỹ có cái nhìn cụ thể hơn về các động thái hạt nhân của Nga, thông qua những hoạt động như trao đổi dữ liệu và thanh sát địa bàn, theo đó cho phép các thanh sát viên Mỹ tiếp cận các lực lượng và hạ tầng hạt nhân của Nga.
Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ trước các mối đe dọa hạt nhân từ bên ngoài, trong bối cảnh Mỹ và Nga là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất trên thế giới.
Điều đáng lưu tâm trong quyết định gia hạn START mới là các cuộc đàm phán quy mô lớn hơn về giảm thiểu nguy cơ xung đột hạt nhân cũng như những rủi ro từ các cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm và tốn kém.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard, cho rằng Lầu Năm Góc cần nhận thức được mối đe dọa xung đột hạt nhân là có thật, đồng thời cần xây dựng những khái niệm mới về ngăn chặn, và nếu cần là về việc ứng phó với cuộc chiến tranh hạt nhân.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh việc Mỹ và Nga nhất trí gia hạn START mới sẽ cho các bên có “thời gian và không gian” để thảo luận một số vấn đề quan trọng khác và rộng hơn về ổn định chiến lược, kiểm soát vũ khí.
Ông Mark Bell, chuyên gia về vấn đề vũ khí hạt nhân tại Đại học Minnesota, đánh giá rằng những nước ủng hộ kiểm soát vũ khí hy vọng rằng quyết định gia hạn START mới thêm 5 năm sẽ đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán quy mô rộng lớn hơn về những biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Bản thân Tổng thống Biden cũng hiểu rằng quyết định của ông nhận được sự ủng hộ của các đối tác trong NATO vốn trước đây phản đối chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác với Nga.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Blinken, Tổng thống Biden đã nói rõ rằng việc gia hạn START mới chỉ là khởi đầu của những nỗ lực nhằm giải quyết các thách thức an ninh trong thế kỷ XXI.
Có thể nói, những phát biểu của các quan chức Mỹ cho thấy Washington đã lường trước những nguy cơ xung đột và coi trọng tầm quan trọng của việc gia hạn START mới.
Có ý kiến cho rằng Tổng thống Biden đã lãng phí cơ hội đạt được lợi thế đàm phán khi ông nhất trí gia hạn START mới mà không gây sức ép để Nga cam kết về những vấn đề liên quan khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù cả hai nước đều có những chiến lược riêng rong việc gia hạn START mới, song kết quả của việc gia hạn là mong muốn chung của hai chính phủ trong thời điểm này, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của ông Biden so với người tiền nhiệm.
Bên cạnh đó, việc hai bên tỏ rõ thiện chí khi gia hạn START mới được đánh giá có thể tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán nhằm xây dựng một cơ chế kiểm soát vũ khí bao trùm nhiều loại vũ khí và nhiều quốc gia hơn, bởi như quan điểm của giới chức ngoại giao Đức, thỏa thuận Mỹ-Nga “là một tín hiệu quan trọng cho năm 2021”, cho thấy “những xu hướng tiêu cực có thể được đảo ngược nhờ quyết tâm chính trị" và điều này cũng mở đường cho những diễn biến khác, vốn rất cần thiết trong bối cảnh một số cường quốc hạt nhân gia tăng kho vũ khí của mình.
Đó là lý do việc Mỹ và Nga gia hạn START mới trở thành động thái nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Đây cũng được là một trong những bước đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga dưới thời Tổng thống Biden, mở ra một sự khởi đầu mới để hai bên có thể tăng cường đàm phán về các vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ khí. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy xu hướng ổn định chiến lược trên thế giới.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Nga sẽ tiếp tục tồn tại những vấn đề còn tồn đọng sau khi START mới được gia hạn, bao gồm những loại vũ khí không nằm trong phạm vi kiểm soát của START mới cũng như vấn đề vốn lâu nay là tâm điểm bất đồng của hai nước.
Điều này tiếp tục đặt ra những phép thử mới cho chính sách của chính quyền Tổng thống Biden nhằm vừa giữ quan hệ song phương với Nga trong tầm kiểm soát, vừa đảm bảo những lợi ích an ninh và vị trí của Mỹ trong con mắt các đồng minh phương Tây.
Dù vậy, việc Mỹ và Nga nhất trí gia hạn START mới rõ ràng là tín hiệu tích cực cho một sự khởi đầu mới trong quan hệ sóng gió giữa hai đối thủ.