"Cú ngất" đáng giá
Không ít người đã ngạc nhiên khi đọc câu chuyện ấy bởi lẽ họ không thể hình dung nổi một sự kiện như thế đã từng xảy ra, nhất là khi họ đối chiếu với hiện trạng của ngày hôm nay. Và nếu những người sinh ra ở thập niên 90 đọc nó, chắc không ít người không hình dung nổi, tại sao lại từng có một quyết định như vậy.
Câu chuyện ấy tên là "Cú ‘ngất’ tạm của truyền hình ở mùa giải 1985/86". Gọi là "Cú ngất" của truyền hình là bởi 4 tháng đầu tiên của mùa giải ấy, các CLB của giải Ngoại hạng Anh đã thống nhất với nhau từ chối không cho truyền hình trực tiếp các trận đấu.
Họ không nhận đề nghị bản quyền trị giá 19 triệu bảng Anh, một khoản tương đối lớn ở thời điểm đó, cho quyền phát sóng 4 mùa giải. Lý do rất đơn giản: Không phải họ chê ít tiền, mà họ sợ truyền hình trực tiếp sẽ khiến lượng cổ động viên đến sân sụt giảm nghiêm trọng.
Dễ hiểu, 30 năm trước, bản quyền truyền hình trong bóng đá là một thứ vô cùng mới mẻ. Và cái gì mới mẻ, nó dễ bị chối từ.
Hôm nay, khi câu chuyện ấy đã chìm vào quên lãng, thậm chí có những người còn không biết tới việc từng có một sự kiện như thế xảy ra, bản quyền Premier League cho 3 mùa giải đã lên tới giá trị trên 5 tỷ bảng Anh, một con số trong mơ với bất kỳ giải VĐQG nào.
Câu chuyện 1985/86 đã kết thúc thế nào, sau 4 tháng "truyền hình ngất xỉu"? Tháng 12/1985, các CLB ngoại hạng đã chấp thuận, sau khi họ nhìn nhận nhu cầu của cổ động viên lớn đến nhường nào, và vượt xa con số những người tới sân. Nghĩa là truyền hình chẳng có đe doạ nào đối với doanh thu bán vé cả.
Tất nhiên, các CLB cũng giành được phần thắng cho 4 tháng bắt truyền hình "ngất xỉu". Đó là chỉ cần truyền hình trực tiếp 13 trận cuối mùa giải ấy, các CLB ngoại hạng Anh nhận được 13 triệu bảng, một yêu sách dẫn tới việc bản quyền của 4 mùa giải kể từ mùa 1988/89 đã tăng giá gấp 4 lần so với giai đoạn 1983/84, đạt tổng giá trị lên tới 44 triệu bảng Anh.
Giả sử, cú "ngất xỉu" của truyền hình kia không phải là tạm thời trong 4 tháng, mà nó là một cú ngất xỉu kéo dài, cỡ 10 năm, bởi nỗi sợ của những ông chủ CLB thủ cựu, thì hình dạng của Premier League hôm nay sẽ như thế nào? Đây là một câu hỏi rất thú vị, và nó mở ra cho chúng ta những điều vượt ra ngoài cả bóng đá.
Nếu lựa chọn của giới chủ CLB Anh ngày ấy là "nói không với truyền hình", bóng đá Anh có thể sẽ lạc hậu nhiều so với những giải đấu hàng đầu còn lại của châu Âu. Từ chối chấp nhận một cái mới, một cái khác lạ, với những nguyên nhân đầy tính bảo thủ, được xây dựng trên một quyền lợi có sẵn quen thuộc, luôn có thể mang lại những thiệt hại lớn.
Lựa chọn thuộc về mỗi người
Tất nhiên, cũng có những từ chối là đúng đắn, khi cái lợi của cái mới, cái khác không thể nào được hình dung một cách cụ thể. Nhưng cái mới tiến bộ thì khó có thể nào không mang lại lợi ích cụ thể cả. Chỉ có những người không tận dụng được thế mạnh của cái mới mới không khai thác được lợi ích từ nó mà thôi.
Ví như mạng xã hội chẳng hạn, nó được coi là sẽ giết chết công nghiệp xuất bản, đặc biệt là báo chí, và đẩy cánh nhà báo vào hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng vẫn có những nhà báo xuất sắc, họ kiếm sống tốt trên mạng xã hội, thậm chí coi mạng xã hội như một tòa soạn thu nhỏ và không cần phải làm việc cho một tòa soạn thể lý cụ thể nào. Đó là bởi cái tài của họ, khi họ nắm bắt được lợi thế từ cái mới, và tận dụng nó đúng thời điểm cần.
Tất cả đều là lựa chọn của cá nhân hết. Chúng ta có quyền chọn lựa. Chúng ta ra quyết định. Và kết quả thế nào đi nữa, chúng ta phải là người đứng ra lãnh lấy toàn bộ trách nhiệm đối với lựa chọn và quyết định ấy.
Chúng ta có quyền từ chối đặt chân vào quán hàng này, nhưng đừng nâng tầm nó lên thành "miếng ăn là miếng nhục".
Nó cũng giống như chuyện người Việt mình lại tiếp tục cãi nhau (sau bao nhiêu năm rồi vẫn cãi nhau về việc ấy) xoay quanh cái gọi là "văn hóa ẩm thực". Bún chửi, phở chửi, cháo chửi ư? Chúng ta có quyền chọn lựa. Người khác cũng có quyền chọn lựa. Và khi họ lựa chọn, họ phải lãnh hết trách nhiệm, như chúng ta thôi.
Ta có quyền từ chối đặt chân vào quán hàng kiểu đó. Nhưng ta không có quyền mắng mỏ những người đặt chân vào đó là đã "hạ thấp nhân phẩm" sau khi nâng tầm câu chuyện thành "miếng ăn là miếng nhục".
Và người bán hàng có quyền từ chối không bán hàng cho bất kỳ ai. Đó là lựa chọn mà mỗi người đều vô tình hay cố ý đã và đang thực hiện. Kết cục thế nào, người lựa chọn phải đảm lãnh hết.
Dân chủ, nhiều khi cũng chỉ bắt đầu từ những quyền lựa chọn, và nghĩa vụ gánh vác nho nhỏ như thế mà thôi.