Câu chuyện Bùi Tiến Dũng dự bị cho Đặng Văn Lâm bất ngờ trở thành chủ đề nóng của U23 Việt Nam. Thực tế, đó là điều hết sức bình thường vì ai giỏi hơn thì được HLV trao suất bắt chính. Tiến Dũng còn trẻ, ít được thi đấu ở CLB Thanh Hóa, Văn Lâm chơi hay trong màu áo CLB Hải Phòng, ổn định và số 1 ĐTVN. Lâm bắt chính, Dũng dự bị là điều hiển nhiên.
Vậy tranh cãi điều gì ở chuyện Tiến Dũng và Văn Lâm? Có thể tạm hiểu, nguyên nhân là do Tiến Dũng đang nổi tiếng, anh là “thủ môn quốc dân”, có lượng fan đông nhất Việt Nam, facebook cá nhân được theo dõi “cực khủng”. Dũng dự bị đã xảy ra các ý kiến trái chiều.
Bùi Tiến Dũng đã “lột xác” hoàn toàn sau U23 châu Á.
Rõ ràng, khi nhắc đến U23 Việt Nam thì nhiều người nghĩ ngay đến Tiến Dũng, Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng, những gương mặt thương hiệu sau thành công gây chấn động châu Á. Thương hiệu này chắc chắn gắn chặt các cầu thủ U23 Việt Nam như một phần lịch sử chói sáng của bóng đá Việt Nam trong mắt người hâm mộ.
Vậy nên, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Xuân Trường, hay Công Phượng nếu ngồi ghế dự bị trong màu áo U23 Việt Nam đều xảy ra tranh cãi, bất chấp họ có còn duy trì được phong độ hay không.
Quá khứ, bóng đá Việt Nam cũng có những thương hiệu trường tồn như “cậu bé vàng” Văn Quyến, Lê Công Vinh. Hai cầu thủ nổi tiếng nhất trước lứa U23 Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Nhiều người thường xuyên đặt lên bàn cân với những quan điểm trái chiều khi nhắc đến Vinh và Quyến. Nhưng có một sự thật là Văn Quyến thuộc diện “sớm nở tối tàn”, ánh hào quang lan tỏa quá sớm khiến cho Quyến trượt dài trong sự tiếc nuối của người hâm mộ Việt Nam. Công Vinh là chuyện ngược lại…
Lê Công Vinh là hình mẫu nổi tiếng trong nhiều năm qua của BĐVN.
Kể từ năm 2004 đến nay, Công Vinh trở thành một thương hiệu của bóng đá Việt Nam, từ chuyên môn đến chuyện bên lề sân cỏ. Thậm chí, Vinh bây giờ không còn là quyền chủ tịch CLB TP.HCM, Vinh vẫn là cái tên ăn khách của các nhà tài trợ, các nhãn hàng quảng cáo. Minh chứng là Vinh cùng Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng sang Nga trong mùa World Cup 2018.
Điều là gì nên “thương hiệu” Lê Công Vinh? Nhiều ý kiến chắc chắn nói là Vinh giỏi làm màu, có vợ là ca sỹ, giỏi đáng bóng tên tuổi, ăn may… Thực tế, tất cả chỉ là tiểu tiết về Lê Công Vinh, quan trọng nhất là Vinh luôn giữ được hình ảnh và phong độ trên trên sân cỏ nhờ sự chăm chỉ lao động không ngừng nghỉ, luôn phấn đấu vì chính mình.
Trong bóng đá, cá nhân hay đội bóng lên đỉnh vinh quang đã khó, giữ được mình trên đỉnh vinh quang càng khó gấp nhiều lần. Với đội bóng, nhà vô địch luôn là mục tiêu để phần còn lại muốn đánh bại. Với cầu thủ thành công, sự nổi tiếng, sự soi mói của dư luận, sự quan tâm của truyền thông… trở thành áp lực vô hình có thể khiến cầu thủ đánh mất chính mình.
Đúng hơn, một tờ giấy trắng bị vẩy lên một vết mực thì người ta sẽ nhìn chăm chăm vào vết mực ấy mà quên phần trắng sạch. Cầu thủ lúc nổi tiếng, sắm vai người hùng thì được nhìn mọi thứ trở nên hoàn hảo, sau thành công qua đi lỡ để xảy ra chuyện không hay, hành động xấu xí sẽ bắt bị chỉ trích ngược, một cái nhìn khác biệt so với bình thường. Lúc đó, cầu thủ không chịu nổi sự định kiến sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” cho phần còn lại của sự nghiệp.
Dàn sao U23 Việt Nam cần biết giữ mình sau vinh quang.
Kể những điều ấy để nhìn lại xuyên suốt sự nghiệp quần đùi áo số, Công Vinh là người rất giỏi chịu áp lực từ dư luận. Thậm chí, Vinh đủ khôn ngoan để định hướng ngược lại dư luận, không còn bị cuốn vào vòng xoáy như thời gian đầu mới nổi tiếng.
Có chuyên môn giỏi, luôn lao động hết mình, khát vọng thành công tột cùng, chịu đựng được áp lực dư luận, khôn khéo trong ứng xử, Công Vinh trở thành một thương hiệu trong 10 năm qua của bóng đá Việt Nam. Bài học ở đây là gì?
Đó là các cầu thủ trẻ đang nổi tiếng của bóng đá Việt Nam muốn trở thành một thương hiệu bền vững, không có cách nào khác là phải phấn đấu không ngừng nghỉ trên sân cỏ và học cách sống khỏe trong mọi nghịch cảnh của dư luận. Lúc này, Bùi Tiến Dũng là một ví dụ thiết thực…