Không chặn được người "vượt biên", không để "đối phương" thu thập tin tức tình báo trực tiếp, không ngăn được sức hút của "thị trường tự do", không để những xung đột nhỏ xảy ra "đốm lửa cháy rừng" giữa "hai phe"…
Liên-Xô và Đông Đức đã xây bức tường Berlin, ngăn cách hai vùng Đông-Tây. May thay, với bao biến cố của "Chiến tranh lạnh", ngòi nổ đã không chực cháy ở "lằn ranh" này. Nhưng suốt 28 năm, hàng trăm người đã bỏ xác vì liều mạng vượt qua đây.
Vì đâu nên nỗi "giăng dây cắm sào"
Ngay sau thế chiến II, nước Đức bị chia thành bốn vùng chiếm đóng theo Hội nghị Yalta và Potsdam (1945), do các nước Đồng Minh (Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp) kiểm soát và quản lý.
Tổng Bí thư Liên Xô - Đại nguyên soái Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, Thủ tướng Anh Winston Churchill (sau đó bị thay bởi Clement Attlee) biên bản thỏa thuận rằng, thành phố Berlin từng là thủ đô của Đức Quốc xã được chia làm bốn khu vực, trong đó có ba khu vực do Mỹ, Anh, Pháp kiểm soát….
Tây Berlin, một thành phố TBCN, tồn tại sâu trong lòng Đông Đức theo XHCN, "như một cục xương hóc trong cổ họng", nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev từng nói như vậy.
Năm 1949, khi nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) được thành lập, trong ba vùng chiếm đóng ở phía tây, ngay sau đó là nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) cũng được thành lập trong vùng chiếm đóng của Liên bang Xô Viết. Đông Berlin trở thành thủ đô của nước Đông Đức.
Trên nhiều phương diện, Tây Berlin gần như mang thể chế của một tiểu bang. Cùng lúc đó cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Đông và Tây cũng đã bắt đầu trên nhiều loại hình khác nhau. Berlin trở thành trung tâm của cuộc chiến giữa các cơ quan tình báo của cả hai phe.
Hai quốc gia được thành lập đã tạo nền tảng cho việc chia cắt nước Đức về chính trị.
Căng như dây đàn!
Biên giới được cả hai bên tăng cường canh phòng. Đầu tiên, chỉ có cảnh sát biên phòng được giao nhiệm vụ canh gác giữa Đông Đức và Tây Đức, sau đó Đông Đức bắt đầu xây dựng nhiều rào chắn.
Từ khi Đông Đức được thành lập, người Đông Đức chạy sang Tây Đức ngày càng nhiều. Số người bỏ trốn này chiếm gần 1/5 dân số của Đông Đức. Giai đoạn 1958-1961, Berlin là nơi "nóng" nhất trên thế giới, là nơi tranh chấp nhiều mặt giữa hai chế độ XHCN và TBCN, (mà Mỹ và phương tây gọi là "Thế giới tự do").
Từ 1949 cho đến 1961 khoảng 2,6 triệu người đã bỏ Đông Đức và Đông Berlin, trong 47 ngàn người đã chạy trốn. Đỉnh điểm ngày 12- 8-1961, con số này vào khoảng 2.400 người.
Tây Berlin cũng là cửa ngõ đi đến phương Tây mà nhiều người Ba Lan và Tiệp Khắc lựa chọn. Những người này thường trẻ tuổi và được đào tạo tốt, nên là mối đe dọa cho sức mạnh kinh tế của Đông Đức.
Trên thực tế, có khoảng 50.000 người dân Đông Berlin, còn gọi là Grenzgängers hằng ngày vẫn vượt qua bức tường rào, sang làm việc ở Tây Berlin, nơi có nhiều mặt hàng có giá trị cao, chênh giá gấp 4 đến 6 lần so với các nhãn hiệu Đông Đức.
Thanh niên còn thích đi Tây Đức vào nhà hát và rạp chiếu phim. Các tuyến đường tàu và tàu điện ngầm đưa hành khách ngược xuôi giữa hai vùng.
Đông Đức duy trì chế độ XHCN nên nền kinh tế là bao cấp. Với hàng hóa cơ bản, chính phủ Đông Đức trợ cấp cho người dân. Ngược lại, ở Tây Đức xây dựng chế độ tư bản chủ nghĩa nên nền kinh tế thị trường, nhiều người bán, nhiều người mua.
Tận dụng điều này, nhiều người ở Tây Berlin và người Đông Berlin đã dùng tiền Mark Đông Đức trao đổi trên thị trường ngoại tệ chợ đen để mua lương thực thực phẩm tương đối rẻ và các hàng hóa tiêu dùng cao cấp mà Đông Đức rất hiếm, nhất là đồ xa xỉ, như mỹ phẩm, thời trang thanh niên, xe ô tô nổi tiếng Volkswagen…
Tây Berlin, một thành phố TBCN, tồn tại sâu trong lòng Đông Đức theo XHCN, "như một cục xương hóc trong cổ họng", nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev từng nói như vậy.
Người dân phá bỏ bức tường Berlin
Xây bức tường chia cắt Đông-Tây
Một buổi sáng mùa thu năm 1961, người dân Đông Đức và Tây Đức ngạc nhiên thấy xuất hiện bức tường kín, bằng bêtông và "gạch vồ" chất liệu xi măng, sừng sững ngăn cách phần lãnh thổ của CHDC Đức với phần còn lại của Berlin (thuộc Tây Đức).
Với chính thể quốc gia thì đây là một hiện tượng ít thấy trong lịch sử loài người.
Thật ra, có lý do để những diễn tiến sự việc trở nên nóng dần, tính từ ngày 3 đến 5-8-1961, là thời gian họp cấp cao các nước trong khối Warszawa tại Moskva.
Trong tuyên bố của các quốc gia thành viên trong hội nghị của khối Warszawa đã có lời đề nghị "phải chặn đứng các hoạt động phá hoại ngấm ngầm chống lại các nước phe XHCN tại biên giới Tây Berlin và phải đảm bảo canh gác và kiểm soát có hiệu quả vùng Tây Berlin.
Ngày 11-8-1961, Quốc hội của Đông Đức chấp thuận kết quả của hội nghị Moskva này và ủy nhiệm cho Hội đồng Bộ trưởng tiến hành tất cả các biện pháp tương ứng.
Ngày 12-8-1961, Hội đồng Bộ trưởng quyết định sử dụng các "lực lượng vũ trang" để canh phòng biên giới với Tây Berlin và quyết định xây dựng rào chắn biên giới.
Bất thần đêm 12 rạng sáng ngày 13-8-1961, Quân đội Nhân dân Quốc gia CHDC Đức, (Đông Đức), huy động 5.000 cảnh sát biên phòng 5.000 Công an nhân dân và 4.500 người thuộc lực lượng công nhân vũ trang, phong tỏa các đường bộ và đường sắt dẫn đến Tây Berlin.
Quân đội Xô Viết tại Đông Đức được đặt trong tình trạng báo động và xuất hiện tại các cửa khẩu biên giới, có cả các xe tăng và vũ khí hạng nặng. Giao thông giữa hai vùng Berlin bị gián đoạn.
Những người quan sát kể lại, cơ man nào là binh lính, xe tăng, người ta làm thêm một hàng rào tạm thời bằng thép gai, ngăn người không có trách nhiệm tới gần. Toàn bộ vùng giáp Tây Đức ở Berlin bị bao quanh bởi dây thép gai. Rồi xe công trình, xe cẩu, xe tải, xe ủi, xe húc ập đến trong buổi sáng.
Tại các khu phố lớn, các sĩ quan cao cấp, thấp cấp kẻ vạch sơn, trước ánh nhìn dò xét của sĩ quan, binh lính Tây Đức, trong tay mang vũ khí. Hàng đoàn xe tăng của Liên-Xô xuất hiện từ trước cách đó không xa, chủ ý rõ cho hai bên cùng thấy.
Các bức tường chạy ngay dọc theo đường xe điện. Binh lính của Quân đội Nhân dân Quốc gia Đông Đức giám sát việc xây dựng và trật tự. Từ bên Tây Berlin, rất nhiều người tò mò nhìn các binh lính xây tường và nhìn việc huy động lực lượng cảnh sát, quân đội, với số lượng quá đông.
Phía Đông Berlin, người dân đã bị cấm tiếp cận với các bức tường vừa xây. Họ chỉ ở rất xa, chỉ trỏ, bàn tán. Lực lượng "Bảo vệ" đông hơn hơn nhiều so với số lượng những người xây tường.
Kéo dài suốt cả ngày cả đêm là các xe tải chở "gạch vồ" không nung, các cấu liện bê tông, to, nhỏ. Cát, xi măng và nước được cung ứng liên tục, những người lính công binh và cả lính mới tập xây, công nhân xây dựng tình nguyện miệt mài đào móng, đưa các bức tường lên cao dần.
Ở một số khu vực, người ta buộc phải chặt các hàng cây có trên 25 năm năm, để đào móng, xây tường, cũng có khi chặt cây để đề phòng người nào đó lợi dụng trèo cây băng sang phía tây bức tường.
Người ta còn cắm các mảnh kính vỡ trên đỉnh tường mới xây, để ngăn chặn nỗ lực của những ai muốn trèo, nhảy qua. Hai ngày sau, tường xây xong, thành phố cắt hàng rào dây thép gai, họ còn rải lối cát phẳng để phát hiện dấu chân người tới gần chân tường.
Một bức tường điển hình có thể thấy, được dựng bằng các tấm bê tông cốt thép cao 3,6 m, rộng 1,2 m, phần trên là một đường ống thép, cùng các dây thép gai khiến việc trèo qua là không thể.
Trên thực tế, tường Berlin không phải là bức tường duy nhất mà gồm một loạt bốn loại tường khác nhau, bắt đầu với hai hàng rào dây thép gai, và sau đó là hai bức tường bê tông.
Có nơi tường được tạo thành từ các khối bê tông graffit. Người ta có thể di chuyển các khối cấu kiện, dự phòng trường hợp khi cần Liên Xô sẽ đưa xe tăng vào Tây Đức.
Xung quanh bức tường được củng cố với nhiều hệ thống rộng lớn bao gồm hàng rào kẽm gai và dây báo động, hào cản xe cơ giới và cản xe tăng, đường tuần tra và tháp canh.
Ngoài phần bức tường bê tông và dây kẽm gai, còn có đường băng tử thần là khoảng trống giữa bức tường và bên kia biên giới, không ai vượt qua được.
Toàn bộ bức tường ở Berlin có tổng chu vi là 155km. Hàng rào có tín hiệu dài 127.5km. Có 302 tháp quan sát. 20 hầm chứa được bảo vệ bởi hơn 11.000 binh sĩ. Chưa kể trên 250 chó nghiệp vụ được canh phòng tại các nơi nhạy cảm.
Đến năm 1980, hệ thống tường và hàng rào điện mở rộng qua Berlin và xung quanh Tây Berlin. Đông Đức cũng dựng lên một hàng rào cao, rộng chạy dọc theo phần lớn đường biên giới dài gần 1.400 kilômét giữa hai miền nước Đức.
Đêm đêm, dưới hàng ngàn đèn pha chói mắt, cũng như nhiều binh sĩ và chó nghiệp vụ canh phòng, khiến đây thực sự là một chướng ngại vật. Ai dại dột vượt qua khó mà còn sống.
Chỉ trong hai tuần, quân đội, cảnh sát và các công nhân xây dựng tình nguyện của Đông Đức đã hoàn tất hàng rào thép gai và bức tường bê tông.
Bí thư trung ương Đảng (Cộng sản Đức) về an ninh là ông Erich Honecker đã nhân danh ban lãnh đạo Đảng chịu trách nhiệm chính trị về việc lên kế hoạch và thực hiện việc xây bức tường.
Căng như dây đàn
Với phe XHCN và TBCN, đây là thời điểm nóng nhất, xuất hiện hai bên bức tường. Ban đầu Quân độ Đông Đức đặt ba trạm "cửa khẩu" kiểm soát: Là trạm Alpha ở Helmstedt, trạm Bravo ở Dreilinden và trạm Charlie ở Friedrichstrasse thuộc Berlin.
Sau này tất cả xây dựng 12 trạm kiểm soát dọc bức tường. Tại mỗi trạm, binh sĩ Đông Đức kiểm tra các nhà ngoại giao và các quan chức khi họ được phép đi hoặc đến.
Cách không xa là các đơn vị Quân đội Đông Đức đồn trú, quân đội Nga cũng ở cách bức tường không xa, có cả đơn vị xe tăng T-34, T-59. Xe tăng Mỹ cũng được triển khai phía đối diện.
Trong ống kính ngắm bắn, xe tăng Liên Xô đều nhìn thấy xe tăng Mỹ và xe bọc thép Mỹ ở khu vực biên giới. Nhưng cả hai bên đều kiềm chế tối đa. Những bức ảnh còn ghi lại, binh sĩ quân đội Đông Đức lăm lăm trong tay tiểu liên K-50, đông nghịt cạnh bức tường.
Trong hai năm đầu tiên chỉ tính quân đội, đã có đến hơn 1.300 binh lính Đông Đức, thậm chí có cả lính gác tường tìm cách đào thoát sang miền đất hứa tây Berlin.
Hình ảnh của người lính Conrad Schumann 19 tuổi, trèo hàng rào kẽm gai, súng vẫn còn đeo trên vai, tràn ngập các phương tiện truyền thông khi đó. Người ta tính tổng cộng có khoảng 5.000 người trong khoảng 10.000 tìm cách đào tẩu, đã vượt qua được bức tường đến với Tây Đức.
Nhiều hành đông liều lĩnh, như nhảy từ cửa sổ tòa nhà gần bức tường, trèo qua dây thép gai, bò qua cống và lái xe băng qua những phần bỏ ngỏ của bức tường, thậm chí bay bằng khinh khí cầu qua lằn ranh, như Hans Strelczyk và Gunter Wetzel, đã làm một khinh khí cầu để vượt qua Bức tường vào năm 1979.
… nhưng số người trốn thoát thành công ngày càng giảm khi bức tường ngày càng được canh phòng nghiêm ngặt. Dần dần, bức tường được lắp đặt thêm nhiều thiết bị bảo mật tinh vi, các quan chức Đông Đức chỉ uỷ thác cho các binh sĩ trung thành nhất canh gác khu vực đường băng tử thần.
Hàng ngàn người Đông Đức đã bị bắt giữ và 191 người đã bị sát hại khi gắng vượt qua tường.
Bức tường Berlin bị phá trước sự bất lực của an ninh Đông Đức.
Sự kiện Checkpoint Charlie
Checkpoint Charlie là địa danh trạm kiểm soát tại Berlin giao điểm giữa Đông và Tây Berlin, nằm trên lãnh thổ Tây Berlin trước ngã ba Zimmerstraße. Tại đây xe tăng Liên Xô và Mỹ đối mặt trong thời gian ngắn.
Vào ngày 22 tháng Mười, tại Checkpoint Charlie hai bên xảy ra tranh chấp, lính Đông Đức kiểm tra giấy tờ của một nhà ngoại giao Hoa Kỳ tên là Allan Lightner tới Đông Berlin để xem opera.
Nhưng sự vụ giằng co, dẫn đến ngày 27 tháng 10, tại Checkpoint Charlie xe tăng của Liên Xô được điều tới, dàn quân, xe tăng giương cao nòng pháo, thách thức.
Phía "bên kia" hàng chục xe tăng, xe bọc thép Mỹ đứng đối diện với trạm kiểm soát. Một tài liệu mô tả: Phía Tây có 10 xe tăng và xe jeep và binh lính. Về phía Đông Đức có sự xuất hiện của tiểu đoàn Ba - Trung đoàn xe tăng 68 của Liên Xô. Binh khí sẵn sàng, họ "đứng" cả đêm.
Ngày 17 tháng 8 năm 1962, một thiếu niên Đông Đức, Peter Fechter, bị bắn vào xương trong khi cố gắng thoát khỏi Đông Berlin. Cơ thể anh run rẩy trong một hàng rào dây thép gai, bị chảy máu đến chết. Lính Mỹ không thể cứu anh vì bên trong khu vực của Liên Xô.
Hơn một giờ sau đó, cơ thể của Fechter đã được gỡ. Một cuộc biểu tình tự phát hình thành ở bên trạm kiểm soát của Tây Đức, phản đối các hành động của phương Đông. Các đơn vị của quân đội phương Tây triển khai giữa đêm, vũ khí sẵn sàng.
Nhưng rồi các xung đột, rắc rối căng thẳng cũng được giảm nhiệt, do cả hai phái đều không muốn "cái xảy nảy cái ung" từ lằn ranh Đông-Tây này. Tổng thống John F. Kennedy khi đó đã nói:
"Chúng ta có thể đưa xe tăng đến xô đổ bức tường xuống. Nhưng điều gì xảy ra sau đó? Họ lại xây dựng bức tường hàng trăm mét khác? Chúng ta lại xô đổ xuống, và rồi ta tiến tới chiến tranh? Một vòng luẩn quẩn không hồi kết".
John F. Kennedy cũng gây ấn tượng, khi ông phát biểu tại Tây Berlin trước sự chứng kiến của hàng trăm nghìn người. "Hai ngàn năm trước đây, câu nói tự hào nhất là "tôi là người La Mã". Ngày nay, trong thế giới tự do, câu nói hãnh diện nhất là "Ich bin ein Berliner!" (Tôi là người Berlin)...
Tất cả những người tự do, dù sống tại bất cứ nơi nào, đều là công dân của Berlin. Sự viếng thăm và câu nói của vị Tổng thống này đã phấn khích các nước Tây Âu, vì sự cam kết của Mỹ đứng bên cạnh.
Cứ thế, hai bên bức tường, hai phe cứ nhìn nhau. Hai chế độ, một bên là kế hoạch hoá nền kinh tế bao cấp, khan hiếm hang, một bên "thị trường tự do" ganh đua, thách thức.
Phải tới gần 28 năm sau, năm 1989, trong một chuyến thăm Tây Đức hồi đầu năm đó, lãnh đạo Liên Xô cũng tuyên bố rằng mỗi quốc gia có thể "tự do lựa chọn hệ thống chính trị và xã hội của riêng mình" và rằng Moscow sẽ "tôn trọng quyền của tất cả các dân tộc tự quyết."
Trong cuộc họp báo lúc 6:53 sáng ngày 09 tháng 11, năm 1989, Günter Schabowski, phát ngôn viên Đông Đức, công bố sự tự do hóa trong việc đi lại… Bức tường Berlin bị phá dỡ trong sự vỡ oà, ngạc nhiên, sung sướng, bần thần, rất nhiều tâm trạng trong lòng người dân Đức.
Rồi mọi người đều phải học tập, lao động, sáng tạo. Với khả năng của mình ai cũng phải tìm cách để "sinh kế".
Ấy vậy mà bao nhiêu xe tăng, súng đạn, mưu lược, và cả hàng loạt các phương án tác chiến được vạch ra hòng chế áp nhau. Hẳn là các thế hệ tàu chiến, xe tăng và cả máy bay thế hệ 3, 4, rồi 4++cũng từ những xung đột này mà ra đời.
Nhân loại đã chi số tiền rất lớn vào vũ khí và mưu lược… mà người dân ở đâu cũng chỉ muốn yên bình, tự do đi lại!