Bức tranh với gam “nóng” của khu vực Trung Đông

Đào Vũ |

Nếu dùng màu sắc để phác họa bức tranh Trung Đông trong năm 2018, thì ắt hẳn đó sẽ là gam “nóng”. Tuy nhiên, trong năm 2019, ở khu vực các nước châu Phi – Trung Đông dự báo vẫn phải đối mặt với các cuộc xung đột vũ trang.

Gam "nóng" của bức tranh Trung Đông

Nếu dùng màu sắc để phác họa bức tranh Trung Đông trong năm 2018, thì ắt hẳn đó sẽ là gam "nóng".

Sức nóng của chiến sự, đụng độ tại một số nơi trên "chảo lửa" Trung Đông, sức nóng của xung đột lợi ích giữa các phe phái và sức nóng của tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc…

Tất cả khiến tình hình Trung Đông vẫn phức tạp và khó lường, mặc dù năm 2018 đã chứng kiến "ngày tàn" của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.

Bức tranh với gam “nóng” của khu vực Trung Đông - Ảnh 1.

Cuộc chiến ở Syria đã kéo dài 8 năm và gây nhiều thiệt hại cho quốc gia này.

Xét trên bình diện toàn thế giới, có thể nói năm 2018 Trung Đông là khu vực gắn với nhiều bất ổn và căng thẳng bùng nổ nhất.

Cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông giữa Palestine và Israel tăng nhiệt khi vấn đề nhạy cảm Jerusalem được khuấy đảo bằng quyết định của Mỹ công nhận đây là Thủ đô của Israel, khiến cánh cửa hòa đàm Palestine-Israel ngày càng hẹp.

Chủ đề hạt nhân Iran tưởng chừng được giải quyết nay lại trở thành nguyên nhân "kích hoạt" gói biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran, kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Con đường thiết lập nền hòa bình trên mảnh đất Syria vốn chìm trong đạn lửa gần 8 năm nay vẫn gập ghềnh trắc trở, trong khi tiếng súng phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được vài ngày trước tại Hodeidah, đang làm tiêu tan hy vọng mong manh chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Yemen.

Trên nền màu gây "nhức mắt" như vậy, nguy cơ an ninh, bất ổn chính trị, khủng bố cực đoan hay thảm họa nhân đạo tồi tệ do chiến tranh gây ra trở thành những vệt điểm xuyết càng làm tăng độ "chói gắt" của bức tranh Trung Đông 2018.

Nguy cơ của vòng xoáy xung đột, bạo lực tiếp diễn

Nói về khu vực Trung Đông trong năm 2018, PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, ở Trung Đông, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq đã đi đến hồi kết.

Tuy nhiên, giấc mơ độc lập của người Kurd lại trỗi dậy, cuộc chiến tại Yemen với thảm họa nhân đạo vẫn còn đó và tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã châm ngòi giận dữ trong cộng đồng Arab và Hồi giáo…

Điều này khiến khu vực Trung Đông lại đứng trước nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực mới.

Bức tranh với gam “nóng” của khu vực Trung Đông - Ảnh 2.

PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam.


Ông Lê Phước Minh cho rằng, dù các xung đột vũ trang ở khu vực châu Phi và Trung Đông đã có dấu hiệu giảm sút, nhưng bệnh tật, hạn hán cùng với sự kiệt quệ do chiến tranh đã khiến cho một số quốc gia ở khu vực này lâm vào cảnh thiếu đói trầm trọng.

Hàng chục triệu người, trong đó nhiều triệu trẻ em có nguy cơ chết đói ở một số quốc gia như Nam Sudan, Somalia, Nigeria, Yemen…

Tuy nhiên, vượt lên trên các cuộc khủng hoảng, khó khăn, thách thức đó, những cải cách đáng khích lệ trong nước và triển vọng tăng trưởng của nhiều quốc gia khu vực châu Phi - Trung Đông đã tạo cơ hội cho đầu tư và gia tăng trao đổi kinh tế, đặc biệt là các nước thành viên Hội đồng hợp tác các nước Ả-rập Vùng Vịnh (GCC) có sự ổn định chính trị, người dân có sức mua lớn và khả năng thanh toán cao, có các quỹ đầu tư tiềm lực tài chính mạnh.

Trong năm 2019, ở khu vực các nước châu Phi – Trung Đông dự báo vẫn phải đối mặt với các cuộc xung đột vũ trang.

Trong hai mươi năm qua, có đến trên 2/3 số người thiệt mạng do xung đột vũ trang trên toàn thế giới thuộc khu vực châu Phi - Trung Đông. Hơn 40% người dân châu Phi sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, chỉ tính riêng 4 quốc gia châu Phi có đến hơn 20 triệu người bị đe doạ chết đói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại