Bức tranh tài chính HBC: Trung bình một ngày phải trả 1,3 tỷ đồng lãi vay, dòng tiền âm ngàn tỷ, "cứu cánh" nhờ tăng vay nợ

Trọng Nghĩa |

Những tranh chấp trong nội bộ HĐQT của CTCP tập đoàn Xây dựng Hoà Bình mới đây thậm chí đã chi tiết tới một vài con số như 23 tỷ đồng tiền khả dụng. Tất nhiên, đó chỉ là thông tin một chiều từ nhóm ông Nguyễn Công Phú.

Nếu chỉ nhìn kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm, với mức lợi nhuận trước thuế và sau thuế gần như không thay đổi quá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, HBC dường như là một mặt biển phẳng lặng.

Nhưng ẩn dưới đằng sau lại là những đợt sóng ngầm. Nối tiếp những lùm xùm bắt đầu từ ngày 01/01/2023, mới đây nhóm ông Nguyễn Công Phú - những người đang đấu tranh quyết liệt sau cú "quay xe" hoãn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải, lại tiếp tục tung ra nhiều thông tin về tình hình quản trị và tài chính của Hoà Bình.

Tạm bỏ qua những thông tin chưa được kiểm chứng, trên thực tế, BCTC của HBC ít nhiều đã thể hiện những vấn đề trong dòng tiền. Lưu chuyển tiền tệ 9 tháng đầu năm 2022 của HBC thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước, theo hướng kém lành mạnh hơn.

Bức tranh tài chính HBC: Trung bình một ngày phải trả 1,3 tỷ đồng lãi vay, dòng tiền âm ngàn tỷ, cứu cánh nhờ tăng vay nợ - Ảnh 1.

Ông Lê Viết Hải - Xây dựng Hoà Bình. Ảnh: Thanh niên

Đầu tiên, trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cùng kỳ năm ngoái dương 896 tỷ đồng thì năm nay âm tới 1.331 tỷ. Tương tự, dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 319 tỷ (trong khi năm ngoái chỉ âm nhẹ 23 tỷ).

Điều quan trọng, cứu cánh của dòng tiền HBC năm 2022 đến từ việc tăng vay nợ. Cụ thể, trong kỳ HBC đã giải ngân nhiều hơn trả nợ gốc với giá trị là 1.500 tỷ đồng. Nhờ vậy, dòng tiền thuần cuối kỳ chỉ âm 150 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất tự lập của HBC, tại ngày 30/09/2022, công ty có 14.913 tỷ đồng Nợ phải trả, tăng 19% so với đầu năm. Trong số đó, chiếm hơn 89% là nợ ngắn hạn với số dư 13.332 tỷ đồng. Nợ dài hạn chiếm 11% với số dư 1.581 tỷ đồng.

Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu của HBC đến cuối quý 3 đã tăng từ mức 3 lần hồi đầu năm lên gần 4 lần. Có nghĩa là, tại thời điểm báo cáo số liệu gần nhất, Hoà Bình đang kinh doanh bằng 1 đồng Vốn chủ đi kèm 4 đồng Nợ.

Trong đó, HBC vay ngắn hạn 5.496 tỷ đồng chủ yếu từ các nhà băng và vay dài hạn 1.070 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.

Các "chủ nợ" lớn của Hoà Bình có thể kể đến như: BIDV, Vietinbank, MSB,... với các khoản vay bổ sung vốn lưu động được thế chấp bởi quyền sử dụng đất, các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng, tài sản hình thành từ vốn vay, quyền tài sản phát sinh từ các khoản đặt cọc,...

Riêng Ngân hàng TMCP Hàng Hải MSB, ngoài khoản vay ngắn hạn 536 tỷ đồng còn là trái chủ sở hữu lô trái phiếu 491 tỷ đến hạn thanh toán vào năm 2026.

Chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 61% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức 358 tỷ đồng, nghĩa là trung bình một ngày HBC phải trả khoảng 1,3 tỷ đồng tiền lãi.

Chi phí lãi vay bằng tới 3% doanh thu thuần, khá cao khi so sánh với tỷ lệ Chi phí bán hàng/Doanh thu (0,23%) hay Chi phí quản lý/Doanh thu (4%), cho thấy công ty đang phải trả chi phí lớn cho việc vay nợ.

Trong điều kiện lãi suất tăng như diễn biến thời gian qua và nhiều khoản vay của công ty được bảo đảm bằng máy móc thiết bị, quyền tài sản, tài sản hình thành từ vốn vay,... chi phí lãi vay của những tháng cuối năm có thể đã tăng hơn so với số liệu quý III.

Bên cạnh gánh nặng chi phí, việc kinh doanh phụ thuộc lớn vào vốn vay, nhất là các khoản vay ngắn hạn khiến công ty gặp áp lực không nhỏ về dòng tiền trả nợ khi khế ước nhận nợ đến hạn. Thông thường các khoản vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động sẽ có thời gian hoàn trả gốc trong vòng 6 tháng.

Những tranh chấp giữa nội bộ các thành viên trong HĐQT HBC chưa biết sẽ đi đến đâu và ai sẽ là người chiến thắng nhưng cho dù kết quả như thế nào thì việc thu dọn tàn cuộc cũng sẽ không hề đơn giản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại