Adriano Marinazzo, người phụ trách các dự án đặc biệt tại Bảo tàng Nghệ thuật Muscarelle của Đại học William & Mary (Mỹ), tin rằng Michelangelo tự vẽ mình là Chúa trong The Creation of Adam ( Sự tạo dựng Adam ) – bức bích họa nổi tiếng trang trí một phần trần nhà nguyện Sistine, thành Vatican.
Tác phẩm nghệ thuật được vẽ vào khoảng năm 1508 đến năm 1512, mô tả Chúa là người đàn ông lớn tuổi với bộ râu dài màu xám, ban cho Adam sự sống bằng cách duỗi tay phải chạm vào con người đầu tiên mà ngài tạo ra.
Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal ngày 19/4, Marinazzo cho biết đưa ra nhận định trên sau khi tiến hành nghiên cứu các bức phác thảo của Michelangelo. Ông khám phá ra một bức chân dung tự họa mang nhiều nét tương đồng với hình ảnh Chúa do danh họa thời Phục Hưng sáng tạo ra.
“Michelangelo xem mình là đấng cứu thế của nghệ thuật. Nó có thể giải thích cho việc làm của ông”, học giả người Italy giải thích.
Theo Marinazzo, bức chân dung tự họa được phác thảo trên mặt của một bài sonnet (thơ của Italy) mà Michelangelo viết cho một người bạn trong thời gian đang sơn trần nhà nguyện Sistine. Trong đó, danh họa sinh năm 1475 đang đứng thẳng người với cánh tay phải vươn lên trời.
Năm 2022, Marinazzo bất ngờ lóe lên ý tưởng và xoay ngang bài thơ. Nhờ đó, ông phát hiện vị trí, tạo dáng các nhân vật trong bức phác thảo gần như giống hoàn toàn với bức The Creation of Adam .
“Ông ấy ẩn mình trên trần nhà. Khuôn mặt được lý tưởng hóa vì Michelangelo tự ý thức về chiếc mũi gãy của mình. Nhưng đó là lần gần nhất ông ấy thể hiện mình là thần thánh”, học giả khẳng định.
Hình ảnh bản phác thảo bên lề bài sonnet do Michelangelo tặng cho bạn.
The Creation of Adam và bức phác thảo nhìn tương đồng nhau.
Marinazzo lần đầu công bố lý thuyết của mình vào cuối năm 2022 trên tạp chí phê bình nghệ thuật Critica d'Arte . Từ đó, nó tạo tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật.
Gary Radke, một chuyên gia về thời Phục hưng Italy tại Đại học Syracuse (Mỹ), nói với tờ Wall Street Journal rằng bị lý thuyết của Marinazzo khơi gợi sự tò mò. Dù không hoàn toàn tin bức phác thảo bên lề bài sonnet của Michelangelo là bức chân dung tự họa, ông Radke cho rằng Marinazzo nhìn thấy được điều mới mẻ.
Radke cũng tin tưởng vào khả năng Michelangelo miêu tả mình là thần thánh bởi tính cách ông được nhận xét là tự cao tự đại.
“Michelangelo có một cái tôi lớn hơn cả đức tin. Vì vậy tất cả tác phẩm nghệ thuật đối với ông ấy đều là tự truyện. Với suy nghĩ đó, ông ấy giống một nghệ sĩ hiện đại”, Radke giải thích.
Theo NY Post