Bức thư kêu gọi cứu đê tiết lộ điều gây sốc về nông thôn Trung Quốc

Vương Nam |

Không đủ khả năng đối phó với lũ lụt, một địa phương ở Trung Quốc đã phát đi bức thư cầu cứu, kêu gọi những người có đủ sức khỏe quay về bảo vệ quê hương.

Khi Zhou Yanfu hay tin nước lũ đang dâng cao tại quê nhà Giang Tây – tỉnh phía Đông Trung Quốc – ông lập tức bỏ công việc quay về nhà để lo cho người mẹ 80 tuổi của mình.

Zhou, 59 tuổi, đang làm việc ở thành phố Cửu Giang, Giang Tây. Cách đó không xa, Giang Châu – một quận đảo nổi giữa dòng sông Dương Tử – đang trong tình trạng nguy hiểm vì nước lũ.

Không mang theo gì ngoài một ít đồ cá nhân đựng trong ba lô, Zhou đã đáp lại bức thư của chính quyền Giang Châu, kêu gọi tất cả những người đàn ông khỏe mạnh quay lại cứu quê hương.

“Nhiệm vụ của tôi là tuần tra, theo dõi những con đê để kịp thời đối phó với nước lũ dâng cao”, ông Zhou nói.

Mưa lũ kéo dài từ đầu tháng 6 năm nay đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 34 triệu người ở 27 tỉnh thành Trung Quốc.

Zhou là một trong hàng trăm người người ở các vùng nông thôn Trung Quốc đã rời bỏ quê hương lên thành phố lập nghiệp. Tốc độ đô thị hóa ở Trung Quốc là rất nhanh. Đây cũng là quốc gia chứng kiến cuộc đại di tản lớn nhất thế giới hàng năm của người lao động mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Mặc dù đô thị hóa là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhưng nó cũng gây ra tình trạng đất rộng người thưa ở vùng nông thôn. Các làng quê ngày càng trở nên hẻo lánh, toàn người già yếu.

Hầu hết thanh niên ở Giang Châu đều rời bỏ quê nhà để tìm cơ hội ở nơi khác. Họ để lại những người già, trẻ em, người thân không có điều kiện kinh tế để theo lên sống cùng tại những thành phố lớn.

Bức thư kêu gọi cứu đê tiết lộ điều gây sốc về nông thôn Trung Quốc - Ảnh 1.

Một khu dân cư bị bao vây bởi nước lũ (ảnh: SCMP)

Trước tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp ở sông Dương Tử, chính quyền Giang Châu buộc phải phát đi bức thư cầu cứu, kêu gọi người dân từ 18 – 60 tuổi trở về hỗ trợ củng cố đê bao.

Ngoài Giang Châu, tỉnh Giang Tây còn phải lo bổ sung nhân lực cứu trợ và hộ đê cho huyện Bà Dương và hồ Bà Dương. Giang Tây đang được cho tỉnh chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất Trung Quốc do lũ lụt, sau khi để xảy ra sự cố vỡ đê hàng loạt.

Trong bức thư hôm 17.7, chính quyền Giang Châu cho biết: Hiện chỉ có hơn 7.000 người ở Giang Châu, hầu hết là người già, phụ nữ. Số người trong độ tuổi lao động là dưới 1.000. Tất cả những người đàn ông Giang Châu trong độ tuổi từ 18 – 60 trên khắp cả nước hãy quay về cứu đê và đối phó lũ lụt.

Bức thư được truyền thông đại lục đăng tải rộng rãi, thể hiện rõ tình trạng di dân gây sốc của Trung Quốc. Đây cũng là một trong những hậu quả sau nhiều năm nước này thực hiện các biện pháp kiểm soát sinh đẻ nghiêm ngặt, được biết đến với tên gọi “chính sách một con”.

Năm 2013, Giang Châu có 36.251 nhân khẩu. Điều này cho thấy địa phương này đã mất tới 80% dân số chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm.

Sau bức thư cầu cứu, khoảng 3.000 người Giang Châu đã tham gia vào tiền tuyến hộ đê.

“Trong trận lũ kinh hoàng năm 1998, mới có 1/10 dân số Giang Châu rời quê. Hiện tại 9/10 số người đã tìm đến các thành phố”, ông Zhou nói.

Lực lượng lao động của Trung Quốc đang bị thu hẹp với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang giảm và được nhận xét là khó cứu vãn. Xã hội già hóa nhanh chóng và lượng lao động tập trung chủ yếu ở một vài trung tâm kinh tế - những yếu tố có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Vào cuối năm 2019, mức độ đô thị hóa của Trung Quốc là 60,6%. Khoảng 848 triệu người trong tổng số 1,4 tỷ dân Trung Quốc sống trong thành phố, nhiều ngôi làng bị xóa khỏi bản đồ.

Bức thư kêu gọi cứu đê tiết lộ điều gây sốc về nông thôn Trung Quốc - Ảnh 2.

Binh sĩ đắp đê tạm ở Giang Châu (ảnh: SCMP)

“Không có cách nào để kiếm sống ở đây. Những người trẻ tuổi đã tới các thành phố lớn, chủ yếu ở Cửu Giang”, ông Đặng Phúc Châu, 55 tuổi, sông ở Giang Châu, cho biết.

Người dân Giang Châu cùng chính quyền và binh sĩ đã đắp được một con đê tạm dài khoảng 10 km ở những vị trí hiểm yếu.

Gao Xuewu – một người gốc ở Giang Châu cũng vừa nghỉ làm ở Cửu Giang để quay về quê giúp đỡ. Một trạm canh đê 24/7 được thành lập. Gao và những người khác kiểm tra đê mỗi nửa giờ để phát hiện từng vết rò nhỏ.

Theo thông tin mới nhất, lũ lụt ở Giang Tây đã khiến hơn 6,4 triệu người bị ảnh hưởng, 654.000 người phải di dời, 259.000 người cần hỗ trợ khẩn cấp, 5,8 triệu ha hoa màu bị thiệt hại.

1007 vết nứt, rò rỉ… gọi chung là “tình huống nguy hiểm” đã được phát hiện ở 150 con đê tại Giang Tây. Hơn 980 “tình huống nguy hiểm” đã được xử lý, khoảng 1,2 triệu mét khối đất đá đã được sử dụng để vá đê, hộ đê, theo Tân Hoa Xã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại