Bức thư gửi mẹ không bao giờ đọc được

CHÍ CÔNG |

'Giá thời gian có thể quay lại, con sẽ trân trọng thời gian quý báu ấy, thêm một lần nữa con sẽ nói yêu mẹ đến chừng nào', cô gái Cẩm Thuy viết trong thư.

Bức thư gửi mẹ không bao giờ đọc được - Ảnh 1.

Cẩm Thuy hiện đang học ở Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang và thực hiện ước mơ của mẹ - Ảnh:C.CÔNG

"Mẹ ơi, con gái út của mẹ đây! Đứa con mà mẹ hay lo lắng giờ đã là cô sinh viên trường y, mẹ có biết không?

Ngày nhận giấy trúng tuyển của trường, con bật khóc vì từng bước chạm đến tương lai của mình. Mẹ có tự hào về cô con gái bé nhỏ đã thực hiện được ước mơ của mẹ rồi không..." .

Những dòng viết đầu lá thư ấy là của tân sinh viên Nguyễn Ngọc Cẩm Thuy đang học ngành điều dưỡng (Trường cao đẳng Y tế Kiên Giang) gửi bà Trần Kim Oanh - người mẹ quá cố.

Phần thưởng cuối cùng của mẹ

Cẩm Thuy tâm sự cùng mẹ: "Mà mẹ ơi, niềm vui của con không lúc nào trọn vẹn khi không có mẹ bên cạnh. Mẹ là người hiểu con nhất, để con nương tựa, chia sẻ với mẹ bao niềm vui nỗi buồn nhưng giờ con biết chia sẻ cùng ai.

Giá thời gian có thể quay lại, con sẽ trân trọng thời gian quý báu ấy, thêm một lần nữa con sẽ nói yêu mẹ đến chừng nào".

Từng có một gia đình hạnh phúc, từng được cha mẹ dắt tay vào lớp học mẫu giáo. Thuy nhớ cái cảm giác sung sướng ấy biết bao! Nhưng niềm vui ngắn lắm, chẳng bao lâu cha mẹ ly hôn. Lúc ấy, đêm nào Thuy cũng thấy mẹ khóc và chỉ thầm ước "Đừng bắt con phải rời xa cha hay mẹ". Rồi cô gái quyết định theo mẹ.

"Mẹ hy sinh tất cả cho em. 2h sáng mỗi ngày mẹ đã thức đi lựa cá kiếm tiền. Để em một mình ở nhà trọ giữa khuya không yên tâm nên mẹ đã bồng em theo, cầm theo chiếc mền. Đến chỗ làm, mẹ xin chủ cho em ngủ một góc rồi mẹ làm việc", Thuy nhớ.

Làm công nhân lựa cá ở cảng cá Tắc Cậu, vất vả lắm mỗi ngày bà Oanh kiếm được chưa đến 100.000 đồng. Dè sẻn từng đồng, có gì ngon mẹ luôn dành cho con gái, có thừa mới đến phần mình. Thuy bảo cả đời không thể nào quên khoảnh khắc đó.

Nhưng nhớ nhất khi Thuy học lớp 2. Năm đó cô không được học sinh giỏi nhưng mẹ vẫn xin cô chủ nhiệm cho con lên nhận thưởng là những cuốn tập do bà góp tiền mua để động viên con. Thuy có ngờ đâu đó là món quà cuối cùng của mẹ...

Sau ngày lãnh thưởng, mẹ đưa Thuy về ngoại chơi và hứa sẽ quay lại đón. Nhưng rồi mẹ không bao giờ đến đón nữa. Tai nạn giao thông đã cướp mẹ của Thuy đi mãi.

Lau giọt nước mắt lăn dài trên má, Cẩm Thuy nói từ giây phút đó, cô trở thành đứa con mồ côi, nương nhờ tình yêu thương của ông bà ngoại và các cậu, dì.

Em không cho phép mình gục ngã, cỡ nào cũng phải bươn chải đến trường để đáp lại công ơn ông bà ngoại, cậu dì, thầy cô và thực hiện ước mơ của người mẹ quá cố.

NGUYỄN NGỌC CẨM THUY

"Con học đến đâu, ngoại lết theo đến đó"

Bức thư gửi mẹ không bao giờ đọc được - Ảnh 3.

Bữa cơm nghèo mà đầy ắp yêu thương ông bà ngoại đãi Cẩm Thuy đi học - Ảnh: C.CÔNG

Chạy xe rẽ qua mấy chặng đường cong cong, đầy khúc khuỷu, chúng tôi đến được nhà ngoại Cẩm Thuy nằm sâu trong nội đồng ở huyện Châu Thành (Kiên Giang). Căn nhà cấp 4 có cái chái phía sau là nơi Thuy và ông bà ngoại ăn ngủ, sinh hoạt hằng ngày nay đã xuống cấp nhiều.

Mái lá, kèo cột có chỗ bị mối mọt ăn mục nát. Cái nắng giữa trưa xuyên qua mái lá rọi sáng xuống nền nhà. Gió rít từng hồi làm miếng bạt cũ che phía hông nhà vỗ phành phạch.

Bà Phạm Thu Nhân - ngoại Cẩm Thuy - nói muốn lợp lại nhà cũng mất ít nhất 10 triệu đồng, lo không nổi.

"Mà nếu có số tiền đó cũng sẽ để dành cho con Thuy đi học. Nhà có mưa, nắng hay dột chút đỉnh cũng hổng sao! Mơi mốt mấy cậu con Thuy cho tiền hoặc ông nhà tôi đi đốn lá ven sông lên lợp lại cũng được" - ngoại Thuy nói.

Cả nhà chỉ có gần hai công đất ruộng, mỗi năm ông bà mần hai vụ lúa, cứ lấy lúa cũ đổi lúa mới để ăn chứ không dư dả gì.

Để có thêm chút tiền, ông Trần Ngọc Hiển (69 tuổi) - ông ngoại Thuy - đi vác lúa thuê, xịt thuốc, đào mương, đốn khóm, lặn bùn non, ai thuê gì làm nấy kiếm chừng 200.000 đồng/ngày.

Dè sẻn lắm, bà Nhân tích cóp mua được con heo thả nuôi.

Bà kể sau bốn tháng nuôi bán đi cũng lời chừng 500.000 đồng, cộng thêm tiền bán mấy con vịt xiêm, con gà nữa cũng có thể đóng tiền trường cho Thuy.

"Nó học giỏi, tui dặn gắng mà học, nghèo cũng phải học, không được bỏ dở giữa chừng. Con học đến đâu ngoại tìm cách lết theo con đến đó", nói tới đó, mắt bà Nhân đỏ hoe.

Được hôm nghỉ, Cẩm Thuy về thăm ngoại. Bà Nhân chuẩn bị sẵn, đãi cô cháu gái rau lang, mồng tơi luộc ăn kèm với cá lóc đồng kho khô mặn. Bữa cơm quê ấm áp và đầy ắp tình yêu thương của ngoại.

"Có gà vịt đó mà tôi không dám mần, để đó kẹt còn có cái đem bán cho Thuy đi học", ông Hiển góp lời.

Rồi ông dẫn ra trước nhà, chỉ con gà mái mới quậy ổ đẻ được 10 trứng. Ông nâng niu từng cái vì chỉ ít tháng nữa thôi chúng nở thành bầy gà con, rồi gia đình có thêm ít tiền phụ cháu đi học.

Ở Rạch Giá, Thuy ăn mặc cũng tiện tặn. Tranh thủ thời gian rảnh, cô cũng ghé một vài nơi hỏi xin việc làm thêm.

Cô Trần Thị Minh Thảo - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Thuy tại Trường THPT Châu Thành - nói dù hoàn cảnh Thuy rất khó nhưng bạn rất nghị lực, vượt khó và học giỏi.

Cô Thảo nói tin tưởng cô trò nhỏ sẽ nên người, chỉ là mong sẽ có nhiều tấm lòng giúp Thuy vượt khó lúc này để có thể hoàn thành ba năm học cao đẳng sắp tới.

Tìm cách giúp cô sinh viên mồ côi

Ông Lâm Quốc Khánh - trưởng phòng công tác học sinh sinh viên Trường cao đẳng Y tế Kiên Giang - cho biết nhà trường đã nắm thông tin về hoàn cảnh của Thuy, cũng đang xem xét để Thuy rơi vào trường hợp nào sẽ áp dụng để bạn hưởng chế độ chính sách phù hợp.

"Trước mắt trong thời gian này, nhà trường cố gắng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng giúp Thuy có thêm phần nào đó trang trải chuyện học hành", ông Khánh cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại