Bức hình đầy ám ảnh của một thiên hà đang 'hấp hối'

ANH VIỆT |

Sau khi mất hầu hết khí và bụi tạo nên thiên hà, NGC 1947 có thể sẽ không tạo ra các ngôi sao mới.

Kính viễn vọng không gian Hubble đã chụp được một bức ảnh đầy ấn tượng về một thiên hà đang ‘hấp hối’.

Có tên gọi là NGC 1947, thiên hà này được phát hiện gần 200 năm trước bởi một nhà thiên văn học người Scotland, James Dunlop, khi ông đang nghiên cứu bầu trời đêm ở Úc. NGC 1947 chỉ có thể được nhìn thấy từ Nam bán cầu, trong chòm sao Dorado có hình dạng như một con cá heo. Đây là một thiên hà dạng thấu kính, có nghĩa là hình dạng ban đầu của nó nằm ở đâu đó giữa loại thiên hà xoắn ốc và thiên hà hình elip.

Bức hình đầy ám ảnh của một thiên hà đang hấp hối - Ảnh 1.

Thiên hà NGC 1947

NGC 1947 đã mất phần lớn vật chất tạo nên các nhánh xoắn ốc đặc trưng xoay quay quanh khu vực trung tâm của thiên hà. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tìm ra những gì còn lại trong cấu trúc của nó nhờ vào ánh sáng nền phát ra từ hàng triệu ngôi sao. 

Trong hình ảnh mới nhất của NGC 1947 vừa được Hubble chụp lại, các sợi khí và bụi còn sót lại của thiên hà này vẫn hiện lên một cách rõ ràng.

Theo các nhà thiên văn học tại NASA, NGC 1947 khó có khả năng tạo ra các ngôi sao mới do thiếu phần lớn vật chất cần thiết để hình thành sao. 

Khi các đám mây khí và bụi dày đặc sụp đổ dưới áp lực của trọng lực, chúng sẽ tạo ra một đĩa vật chất cung cấp năng lượng cho sự phát triển của các ngôi sao mới. Nếu không có đủ khí và bụi để tạo thành những đám mây dày đặc đó, NGC 1947 sẽ tiếp tục mờ dần theo thời gian.

NASA đã đăng hình ảnh này từ Hubble sau khi phần mềm của kính thiên văn này gặp trục trặc bất ngờ khiến các hoạt động khoa học ngừng hoạt động vào ngày 7 tháng 3. Kính thiên văn đã hoạt động trở lại và bắt đầu các quan sát vào ngày 11 tháng 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại