Vòng 19 V-League 2019, Nam Định gặp HAGL tại "chảo lửa" Thiên Trường. Khoảng phút thứ 70, giữa biển người đang nêm chặt trên khán đài, một bé trai CĐV của Nam Định ngất xỉu và lên cơn co giật. Khán đài quá đông nên cậu bé được chuyển xuống đường piste để lực lượng an ninh đưa đi cấp cứu.
Một cảnh sát cơ động sợ bé nuốt lưỡi đã đưa ngón tay vào miệng, chấp nhận đau đớn vì tin mình sẽ giữ được mạng cho bé. Theo thông tin các báo, bé đã khỏe lại sau khi được đưa vào bệnh viện.
Dù nhìn vào bất kỳ hướng nào thì đấy vẫn là một câu chuyện đẹp. Nhưng đáng buồn thay, lại có một số người chỉ trích hành động ấy là sơ cứu không đúng cách. Kết quả là rất nhiều người đã chia sẻ quy trình cấp cứu người bị co giật đúng cách, đồng thời chỉ trích cách làm của người cảnh sát cơ động kia là sai.
Và thế là từ một câu chuyện lẽ ra rất tốt và truyền cảm hứng, Facebook lại chứng kiến một cuộc cãi nhau.
Có một sự thật, dù buồn, là không phải ai trong chúng ta cũng biết phép sơ cấp cứu. Và đấy là câu chuyện vĩ mô của cả một nền giáo dục.
Ở đây, chúng ta thấy một nghịch lý trên mạng. Rất nhiều người chê Facebook vì chỉ ưu tiên cho Bad news (tin xấu), nhưng cũng rất nhiều người sẵn sàng biến Good news thành Bad news thông qua kiến thức của họ.
Tất nhiên kiến thức là một điều tốt, và việc truyền kiến thức đến cộng đồng là một việc đáng hoan nghênh. Nhưng thử đọc qua những thông tin về việc cách sơ cứu đúng cách, dễ dàng thấy dòng đầu tiên luôn là: "Hãy để cho người co giật được co giật trong an toàn và… chờ đợi".
Vậy bạn hãy thử đặt anh công an này vào tình huống ấy đi. Xung quanh toàn người là người. Và anh, chắc chắn là không biết kiến thức khoa học rồi, anh chỉ có một tích tắc để quyết định. Anh chọn tin vào dân gian, và cho ngón tay mình vào (vì tin) để đứa bé sống.
Làm sao chúng ta chỉ trích anh ta chỉ vì anh ta không chọn tin vào khoa học, tức là đứng yên và… không làm gì cả? Chúng ta ngồi trước màn hình, chúng ta đủ bình tĩnh để đưa ra những lựa chọn khoa học. Đấy là điều mà anh cảnh sát ấy không có, cả kiến thức lẫn thời gian.
Tôi rất sợ những câu như "Làm anh hùng là tốt, nhưng làm anh hùng cần đúng cách!!!"
Vì nó khiến cho đám đông nhìn vào khía cạnh xấu của vấn đề.
Sẽ thật tốt nếu chúng ta viết: "Sơ cứu không đúng cách, nhưng người công an ấy vẫn là một anh hùng".
Xã hội này cần những người tốt và những tấm gương tốt.
Vì số người đàng hoàng, thông minh, tài hoa thiết nghĩ đã quá đủ.
Có một ví von kinh điển về góc nhìn của mỗi người trước một thông tin, thông qua ẩn dụ về cốc nước.
Một người nhìn vào cốc nước và nói: nước vơi phân nửa. Một người khác lại bảo: ly nước còn đến phân nửa. Nghĩa là chọn nhìn vào sự tích cực hay tiêu cực là quyết định của mỗi người.
Một thời gian sau, tôi lại có một cách suy nghĩ khác về việc này. Đó là: tại sao chúng ta không đi lấy chai nước ra rót lại cho đầy ly nước ấy? Sao cứ mãi ngồi đắn đo xem nó là ly nước vơi hay đầy?
Cũng như câu chuyện cháu bé được canh sảnh sát cứu sống ở Thiên Trường. Tại sao chúng ta cứ phải chọn giữa kiến thức khoa học và sự vinh danh tình người? Sao ta không thể chọn cả hai: tức là vừa hoan nghênh hành động của anh cảnh sát, vừa thông qua cơ hội này để truyền đi kiến thức về sơ cấp cứu?
Sao ta không thể viết: "Sơ cứu không đúng cách, nhưng người công an ấy vẫn là một anh hùng" và ngay phía dưới sẽ là một phần "PS" để nói về cách làm đúng trong trường hợp như thế này. Với cách "rót lại ly nước cho đầy" này, chả phải chúng ta cùng lúc làm hai việc tốt, thay vì phải chọn một trong hai?
Thực ra trong mọi vấn đề, chúng ta luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn mà không biết!