Tài khoản Instagram của Chandrayaan-3 (ISRO) đã chia sẻ những bức ảnh đầu tiên chụp vùng tối của Mặt Trăng khi camera nằm ngang của Lander ghi lại trong và sau quá trình hạ cánh. Theo lịch trình tàu hướng tới địa điểm hạ cánh ở 69,37 độ vĩ nam và 32,35 độ kinh đông, gần cực nam của Mặt Trăng.
Bức ảnh đầu tiên của tàu Vikram được ghi lại và truyền về trung tâm điều khiển. (Ảnh: Instagram)
Bức ảnh này cho thấy một phần bãi đáp của tàu Vikram và cái bóng của tàu đổ bộ. Qua bức hình, chúng ta có thể thấy tàu Vikram đã đáp xuống trên một vùng tương đối bằng phẳng trên bề mặt mặt trăng.
Cùng với bức hình ghi lại khung cảnh sau khi hạ xuống, tài khoản Instagram của nhiệm vụ Chandrayaan-3 còn đăng tải bốn bức ảnh bề mặt Mặt trăng trước khi hạ cánh. Những bức ảnh này đã hé lộ hàng loạt đặc điểm địa chất, bao gồm những miệng hố va chạm khổng lồ bị bóng tối che khuất ở nhiều mức độ trên Mặt Trăng. Ngay lập tức, những bức ảnh này đã nhận được rất nhiều bình luận chúc mừng cũng như cổ vũ của những người quan tâm tới sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ.
Những bức ảnh đầu tiên chụp vùng tối của Mặt trăng đã được tàu Vikram chuyển về trung tâm điều khiển. (Ảnh: Instagram)
Vào ngày 21/8, cơ quan vũ trụ của Ấn Độ đã công bố những hình ảnh mà tàu vũ trụ của họ chụp từ phía bên kia của Mặt Trăng khi hướng tới nỗ lực hạ cánh xuống cực Nam của vệ tinh tự nhiên này. Đó là vùng bình nguyên Mare Humboldtianum rộng lớn, nằm giữa trung tâm bồn địa Humboldtianum, dọc theo rìa phía đông bắc của Mặt Trăng và tiếp tục trải rộng về phía mặt tối của vệ tinh tự nhiên.
NASA ước tính, Mare Humboldtianum được hình thành trong thời kỳ Imbria muộn, khoảng 3,8-3,6 tỷ năm trước. Đây là khu vực được NASA rất quan tâm, và là một trong hai vùng bình nguyên được đặt theo tên người trên Mặt Trăng.
Tàu đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực nam Mặt Trăng lúc 19h34 ngày 23/8 (giờ Hà Nội). Tàu đổ bộ bắt đầu quá trình hạ cánh lúc 19h15 (giờ Hà Nội), sau đó giảm dần độ cao để hạ cánh nhẹ nhàng xuống cực nam Mặt Trăng. Thành công này đã đưa Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có phương tiện hạ cánh xuống vùng cực nam của Mặt Trăng, và là quốc gia thứ 4, bên cạnh Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, đặt chân lên Mặt Trăng.
Những bức ảnh đã hé lộ hàng loạt đặc điểm địa chất, bao gồm những miệng hố va chạm khổng lồ bị bóng tối che khuất ở nhiều mức độ trên Mặt Trăng. (Ảnh: Instagram)
Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) xác nhận tàu đổ bộ đã hạ cánh mềm thành công xuống bề mặt Mặt Trăng. Vikram đáp xuống cùng một robot nhỏ có tên gọi là Pragyan.
Bộ đôi chạy bằng năng lượng Mặt Trời này sẽ khám phá bề mặt trong một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi đêm Mặt Trăng (cũng dài bằng 14 ngày Trái đất) tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.
Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học để nghiên cứu đất đá Mặt trăng. (Ảnh: Instagram)
Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học, trong đó có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt Trăng khoảng 10 cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt Trăng.
Vikram cũng trang bị một bộ phản xạ ngược, dự kiến vẫn phát huy tác dụng rất lâu sau khi trạm đổ bộ này ngừng hoạt động. Trong khi đó, robot Pragyan mang theo Máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất đá Mặt Trăng.
Vikram đáp xuống cùng một robot nhỏ có tên gọi là Pragyan. (Ảnh: Instagram)
Năm 2019, Ấn Độ triển khai nhiệm vụ Chandrayaan-2 nhằm thử sức đưa tàu đáp xuống Mặt Trăng nhưng thất bại. Trạm đổ bộ và robot bị phá hủy khi đâm xuống Mặt Trăng ở nơi gần với vị trí hạ cánh dự kiến của Chandrayaan-3. Trong khi đó, tàu quỹ đạo của Chandrayaan-2 triển khai thành công và hiện vẫn đang bay quanh Mặt Trăng.
Việc hạ cánh xuống Mặt Trăng không hề dễ dàng. Một tàu vũ trụ khác nhắm tới khu vực gần cực nam Mặt Trăng là Luna-25 của Nga. Nhiệm vụ này đã thất bại khi hôm 20/8, Nga thông báo con tàu đâm xuống bề mặt Mặt Trăng. Trước đó, vào hồi tháng 4, ispace, startup vũ trụ tư nhân Nhật Bản, cũng thất bại trong nỗ lực hạ cánh xuống Mặt Trăng.