Bức ảnh lịch sử của tàu Ấn Độ khi tiến đến Mặt trời: 'Điểm hẹn' trước mắt

Trang Ly |

Tàu thám hiểm Mặt trời Aditya-L1 đang trong hành trình tiến về phía Mặt trời và giải mã những bí ẩn xoay quanh ngôi sao này.

Hai ngày sau khi tàu nghiên cứu Mặt trời Aditya-L1 của Ấn Độ được tên lửa PSLV-C57 phóng đi, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã công bố những bức ảnh đầu tiên do camera của tàu Aditya-L1 thực hiện khi con tàu đang trên đường tiến về phía Mặt trời.

ISRO công bố những hình ảnh này trong một video đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) vào ngày 4/9.

Xem video: Bức ảnh lịch sử của tàu nghiên cứu Mặt trời Aditya-L1/ISRO

Bức ảnh lịch sử của tàu nghiên cứu Mặt trời Aditya-L1/ISRO

Một bức ảnh trong số đó cho thấy Trái đất và Mặt trăng trong cùng một khung hình, trong đó Mặt trăng trông nhỏ bé hơn rất nhiều so với hành tinh của chúng ta.

Bức ảnh thứ hai là bức ảnh "selfie" của tàu Aditya-L1, cho thấy hình ảnh của 2 trong 7 dụng cụ khoa học tích hợp trên tàu để khám phá những bí ẩn của Mặt trời. 

Tàu Aditya-L1 sắp đến 'điểm hẹn'

Theo tin tức mới nhất liên quan đến sứ mệnh Mặt trời đầu tiên của Ấn Độ được ISRO công bố ngày 10/9, tàu Aditya-L1 đã thực hiện thành công chuyến bay thứ ba vòng quanh Trái đất theo quỹ đạo hình elip, tiến dần đến quỹ đạo ổn định của Điểm Lagrangian 1 (Điểm L1) giữa Mặt trời-Trái đất.

Quỹ đạo mới mà tàu Aditya-L1 đạt được là 296km x 71767 km. Các trạm mặt đất của ISRO tại Mauritius, Bengaluru lần lượt là SDSC-SHAR và Port Blair đã theo dõi con tàu trong hoạt động này.

ISRO cho biết, sau tổng cộng 5 lần thực hiện quỹ đạo quanh Trái đất, tàu Aditya-L1 sẽ đến được Điểm L1 - nơi lực hấp dẫn của Trái đất và Mặt trời bị triệt tiêu. Giúp con tàu có điều kiện ổn định để quan sát và chụp ảnh Mặt trời.

Bức ảnh lịch sử của tàu Ấn Độ khi tiến đến Mặt trời: Điểm hẹn trước mắt - Ảnh 2.

Tính đến ngày 10/9, tàu Aditya-L1 đã thực hiện thành công chuyến bay thứ ba vòng quanh Trái đất theo quỹ đạo hình elip. Nguồn: ISRO

Dự kiến, chuyến bay thứ 4 quay Trái đất của tàu Aditya-L1 sẽ bắt đầu thực hiện vào ngày 15/9 tới. Tất cả những quá trình này gọi là Thao tác quỹ đạo.

Theo các nhà khoa học, thao tác trên quỹ đạo là một quy trình thường xuyên trong chuyến bay vũ trụ. Trong quá trình này, quỹ đạo của vệ tinh/tàu vũ trụ được tăng dần lên bằng cách sử dụng hệ thống động cơ đẩy. Quá trình này sẽ bao gồm việc bắn tên lửa và điều chỉnh góc độ.

Để hiểu quá trình này, hãy lấy ví dụ về một người trên xích đu. Để làm cho xích đu đi cao hơn, một người phải thực hiện các lần di chuyển tăng dần sức mạnh và độ cao của xích đu. 

Khi tàu Aditya L1 đạt đủ vận tốc, nó sẽ lao theo đường dự định hướng tới Điểm L1. Điểm L1 cách Trái đất 1,5 triệu km theo hướng Mặt trời, tức là khoảng 1% khoảng cách Trái đất-Mặt trời. 

ISRO cho biết Aditya-L1 sẽ không hạ cánh xuống Mặt trời cũng như không tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách gần hơn nữa.

Vị trí chiến lược này (Điểm L1) sẽ cho phép tàu Aditya-L1 liên tục quan sát Mặt trời mà không bị cản trở bởi nhật thực hoặc che khuất, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu các hoạt động của Mặt trời và tác động của chúng đến thời tiết không gian trong thời gian thực. 

Bí ẩn lớn của Mặt trời

Mục tiêu chính của sứ mệnh thăm dò Mặt trời của Ấn Độ bao gồm nghiên cứu tính chất vật lý của vành nhật hoa và cơ chế phát nhiệt của nó; gió Mặt trời; khí quyển Mặt trời...

Mặt trời mà chúng ta biết ngày nay là một 'lò tổng hợp hạt nhân' khổng lồ, chủ yếu bao gồm hydro (khoảng 74% khối lượng của nó) và heli (khoảng 24%), với dấu vết của các nguyên tố nặng hơn. 

Lực hấp dẫn mạnh mẽ của Mặt trời chi phối quỹ đạo và chuyển động của các hành tinh, mặt trăng và vô số thiên thể khác quay quanh nó.

Bức ảnh lịch sử của tàu Ấn Độ khi tiến đến Mặt trời: Điểm hẹn trước mắt - Ảnh 4.

Ảnh: ESA

Mặt trời không chỉ là một quả cầu lửa đơn thuần. Nó là một thực thể phức tạp, năng động với nhiều tầng lớp và bầu không khí sôi động. Ở lõi của nó, nhiệt độ lên tới 15 triệu độ C, nơi các phản ứng tổng hợp hạt nhân biến hydro thành heli, giải phóng lượng năng lượng khổng lồ. Năng lượng này, biểu hiện dưới dạng ánh sáng và nhiệt, tỏa ra bên ngoài, duy trì sự sống trên Trái đất.

Bao quanh lõi là vùng bức xạ và vùng đối lưu, qua đó năng lượng dần dần truyền lên bề mặt. Phía trên các lớp này là bề mặt nhìn thấy được của Mặt trời - quang quyển, phát ra ánh sáng Mặt trời mà chúng ta quan sát được từ Trái đất. 

Ngoài quang quyển, bầu khí quyển của Mặt trời mở rộng đến sắc quyển và lớp ngoài cùng - vành nhật hoa, nơi nhiệt độ tăng vọt một cách khó hiểu lên tới vài triệu độ C.

Với tàu Aditya-L1, các nhà khoa học Ấn Độ đang hy vọng sẽ giải mã được sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa vành nhật hoa với bề mặt và lõi Mặt trời.

Nguồn: India Today, Livemint

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại