Bức ảnh gây tranh cãi
Theo nhà báo David Axe trên tạp chí National Interest, đối với những thủy thủ không phải là lính tàu ngầm thì tàu ngầm thật sự là thứ đáng sợ.
Với khả năng tàng hình và vũ trang hạng nặng, cho tới nay tàu ngầm vẫn là phương tiện chiến đấu hàng hải mạnh nhất trên thế giới khi tác chiến trên quy mô toàn diện và được cho là vũ khí tối thượng để đánh chìm tàu sân bay - biểu tượng của sức mạnh hải quân.
Công chúng có thể không đánh giá được đầy đủ lợi thế tác chiến phi đối xứng của tàu ngầm nhưng các lực lượng hải quân hàng đầu thế giới hiểu rất rõ điều này.
Ngày nay, các tàu ngầm của Trung Quốc, Nga và Mỹ đều đang bận rộn áp sát, theo dõi và thực hành đánh chìm tàu sân bay của đối phương.
Bức ảnh làm "dậy sóng" dưới đây cho thấy các cột ăng-ten của tàu ngầm tấn công USS Dallas - Mỹ đang nổi lên gần tàu sân bay HMS Illustrious - Anh trong một cuộc tập trận hải quân tại Vịnh Oman ngày 3/10/2013.
Sáu tàu chiến, trong đó có tàu Dallas và Illustrious đang tiến hành bài tập tác chiến chống ngầm. Trong bài tập này, tàu Dallas lén bám theo tàu Illustrious trong khi các tàu chiến mặt nước của Anh, Mỹ và trực thăng săn ngầm tìm cách định vị và "đánh chìm" chiếc tàu ngầm.
Hải quân Mỹ và Anh không công bố kết quả của cuộc tập trận nên không rõ liệu tàu Dallas có tiếp cận được tàu Illustrious ở khoảng cách đủ gần để giả định phóng ngư lôi vào chiếc tàu sân bay hay không.
Được biết HMS Illustrious, với lượng giãn nước 22.000 tấn, là một trong những tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh.
Tuy nhiên, có những lý do thuyết phục để tin rằng chiếc tàu ngầm 7.000 tấn Dallas có thể "đánh chìm" tàu Illustrious.
Vũ khí tối thượng đánh chìm tàu sân bay
Năm 2007, HMCS Corner Brook - một tàu ngầm diesel-điện của Hải quân Canada từng lén bám theo tàu Illustrious trong cuộc tập trận ở Đại Tây Dương.
Để chứng minh họ có thể bắn chìm tàu sân bay, các thủy thủ trên tàu Corner Brook đã chụp một bức ảnh qua kính tiềm vọng và sau đó được Hải quân Canada công bố.
Bức ảnh do Hải quân Canada công bố
"Bức ảnh là bằng chứng đanh thép cho thấy chiếc tàu ngầm hoàn toàn đáp ứng được các thông số tần công và sẽ thành công nếu hành động" - Trung tá Luc Cassivi, chỉ huy sư đoàn tàu ngầm Canada hãnh diện tuyên bố.
Corner Brook có lượng giãn nước chỉ 2.400 tấn, không hề mạnh hơn tàu Dallas và thậm chí còn thua kém hơn nhiều nếu xét tới trình độ đào tạo thủy thủ đoàn. Các tàu ngầm Mỹ có nhiều thời gian hoạt động trên biển hơn so với tàu ngầm Canada.
Dallas và Corner Brook đều thực hiện bài tập mô phỏng "đánh chìm" tàu sân bay, chống lại các tàu chiến đối phương theo tình huống đã được lên kịch bản. Tuy nhiên, rất nhiều cuộc chạm trán khác giữa tàu ngầm và tàu sân bay giữa các quốc gia đối địch xảy ra ngay dưới biển.
Để chuẩn bị cho tàu ngầm tấn công và đánh chìm tàu sân bay Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 3, ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, Hải quân Liên Xô đã yêu cầu hàng trăm chi huy tàu ngầm tiếp cận các tàu sân bay Mỹ ở khoảng cách càng gần càng tốt và phục kích tại đó.
Hải quân Mỹ thường bảo vệ các tàu sân bay hàng tỷ đô bằng một đội ngũ hộ tống hùng hậu, trong đó có tàu mặt nước và tàu ngầm. Tuy nhiên, lớp phòng thủ này không phải là không thể xuyên thủng.
Năm 1974, một máy bay tuần tra Il-38 của Liên Xô đã phát hiện một đội tàu, được cho là tàu sân bay USS Nimitz và các tàu hộ tống của nó ngoài khơi Bờ Đông nước Mỹ. Khi đó đã có nhiều nghi ngờ về sự xuất hiện của USS Nimitz bởi vào năm 1974, tàu Nimitz đang được đặt tại nhà máy đóng tàu Virginia và tiếp tục hoàn thiện.
Dù là tàu sân bay nào thì các chỉ huy Liên Xô cũng đã điều động một tàu ngầm tấn công đi theo chiếc tàu sân bay và đội tàu hộ tống của nó.
"Chúng tôi đã theo tàu Nimitz 3 ngày" - hoa tiêu Pavel Borodulkin nói với Tom Briggs - một du khách Mỹ tới thăm Nga nhiều thập kỷ sau đó.
Borodulkin cho hay, phần lớn thời gian con tàu hoạt động ở độ sâu khoảng 36m. Đề cập tới nguy cơ bị phát hiện, Borodulkin nói "chúng tôi không lo lắng", vì sonar của Mỹ không được tối ưu hóa để phát hiện mục tiêu di chuyển trên cùng lộ trình và cùng tốc độ khi con tàu tiến hành tìm kiếm.
Bức ảnh chiếc tàu sân bay do tàu ngầm Nga chụp được.
"Khả năng tàng hình của chúng tôi rất cao", Borodulkin nói. Để chứng minh cho điều này, ông đưa ra một bức ảnh khá mờ, chụp lại chiếc tàu sân bay qua kính tiềm vọng của tàu ngầm.
Đó không phải là chiếc tàu sân bay duy nhất của NATO bị Xô Viết theo đuôi. Năm 1984, một tàu ngầm lớp Victor của Liên Xô đã chơi trò "mèo vờn chuột" với tàu sân bay USS Kitty Hawk ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Người Mỹ mất dấu tàu Victor và trong đêm tối, chiếc tàu sân bay 80.000 tấn đã va chạm với chiếc tàu ngầm 5.000 tấn.
"Tôi cảm thấy con tàu rung lắc dữ dội, khi đi về phía mạn phải, tôi thấy 2 chiếc kính tiềm vọng và phần thượng tầng của một chiếc tàu ngầm đang di chuyển đi" - Hạm trưởng Dave Rogers của tàu Kitty Hawk nói với tờ Sydney Morning Herald.
Một máy bay tuần tra của Nhật Bản sau đó đã phát hiện tàu Victor trong tình trạng bị hư hại đang ì ạch di chuyển.
Cũng trong tháng 11 năm đó, theo tờ Robesonian, tàu Illustrious đã di chuyển qua vị trí chỉ cách tàu ngầm lớp Tango - Liên Xô chưa đầy 0.5km trong một cuộc tập trận của Hải quân Hoàng gia Anh ngoài khơi Scotland.
Khi Liên Xô cho ra đời các tàu sân bay cỡ nhỏ vào giữa năm 1970, Anh và Mỹ đã theo dõi chúng một cách chặt chẽ, tương tự như cách tàu ngầm Liên Xô theo dõi tàu sân bay của NATO trước đây.
Tuy nhiên, không có báo cáo công khai nào cho thấy các tàu ngầm phương Tây bị phát hiện trong quá trình theo dõi. Mãi tới năm 2007, một tờ báo Nga mới đưa tin rằng đội tàu hộ tống tàu sân bay Admiral Kuznetsov ở Đại Tây Dương đã truy lùng một chiếc tàu ngầm lạ trong khoảng nửa giờ.
Chiếc tàu ngầm sau đó đã tẩu thoát khi sử dụng mồi bẫy tự hành.
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, lực lượng tàu ngầm của Nga đã giảm đi đáng kể và ít nhất trong vài năm đã trở nên "bớt hung hăng hơn". Hạm đội tàu sân bay của Nga giảm xuống chỉ còn duy nhất một tàu Admiral Kuznetsov.
Mỹ dần chuyển trọng tâm về Thái Bình Dương. Tại đây, ngay từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã khởi động chương trình tái vũ trang hải quân quy mô lớn, trong đó tân trang 1 tàu sân bay Liên Xô và đặt tên là Liêu Ninh.
Ngoài tàu sân bay mới, trung bình mỗi năm Trung Quốc còn chế tạo vài tàu ngầm nhằm sớm thiết lập một hạm đội gồm 60 tàu ngầm, tương đương với quy mô của Mỹ.
Do không có kích cỡ lớn hay tiên tiến như tàu ngầm Mỹ nên các tàu ngầm Trung Quốc gặp bất lợi lớn. Các tàu ngầm của Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin tình báo và phát triển chiến thuật tác chiến.
Tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc
Tuy nhiên, chúng đã đạt được ít nhất 1 thành công đáng kể vào tháng 10/2006, khi tàu ngầm diesel-điện lớp Song của Trung Quốc đã nhẹ nhàng trồi lên mặt nước gần tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ tại vùng biển giữa Nhật Bản và Đài Loan, chỉ cách hơn 14km.
Tàu ngầm lớp Song, với lượng giãn nước 2.200 tấn, đã tiếp cận đủ gần để có thể tấn công tàu Kitty Hawk bằng ngư lôi. Không chiếc tàu nào trong đội tàu hộ tống của Kitty Hawk phát hiện ra tàu ngầm lớp Song cho tới khi nó nổi lên. Sự kiện này đã khiến các sĩ quan Mỹ vô cùng sửng sốt.
Song, rõ ràng Trung Quốc khiếp sợ tàu ngầm của Mỹ hơn là Mỹ sợ tàu ngầm Trung Quốc. Năm 2012, tàu Liêu Ninh cuối cùng đã sẵn sàng rời nhà máy Đại Liên ra biển.
Chiếc tàu sân bay duy nhất của Bắc Kinh phải đối đầu với hạm đội tới 10 tàu sân bay của Mỹ.
Ban đầu, Liêu Ninh dự kiến sẽ được triển khai từ căn cứ hải quân hiện đại nhất của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên, sau đó Bắc Kinh tuyên bố con tàu 70.000 tấn sẽ di chuyển về phía bắc để tới Thanh Đảo.
Lý do rõ ràng là vì khu vực quanh Thanh Đảo có căn cứ của một hạm đội tàu ngầm lớp Song và các tàu ngầm hạt nhân Type 091. Những con tàu này sẽ là phương thức phòng thủ tốt nhất của Trung Quốc trước tàu ngầm Mỹ và Nhật Bản. Chúng chắc chắn sẽ săn lùng tàu Liêu Ninh mỗi khi nó rời cảng và tập "đánh chìm" con tàu này để đề phòng trường hợp chiến tranh.