Ngày 15/8, Công chúa Anne kỷ niệm sinh nhật lần thứ 73. Vào ngày đặc biệt này, Vua Charles đăng lên trang X (trước đây là Twitter) hai bức ảnh chụp ông và em gái ở thời điểm hiện tại và năm 1951 – lúc Công chúa Anne 1 tuổi.
“Chúc Công chúa Hoàng gia có một sinh nhật thật vui vẻ vào hôm nay”, tài khoản chính thức của Hoàng gia Anh viết.
Vua Charles đăng ảnh mình và em gái vào năm 2023 và 1951. Ảnh: Twitter.
Bên cạnh đó, người hâm mộ đồng loạt chia sẻ hình ảnh về con gái cố Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng tế Philip để đánh dấu cột mốc tuổi tác mới. Trong đó, không ít bức ảnh chụp Công chúa Anne vào thời hoàng kim nhan sắc, kèm theo lời ca tụng dành cho một trong những thành viên được đánh giá là chăm chỉ và có trách nhiệm nhất Hoàng gia Anh.
“Tại Mỹ, chúng tôi luôn nghĩ về Công chúa Anne như nữ kỵ sĩ xinh đẹp tuyệt vời, được hình thành từ khuôn mẫu người mẹ uy nghiêm của bà”.
“Công chúa Anne rất xinh đẹp. Tôi nghĩ bà ấy hơi giống Barbara Steisand (ca sĩ kiêm diễn viên người Mỹ từng thắng giải Oscar, Emmy, Grammy và Quả Cầu Vàng)”.
“Công chúa Hoàng gia, Công chúa Anne, là phụ nữ mạnh mẽ xinh đẹp của Windsor”.
"Hạnh phúc và vinh quang. Chúc mừng sinh nhật Công chúa Hoàng gia. Đối với Công chúa Anne, lòng trung thành, sự phục vụ và danh dự không chỉ là lời nói".
Ảnh thời trẻ của Công chúa Anne tràn ngập Twitter. Người hâm mộ dành cho bà nhiều lời khen và chúc tụng. Ảnh: Twitter.
Công chúa Anne Elizabeth Alice Louise sinh ngày 15/8/1950 tại Clarence House (London, Anh). Vào thời điểm đó, bà đứng thứ ba trong danh sách thừa kế ngai vàng Vương quốc Anh, sau mẹ và anh trai Charles. Hiện tại, bà đứng thứ 17.
Trong những năm đầu đời, Anne được giáo dục tại nhà trong Cung điện Buckingham cho đến khi bà phá bỏ truyền thống dành cho các công chúa và theo học tại Trường Benenden ở Kent (Anh).
Anne chính thức ra mắt công chúng vào năm 1969 khi đủ 18 tuổi. Hành động đầu tiên của cô với tư cách thành viên hoàng gia đang làm việc là mở một trung tâm giáo dục và đào tạo ở Shropshire. Kể từ đó, công chúa thiết lập mối quan hệ với hơn 300 tổ chức và tổ chức từ thiện trên khắp Khối thịnh vượng chung, trở thành một trong những thành viên có lịch trình làm việc bận rộn nhất Hoàng gia.
Năm 1970, bà trở thành chủ tịch của Save the Children UK - tổ chức từ thiện lớn đầu tiên mà bà có quan hệ thân thiết.
Năm 1990, 39 tuổi, Anne được tổng thống Kenneth Kaunda của Zambia đề cử giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp tại Save the Children.
“Cô ấy yêu mọi người. Cô ấy mở rộng tình yêu đó bằng cách giúp những đứa trẻ không có nơi nương tựa ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là tình yêu trong hành động”, ông Kaunda chia sẻ lúc bấy giờ.
Ngoài nhà hoạt động xã hội tích cực, Công chúa Anne còn là tay đua ngựa cừ khôi. Năm 1971, bà giành chức vô địch châu Âu giải cá nhân, đồng thời là thành viên trong đội chiến thắng và được trao danh hiệu Nhân vật thể thao của năm do BBC bình chọn.
Anne cũng trở thành thành viên đầu tiên của Hoàng gia Anh tham gia Olympic. Bà thi đấu đồng đội tại Thế vận hội Montreal năm 1976. Hiện tại, bà là chủ tịch Hiệp hội Olympic Anh và là thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế.
Công chúa Anne là tay đua ngựa cừ khôi. Ảnh: Twitter.
Tháng 6/1974, Công chúa Anne được Nữ hoàng Elizabeth phong tước hiệu Công chúa Hoàng gia. Đây là tước hiệu theo truyền thống dành cho con gái lớn của Quốc vương Anh và giữ trọn đời.
Cùng năm, bà được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Lực lượng Hải quân Nữ, sau này đổi thành Chỉ huy Trưởng Lực lượng Nữ trong Hải quân Hoàng gia. Dù không tham gia quân đội, bà cũng giữ nhiều danh hiệu quân sự khác trên khắp Khối thịnh vượng chung, kể từ năm 2012 giữ cấp bậc Đô đốc.
Công chúa Anne trải qua hai cuộc hôn nhân với Đại úy Mark Phillips (1973 – 1992) và Đô đốc Timothy Laurence (1992 – nay). Bà có 2 con với chồng đầu và 5 cháu.
Cuộc thăm dò năm 2023 của YouGov cho thấy Anne nằm trong top đầu thành viên nổi tiếng nhất Hoàng gia Anh, trên cả Công nương Kate.
Bà được đánh giá là bản sao của mẹ, cố Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh:
Công chúa Anne nổi tiếng với sự tận tụy và lòng nhân ái. Ảnh: Twitter.
Bên cạnh đó, bà cũng có tuổi trẻ nổi loạn, thách thức truyền thống. Ảnh: Twitter.