Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực. Luật nghiêm cấm việc "Điều khiển phương tiện giao thông, mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", đồng thời có chế tài phạt rất nghiêm khắc.
Theo thông số từ Ủy ban ATGT quốc gia (tính từ ngày 1/1-5/1), lực lượng chức năng đã xử phạt 1.518 người lái ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100. Trong số những lái xe vi phạm bị xử lý, có nhiều người bị phạt với số tiền rất cao, ở mức 30-35 triệu đồng. Một số địa phương có kết quả xử lý cao là Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội, TPHCM, Nghệ An…
Xung quanh các trường hợp vi phạm cùng mức phạt theo nghị định 100 thì tình trạng quán nhậu ở một số thành phố lớn cũng trở thành vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, tranh luận.
Từ tối ngày hôm qua (7/1), bức ảnh chụp quán nhậu ở Hà Nội trước và sau khi nghị định 100 áp dụng được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Trước ngày 1/1/2020, quán nhậu này tấp nập khách tới ăn nhậu, nhưng sau ngày 1/1, thì số lượng nhân viên còn nhiều hơn khách hàng.
Bên cạnh đó, việc quán nhậu chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh cũng là điểm được người ta chỉ ra trong bức ảnh dưới đây.
Quán nhậu trước và sau khi nghị định 100 được áp dụng từ ngày 1/1/2020.
"Rất ủng hộ nghị định mới. Đã uống rượu bia thì không lái xe, đi uống thì cần có người khác đèo về hoặc sử dụng các phương tiện công cộng. Luật mới sẽ thay đổi thói quen dần dần của mỗi người, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng hơn", thành viên Thanh Hà bình luận.
"Nhiều người hết giờ làm là về nhà, không là cà quán xá rượu bia như trước đây nữa. Luật đang dần thay đổi thói quen sinh hoạt không lành mạnh của một số người. Đã uống rượu bia thì không tự cầm lái, vừa an toàn cho mình vừa an toàn cho người", thành viên Kiên Trần bình luận.
Các mức phạt lái xe có nồng độ cồn
Theo Nghị định 100/2019, các mức phạt dành cho các tài xế uống rượu, bia như sau:
Đối với người điều khiển xe đạp:
Phạt tiền 80.000-100.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 200.000-300.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Đối với xe máy:
Phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
Phạt tiền 4-5 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:
Phạt tiền 3-5 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Đối với ô tô:
Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.