Bức ảnh cá mập yêu tinh qua mặt các nhà khoa học: Chỉ 10 người từng nhìn thấy, sự thật không ngờ

Minh Hằng |

Từng được dùng để làm bằng chứng khoa học, nhưng hóa ra bức ảnh chụp cá mập yêu tinh lại có nguồn gốc không ngờ.

Bức ảnh về cá mập yêu tinh từng được đăng trên mạng hóa ra chỉ là… đồ chơi hình cá mập.

Bức ảnh cá mập yêu tinh qua mặt các nhà khoa học: Chỉ 10 người từng nhìn thấy, sự thật không ngờ - Ảnh 1.

Bức ảnh con cá mập yêu tinh từng được đăng tải trên một tạp chí khoa học vào tháng 5/2022. Bức ảnh này đã gây nhiều tranh cãi và nghi vấn. Ảnh: Giannis Papadakis

Trước đó, vào tháng 5/2022, một nghiên cứu về ảnh chụp mẫu vật của con cá mập yêu tinh trưởng thành đã chết dạt vào một bãi biển ở Hy Lạp, đã được công bố trên tạp chí khoa học Mediterranean Marine Science. Ngay sau khi công bố, nghiên cứu này đã gây xôn xao dư luận, bởi đây là lần đầu tiên cá mập yêu tinh được phát hiện tại vùng biển Địa Trung Hải.

Các nhà khoa học cho biết rằng, họ nhận được bức ảnh này từ một người dân. Không ai trong số họ tận mắt nhìn thấy hoặc kiểm tra xác của con cá mập yêu tinh đã chết.

Nhưng, theo Gizmodo, thông qua điều tra và phỏng vấn các chuyên gia trong ngành, bức ảnh này có thể chỉ là một trò lừa đảo. Nhiều người cho rằng bức ảnh thực chất chụp đồ chơi hình cá mập. Nếu nghi ngờ này là chính xác thì đây sẽ trở thành một câu chuyện cảnh báo trong lịch sử khoa học cộng đồng, vì nó có khả năng làm giả tinh vi, thậm chí còn đánh lừa được các chuyên gia trong ngành.

Cá mập yêu tinh có thực sự tồn tại?

Bức ảnh cá mập yêu tinh qua mặt các nhà khoa học: Chỉ 10 người từng nhìn thấy, sự thật không ngờ - Ảnh 2.

Đầu của một con cá mập yêu tinh được trưng bày tại một bảo tàng tại Australia. Ảnh: Dianne Bray

Cá mập yêu tinh là một sinh vật hiếm và rất ít khi con người bắt gặp chúng ở trong môi trường tự nhiên. Không có nhiều thông tin về quá trình sinh sản hoặc thói quen của loài cá này, bởi phần lớn chúng dành cuộc đời mình ở độ sâu hàng nghìn mét dưới bề mặt đại dương. Đó là nơi ánh sáng khan hiếm và có áp suất đủ mạnh để làm gãy xương người.

Trên thực tế, cá mập yêu tinh được tìm thấy tại các vùng khác nhau của Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, trước nghiên cứu trên, chưa có ai từng công bố bằng chứng khoa học nào cho thấy cá mập yêu tinh sống tại vùng biển Địa Trung Hải.

Hơn nữa, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), trong thập kỷ trước, chỉ có khoảng 10 người từng nhìn thấy cá mập yêu tinh.

Sau khi tiến hành nghiên cứu về ảnh chụp mẫu vật cá mập yêu tinh được công bố trên tạp chí Mediterranean Marine Science, vào tháng 11/2022, một nhóm các nhà khoa học đã nghi ngờ về tính chính xác của kết luận.

Khi đào sâu phân tích về bức ảnh này, các nhà khoa học lại càng nghi ngờ về độ xác thực của nó. Thậm chí, các nhà khoa học còn liệt kê ra 10 lý do khiến họ hoài nghi về cá mập yêu tinh trong bức ảnh, từ hình dáng bộ răng, những vết cắn xuất hiện ở trên mẫu vật, cho đến số lượng mang và hình dạng vây không hợp lý, cùng các thông tin sơ sài trong nghiên cứu được công bố.

Đến tháng 1/2023, các tác giả của nghiên cứu này đã công bố một bài viết khác nhằm tăng tính xác thực của mẫu vật, đồng thời phản bác lại những ý kiến khác,

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cá mập độc lập Jürgen Pollerspöck cho biết: "Theo ý kiến của tôi, đó chỉ là mẫu cá mập giả".

Vị chuyên gia này chia sẻ thêm rằng, ngay từ cái nhìn đầu tiên, ông đã nhận ra sự kỳ lạ của con cá mập này. Bởi những động vật khi bị mắc cạn thường có vết thương hoặc dấu hiệu phân hủy. Nhưng con cá ở trong ảnh thì không như vậy

Ông Jürgen Pollerspöck cũng chỉ ra rằng, trong bài báo gốc mô tả mộ mẫu vật cá mập yêu tinh chưa trưởng thành với chiều dài khoảng 80 cm.

Tuy nhiên, trong bài viết phản bác vào tháng 1/2023, các nhà nghiên cứu lại nói rằng người dân phát hiện ra mẫu vật và ước tính tổng chiều dài của nó từ 17 – 20 cm. Họ cho rằng mẫu vật này có thể chỉ là cá mập con. Theo quan điểm của ông Pollerspöck, 20 cm là quá nhỏ và đây không thể là chiều dài của một con cá mập yêu tinh dù nó chưa trưởng thành hay đã lớn.

Sự thật về cá mập yêu tinh trong bức ảnh nổi tiếng

Bên cạnh cuộc thảo luận giữa các nhà khoa học, trên mạng xã hội cũng bùng nổ nhiều bàn luận xoay quanh con cá mập yêu tinh trong bức ảnh đáng ngờ trên. Cụ thể, nhà sinh vật học David Shiffman đã đăng tới 2 bài viết dài ở trên trang Twitter cá nhân.

Đặc biệt, trong một bài viết, vị chuyên gia này đã đính kèm một đường dẫn đến trang eBay bán đồ chơi hình cá mập yêu tinh có vẻ rất giống với bức ảnh.

Đồng quan điểm với David Shiffman, nhà sinh vật học Andrew Thaler cũng bày tỏ trên trang Twitter cá nhân: "Bí ẩn đã đến hồi kết. Hóa ra nó chỉ là một đồ chơi hình cá mập".

Nhiều cư dân mạng yêu thích cá mập cũng đã bình luận ở ngay bên dưới bài viết của nhà sinh vật học Shiffman. Họ nói rằng tấm ảnh chụp con cá mập này trông rất giống cá đồ chơi.

Bức ảnh cá mập yêu tinh qua mặt các nhà khoa học: Chỉ 10 người từng nhìn thấy, sự thật không ngờ - Ảnh 4.

Ông Matthew McDavitt cho rằng bức ảnh gốc (trên) nhìn rất giả, trông giống cá mập đồ chơi (dưới). Con cá trong ảnh không giống với các đặc điểm của loài cá mập yêu tinh. Ảnh: Matthew McDavitt

Ông Matthew McDavitt, luật sư thương mại đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu độc lập về cá mập, đã tiến hành tổng hợp lại tất cả hình ảnh so sánh mẫu vật cá mập yêu tinh đăng trên tạp chí khoa học và hình ảnh ở trên eBay.

Ông McDavitt chia sẻ: "Bức ảnh gốc nhìn rất giả". Bởi phần mỏ, miệng và đuôi cá không giống với những kiến thức mà ông biết về loài cá mập yêu tinh. Ngoài ra, ông McDavitt cũng đồng quan điểm với nghi ngờ của ông Pollerspöck về kích thước của con cá này.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện một bức ảnh giả và nó được sử dụng để làm bằng chứng trong những nghiên cứu khoa học về cá. Thực tế từng có một bức ảnh chụp cá vẩu châu Phi (wedgefish), loài cá quý hiếm xuất hiện tại biển đảo São Tomé, nơi loài cá này chưa từng được nhìn thấy trước đó. Hóa ra bức ảnh này bị bị phát hiện là thiếu chính xác. Con cá ở trong ảnh thực chất là một loài cá khác thuộc họ cá vẩu. Nó được chụp tại một công viên thủy sinh ở Bồ Đào Nha.

Theo ông McDavitt, những sai lầm như trên sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến các nhà nghiên cứu. Minh chứng là bức ảnh cá vẩu thiếu xác thực trên đã dẫn tới một cuộc thám hiểm ở đảo São Tomé để tìm ra những con cá khác thuộc giống cá quý hiếm này. Thế nhưng rõ ràng kết quả đã khiến họ thất vọng.

Bài viết tham khảo nguồn: Gizmodo, Thedailybeast

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại