Căng thẳng giữa Washington và Tehran đã leo thang mạnh mẽ trong tuần qua, sau khi Mỹ tuyên bố triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông và cảnh báo Washington sẽ đáp trả Iran bằng “lực lượng không khoan nhượng” nếu quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này đe dọa tới các lợi ích của Mỹ.
Chưa hết, thứ 6 vừa qua, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ sẽ tăng cường cho Bộ chỉ huy Trung Đông các tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot, một tàu đổ bộ tấn công chở đầy lính thủy đánh bộ và một tàu dock đổ bộ để hỗ trợ cho nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln, cùng các máy bay ném bom chiến lược B-52 vừa được triển khai gần đây.
Máy bay ném bom B-52 Mỹ được điều tới căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar. Ảnh: AP
Về phần mình, Iran đã gạt bỏ cả 2 lời đe dọa của Washington và lời đề nghị đàm phán mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra. Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố, Mỹ đã nhầm khi tưởng rằng họ có thể buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán thông qua những lời đe dọa và các biện pháp trừng phạt.
Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết, động tái tăng cường lực lượng là cách Washington đáp trả lại các hành động của Iran. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng, đợt triển khai tàu sân bay lần này là “bước tái bố trí một cách thận trọng các hệ thống chiến đấu, nhằm đối phó với dấu hiệu của một mối đe dọa đã được kiểm chứng từ phía các lực lượng Iran”.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho hay, động thái này là phản ứng của Washington trước “một loạt các dấu hiệu leo thang và cảnh báo”, nhằm gửi đi một thông điệp “rõ ràng và không thể nhầm lẫn” tới Tehran rằng, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào lợi ích của Mỹ hoặc đồng minh của Washington sẽ gặp phải sự đáp trả quyết liệt.
Tuy nhiên, xét tới mạng lưới căn cứ rộng lớn của Mỹ đang bủa vây Iran từ tứ phía thì một câu hỏi được đặt ra là: “Mục đích thực sự của Mỹ là gì trong bối cảnh leo thang hiện nay?”, bởi trên thực tế, nếu không tiến hành các đợt triển khai mới này, Mỹ cũng đã có hàng nghìn binh lính vây quanh nước Cộng hòa Hồi giáo.
Theo ước tính, Mỹ có tới 40 căn cứ vây quanh Iran.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Hạm đội 5 của Mỹ - đơn vị đặc trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi, có ít nhất 7.000 lính tại căn cứ thường trực ở Bahrain.
Tại Kuwait, Bộ Tư lệnh miền Trung của Mỹ có bộ chỉ huy tiền phương, với 13.000 lính đóng quân tại đây.
Căn cứ không quân Al Dhafra tại UAE là nơi đóng quân của 5.000 quân nhân Mỹ, trong khi căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar chứa tới 10.000 lính Mỹ.
Ngoài các căn cứ này, Mỹ còn triển khai lực lượng đặc nhiệm ở Yemen, điều hàng nghìn quân tới Iraq, Afghanistan và Pakistan, mặc dù một số chính trị gia ở Baghdad gần đây đã đe dọa “đuổi cổ” khoảng 5.200 lính Mỹ đang đóng tại quốc gia của họ.
Đó là chưa kể Mỹ được phép tiếp cận một loạt các “địa điểm an ninh hợp tác” với quy mô nhỏ hơn (trong đó họ được phép triển khai 200 binh sĩ trở xuống) và được sử dụng sân bay, cũng như cầu cảng ở một số quốc gia như Oman, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Hôm qua, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht Ravanchi đã bác bỏ những cáo buộc của Mỹ cho rằng Tehran đang tạo ra mối đe dọa đối với các lực lượng Mỹ tại Trung Đông, đồng thời chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump đã sử dụng “tin tình báo giả”.
Theo ông Ravanchi, xét tới sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại các nước láng giềng của Iran thì phía cần lên tiếng phàn nàn về “các mối đe dọa hiện hữu” và “các dấu hiệu leo thang” phải là giới lãnh đạo Iran mới đúng.