Từ Hi Thái hậu nổi tiếng là một vị thái hậu đầy quyền lực và ưa chuộng lối sống xa hoa. Bữa tiệc Tết xuân Canh Tý (1874) của bà là một trong những minh chứng rõ ràng nhất. Theo Thanh cung khởi cư chú (Ghi chép về cuộc sống trong cung nhà Thanh) ghi lại, những chi tiết trong bữa đại tiệc đã khiến hậu thế phải rùng mình. Nó đã thể hiện sự giàu có, xa xỉ tột bậc của vương triều nhà Thanh thời bấy giờ.
Bữa tiệc Tết 7 ngày 7 đêm lịch sử
Bữa tiệc Tết xuân Canh Tý năm 1874 là bữa đại tiệc mời các sứ thần phương Tây để giải quyết các vấn đề ngoại giao của Từ Hi Thái hậu, vì vậy mà được tổ chức lớn hơn mọi năm. Danh sách khách mời gồm khoảng 400 người, bao gồm cả các quan lại lẫn các sứ thần.
Đại yến tiệc được bắt đầu đúng vào 12 giờ đêm giao thừa, và kéo dài liên tục đến hết ngày mùng 7 Tết mới kết thúc. Chi phí cho bữa tiệc khoảng gần 400 ngàn lượng vàng, tương đương 6 triệu nhân dân tệ trong thời hiện đại (khoảng 21 tỷ VNĐ).
Từ Hi Thái hậu - người phụ nữ sống xa hoa đến mức hậu thế phải rùng mình
Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, chưa có yến tiệc nào được ghi nhận mà linh đình, trọng thể đến vậy. Đại tiệc Tết Canh Tý đã được chuẩn bị từ... Tết năm trước, mất hơn 11 tháng lên kế hoạch và chuẩn bị. Tổng cộng bữa ăn lịch sử này có 1750 người phục dịch.
Đêm 30 Tết, tất cả các khách mời tề tựu về Duy An Cung để dùng bữa cùng Từ Hi. Không chỉ long trọng trong các món ăn hay cách phục vụ, tiệc cũng có ca múa nhạc liên tục để góp vui.
Mỗi ngày, nhà bếp dọn lên phục vụ 400 quan khách 20 món ăn khác nhau, tổng cộng 7 ngày là 140 món. Cứ mỗi lần dùng một món mới là Thái Hậu lại gõ ngọc khánh, một viên nội giám lại vòng tay xướng tên món ăn. Cứ ăn hết một món, nhạc lại tấu lên một bản. Tất nhiên, việc ăn quá nhiều sơn hào hải vị cũng chẳng phải dễ dàng. Thế nên sau khi dùng xong đúng 5 món, thực khách lại được uống một chén rượu thuốc nước có tác dụng tiêu thực để lấy sức ăn tiếp.
Tranh vẽ một buổi yến tiệc trong cung đình nhà Thanh xưa
Thực đơn 7 món đặc biệt của Thái hậu
Ngay từ tháng 2 năm 1873, hoàng cung đã lệnh cho mỗi tỉnh Trung Quốc phải cử 10 đầu bếp xuất sắc nhất về kinh đô hội ý thảo thực đơn. Sau gần hai tháng, các đầu bếp mới thống nhất một thực đơn gồm 140 món, trong đó có 7 món cực kỳ đặc biệt dành cho 7 ngày Tết. Những món ăn nổi tiếng nhất mà không ai dám tưởng tượng ra phải kể đến các món sau:
Sâm thử (Chuột sâm)
Đúng như tên gọi của nó, đây là món thịt chuột, nhưng là chuột nuôi bằng sâm. Những con chuột mới sinh ra sẽ được đem nuôi trong lồng kính, ngày ngày cho ăn toàn sâm thượng hạng, uống nước suối. Nhưng người ta vẫn chưa lấy những con chuột này ăn thịt. Sau khi chúng lớn, những con chuột sâm lại được phối giống với nhau sinh ra lớp chuột mới. Tiếp tục nuôi như vậy, đến đời chuột thứ 3 mới được làm thịt, mới đủ tiêu chuẩn "thập toàn đại bổ".
Chưa hết, một chi tiết nữa còn khiến hậu thế giật mình hơn là chuột sâm được phục vụ sống, tức không chế biến vì người ta tin như vậy mới hấp thụ được hết tinh hoa trong nó.
Tiệc Tết Canh Tý là yến tiệc độc nhất vô nhị cả về độ xa xỉ và thực đơn
Não Hầu (Óc khỉ)
Những con khỉ bị chọn để làm thức ăn cho Từ Hi Thái hậu cùng 400 khách quý đương nhiên không phải khỉ bình thường. Chúng đều là khỉ sống ở vùng Thiên Hoa Sơn thuộc tỉnh Sơn Ðông, trong một rừng lê gọi là ngọc căn lê. Trái lê ở đây nổi tiếng ngon nhất cả nước, trị được bách bệnh. Lũ khỉ ăn ngọc căn lê nên thịt rất thơm ngon lại bổ dưỡng.
Để bắt được những con khỉ này không dễ vì số lượng ít. Từ Hi đã treo thưởng 110 lượng vàng cho các thợ săn khi bắt được một con khỉ trong rừng Thiên Hoa Sơn. Tương tự như Sâm thử, món này cũng phục vụ sống. Các sứ giả nước ngoài đã phải kinh hồn bạt vía khi tự múc óc khỉ từ những chú khỉ đang thoi thóp trong hộp gỗ.
Sơn Dương Trùng (Dòi dê núi)
Thái Hậu đã xuống chiếu lệnh cho các thợ săn chuyên nghiệp tỉnh Hồ Bắc vào rừng mang về cho được một cặp sơn dương lớn đặc biệt. Sau một tháng, đoàn thợ săn mới thành công bắt được 3 cặp dê rừng đủ tiêu chuẩn. Sau đó chúng được nuôi trong một khu vườn đầy cỏ hảo hạng.
Cỏ nuôi dê được vận chuyển từ Vân Nam và Quảng Tây, có dược chất bổ dưỡng, được gọi mỹ miều là cỏ "đông trùng hạ thảo". Đợi những con dê sinh sản, người ta mới lấy các chú dê con ra để chế biến.
Sau khi bị giết mổ và làm sạch, quá trình chế biến dê con diễn ra trong 10 ngày. Ngày đầu tiên chúng bị ngâm trong rượu và nước gừng, ngày thứ hai là trong sữa tươi và nước sâm nhung, ngày thứ ba thì lấy cuống hoa sen quỳ trắng nhập từ Hàn Quốc về cắm vào thịt dê.
Đến ngày thứ 10, những đóa hoa sen sẽ tự nhiên xuất hiện lúc nhúc những con dòi trắng nõn. Ðầu bếp lấy dòi ấy chế biến thành món sơn dương trùng. Nó được cho là trị được các bệnh hiểm nghèo nhất như bán thân bất toại, tê liệt và lao phổi.
Món dòi được thực hiện một cách kỳ công quá mức hình dung (Ảnh minh họa)
Nguồn: Sohu