Bữa cơm dáo dác nấu vội cho con tật nguyền giữa vùng sạt lở

Thành Trung |

"Sáng hôm ấy, thấy bộ đội, công an, dân phòng giục quá, họ giục phải rời đi ngay, nhưng thương 2 đứa con gái tật nguyền, tôi vẫn phải nấu vội bữa cơm trưa cho chúng nó ăn rồi 3 bố con mới dìu nhau rời đi".

Bữa cơm nấu vội

Hai con gái của ông Nguyễn Sơn Hà, 56 tuổi, trú tại xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đều bị tật nguyền, cô nhỏ mới 18, cô lớn đã 28 tuổi. Cả 2 cô con gái của ông ngày ngày chỉ nằm đó, đôi mắt vô tư, nụ cười ngô nghê luôn trên môi như những đứa trẻ 3 tuổi.

Bữa cơm dáo dác nấu vội cho con tật nguyền giữa vùng sạt lở - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sơn Hà sống cùng 2 con gái tật nguyền tại xóm Máy Giấy đã 16 năm

Ngày thường, 11h ông Hà mới bắc bếp thổi cơm trưa cho 2 con, nhưng sáng 1.8, công an, bộ đội, dân phòng và lãnh đạo chính quyền địa phương về giục quá, họ giục phải rời đi ngay không nhà sạt cuốn cả người xuống sông.

Thương con, ông Hà vẫn bắc bếp thổi cơm, cơm chín, bón vội cho 2 con ăn rồi 3 bố con mới dìu nhau rời nhà ra đi.

Đợt này, gia đình ông Hà cùng 7 hộ dân khác của xóm Máy Giấy phải di dời do sạt lở đất nghiêm trọng, những ngôi nhà ven sông của các hộ gia đình này có nguy cơ bị trượt xuống lòng sông Đà khiến chính quyền phải yêu cầu di dời khẩn cấp tới nơi an toàn.

Đường vào xóm cũng đã bị cấm. Tất cả rời đi trong hoang mang không biết ngày mai, tương lai của mình sẽ như thế nào.

“Thương con lắm, nhà chỉ có 3 bố con, 2 đứa nó thì bị bệnh từ nhỏ, cứ nằm đấy, một mình tôi chăm lo, em trai với mẹ chúng phải đi làm xa không có nhà, chỉ có 3 bố con ở với nhau", ông Hà tư lự.

Chưa biết tương lai ra sao

Ông Hà vốn là giai phố, sinh ra ở khu Lương Yên, Hà Nội. Sau nhiều năm mặc áo lính, giải ngũ ông tìm về xóm Máy Giấy mua đất định cư theo lời một người bạn.

Vợ với con trai về Hà Nội kiếm sống, chỉ còn lại 3 bố con bên nhau sống trong ngôi nhà nhỏ rìa sông Đà.

Ngày ngày, ông Hà đạp xe đi lấy nước rác ở các quán ăn cách nhà 7km về cho lợn ăn, ông nuôi thêm đàn chó, trồng mấy cây cau, ít chuối trong mảnh vườn cạnh sông.

Bữa cơm dáo dác nấu vội cho con tật nguyền giữa vùng sạt lở - Ảnh 3.

Sạt lở đất nghiêm trọng ở xã Dân Hạ khiến chính quyền phải di dời khẩn cấp nhiều hộ dân

Con gái lớn Nguyễn Phương Thúy của ông, năm nay đã 28 tuổi. Thúy bị hội chứng đao bẩm sinh, không biết nói, chỉ cười ngô nghê. Mỗi tháng Thúy được nhận trợ cấp 540 nghìn.

Cô con gái út Nguyễn Thu Hường vốn sinh ra bình thường, sau một cơn sốt cao năm 4 tuổi bị biến chứng giờ cũng chỉ nằm đó, mỗi tháng Hường được trợ cấp 405 nghìn.

Riêng ông Hà, mỗi tháng cũng được 270 nghìn tiền trợ cấp chăm sóc 2 con.

Đợt sạt lở này khiến nhà cửa, chuồng trại, vườn tược của ông Hà sắp trôi hết xuống sông. Chính quyền đã khảo sát khu tổ chức tái định cư cho các hộ dân bị sạt lở, nhưng chưa biết khi nào hoàn thành.

"Nhà không còn, tài sản cũng chẳng có gì, hai con thì tật nguyền, giờ tôi không biết đi đâu, làm sao ở nhờ mãi nhà người ta được", ông Hà băn khoăn.

Xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình bị sạt lở đất nghiêm trọng, nhiều vết nứt lớn xuất hiện, khiến 8 ngôi nhà ở đây có nguy cơ bị cuốn tuột xuống lòng sông Đà.

Bữa cơm dáo dác nấu vội cho con tật nguyền giữa vùng sạt lở - Ảnh 5.

Xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn - một trong những nơi xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng nhất của tỉnh Hòa Bình

Chính quyền địa phương đã cho di dời khẩn cấp 8 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, 20 hộ dân khác cũng có nguy cơ phải di dời.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do khu vực này nằm trên cung trượt tự nhiên rất lớn, kèm theo mưa lớn kéo dài làm đất bị bở, có nguy cơ sạt lở xuống lòng sông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại