Bữa cơm 2000 đồng bên cổng viện: Nơi người với người sống để thương nhau
Uể oải ngồi dậy sau một ngày điều trị với đủ thứ thuốc vào người, Tuấn ngước nhìn đồng hồ chỉ 4h chiều. Gương mặt anh giãn ra và thư thái hẳn. Tuấn í ới các bác trong phòng, mọi người tụ lại một chỗ rồi chuẩn bị sang bên đường đối diện cổng viện K3 Tân Triều, để nhận bữa cơm nóng hổi từ quán ăn từ thiện 2.000 đồng.
Những mảnh đời quây quần trong bữa cơm
Ngô Văn Tuấn (37 tuổi, quê ở Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đang điều trị u não ở Bệnh viện K Tân Triều được nửa năm. Gia đình kinh tế khó khăn, 3 năm nay, vợ Tuấn chăm con nhỏ chưa thể đi làm được, mà Tuấn thì bị bệnh nên gia đình phải đi vay từ tiền ăn đến tiền chữa trị.
Tuấn bảo, một mình lên đây điều trị, thi thoảng mới được về nhà thăm vợ và 3 đứa con của mình. Có lần con nhắn tin nhớ bố, anh không kìm nén, nước mắt cứ thi nhau trào ra.
Những ngày điều trị, hóa chất vào người nhiều nên cơ thể rã rời, Tuấn cứ ăn vào là lại nôn ra. Anh tự nhủ cố ăn để có sức, nhưng cơm cổng viện không hợp khẩu vị lắm. Rồi có người trong phòng bảo: "Bên đường có quán cơm từ thiện mới khai trương, ngon lắm!", anh chậc lưỡi, thử qua đó xem thế nào. Ấy thế mà từ hôm quán mở đến giờ, ngày nào anh cũng xơi hết một suất đầy đủ.
"Từ ngày quán cơm 2.000 đồng mở, em ăn được nhiều, ngày nào em cũng ăn ở đây, anh chị cũng tiếp đón rất nồng hậu. Ăn cơm đầy đủ, thức ăn thì nấu như ở nhà, rất ngon. Đến đây ăn cơm cảm thấy ấm áp và tình cảm như kiểu một gia đình lớn. Sau này khỏe lại, em sẽ phụ giúp mọi người."
Ở quán cơm Nụ cười Sinbi này, trung bình mỗi ngày đón tiếp từ 150 đến 180 người như Tuấn. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng điểm chung của họ là đều phải điều trị trong khu viện K3 Tân Triều này. Nhiều người nhà chăm bệnh có hoàn cảnh khó khăn cũng qua dùng cơm.
Họ chắt chiu từng đồng một. Có người tâm sự, đưa vợ lên điều trị, một ngày 2 người chia nhau 1 suất cơm vì tốn tiền quá. Họ cứ canh buổi trưa, buổi chiều đứng ngoài cổng viện rồi chờ xem có đoàn từ thiện nào thì xin, được cái gì ăn cái đó.
Ở quán cơm này chẳng ai xa lạ với Minh "đại ca", khuôn mặt lúc nào cũng trầm trầm ít nói lại còn có tí dữ dằn, ấy thế mà lại là một tình nguyện viên năng nổ và hoạt bát nhất quán.
Nói về mình, anh Minh bảo anh cũng là người nhà bệnh nhân, thường xuyên đưa vợ xuống viện để điều trị. Rồi cái duyên đến anh gặp được anh Hải đầu bếp của quán, thế là sau đó anh trở thành nhân sự cứng của quán luôn.
Ở quê, anh Minh làm nghề nấu cỗ và cho thuê rạp cưới, nên khi phụ bếp trên này anh làm nhoay nhoáy. Anh lại rất sạch, chỗ ngồi ăn mà có rác là anh nhặt ngay
Nhưng quan trọng nhất, "đại ca" là chiếc cầu nối tin cậy của quán với bà con bệnh nhân và người nhà. Đến giờ ăn, anh Minh vừa phục vụ vừa tám chuyện với mọi người: "Vợ tôi cũng vừa mổ, đang nằm trong viện", nghe là thấy tràn ngập uy tín rồi.
Có lẽ vui nhất trong những người đến với quán là bà Phạm Thị Trầm (Tiên Lãng, Hải Phòng). Gặp ai bà cũng khoe: "Cháu My chủ quán cơm này là đồng hương cùng xã với bà đấy!".
Bà phấn khởi lắm, nên cứ chiều đến, khi đã điều trị trong ngày xong, bà lại ra quán luôn. Có hôm bà ra từ 2h chiều để xem cần phụ giúp cái gì cho quán thì đỡ một chân một tay.
Mang bữa cơm thắp sáng hy vọng
Nguyễn Trà My - chủ quán Nụ cười Shinbi chia sẻ vì sao lại là cơm 2.000 đồng chứ không phải miễn phí. "Đó là để mọi người được quyền trả tiền, để bà con không có cảm giác là phải mắc nợ, không bị ái ngại".
My bảo có nhiều câu chuyện rất vui và ý nghĩa ở nơi đây. Có những hôm dùng xong bữa, một người trong nhóm bệnh nhân chìa ra 10.000, 20.000 đồng để trả tiền và dõng dạc: "Hôm nay tôi mời nhé", "hôm nay tôi bao nhé". My cảm thấy rất tâm trạng thoái mái của họ qua những hành động nhỏ đấy.
Khi mở quán cơm Nụ cười Shinbi, My được rất nhiều tình nguyện viên nhiệt tình đến hỗ trợ. Buổi sáng thì những người hàng xóm từ già đến trẻ thường đến sơ chế và nhặt rau. Buổi chiều thì có một số bạn tình nguyện viên ở những nơi khác thậm chí có những bạn rất xa đến giúp. Có những người từ ngày mở cho đến bây giờ không ngày nào vắng mặt.
Mỗi người góp chút ít, nhiều mạnh thường quân biết quán qua sự lan tỏa từ mạng xã hội, rồi qua bạn bè hay người thân. Cứ thế, quán có thêm nhiều sự ủng hộ. "Rất nhiều người đã ủng hộ vật phẩm, thực phẩm như là gạo, dầu ăn, mắm, muối, rau hàng ngày và ngoài ra có cả những người mà chưa bao giờ nói chuyện cũng gửi tiền quyên góp và chung tay với quán", My hạnh phúc khoe.
Để chuẩn bị những phần cơm chiều, các thành viên của quán đã phải sơ chế nguyên liệu từ sáng, nấu cơm từ trưa, dọn dẹp và bày biện bàn ghế từ đầu giờ chiều. Thực đơn mỗi ngày đều khác nhau và không có đổ thừa để đến ngày hôm sau. Tất cả các thực phẩm gạo, rau, thịt của quán thì đảm bảo an toàn và có thương hiệu, do các nhà hảo tâm ủng hộ
Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa – người tài trợ chính của quán cơm 2.000 đồng trầm tư: "Tôi rất hạnh phúc khi có những cô chú, anh chị đến đây hỗ trợ việc rửa rau, sắp đồ ăn, chế biến thực phẩm… Đấy cũng là một việc có ý nghĩa, yêu thương muốn chia sẻ tới mọi người.
Một đĩa cơm không đáng bao nhiêu tiền nhưng lan tỏa năng lượng tích cực đấy cho mọi người, tôi nhận lại tình yêu thương, những nụ cười trìu mến. Tôi cảm thấy cuộc đời đáng sống hơn, mình phải làm nhiều việc tốt hơn."
Đối với những bệnh nhân điều trị bệnh ung thư dài ngày, những suất cơm chỉ với giá 2.000 đồng thực sự đã giúp cho nhiều số phận nghèo khổ, bệnh tật có thêm chút sức lực để chống chọi, và có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống.
Trà My bảo, chính vì thế nên ở quán cơm Nụ cười này, từ thành viên đến tình nguyện viên ai ai cũng hạnh phúc với công việc mình đang làm. Họ hiểu rằng, sứ mệnh của họ lúc này là mang đến những bữa cơm ấm cúng cho những người không may mắn. Qua đó thắp sáng thêm hy vọng, hạnh phúc cho những người bệnh nơi đây.