'Bữa ăn khuya ở Syria'
Vâng, "bữa ăn khuya" được đề cập tới chính là các cuộc tập kích đêm rung chuyển Syria của Không quân Israel (IAF) và đôi lúc là của Không quân Mỹ (USAF).
Và bên cạnh tên lửa hành trình, thứ được tiêm kích Israel dùng thường xuyên là những trái bom liệng GBU-39 SBD (Small Diameter Bomb/Bom đường kính nhỏ) - nằm trong khoảng 1.000 trái bom được Mỹ bàn giao vào năm 2008 (rất có thể hiện tại số lượng còn cao hơn)..
Lịch sử của GBU-39 bắt đầu từ thập niên 1990 khi người Mỹ phát triển nó để trang bị cho các tiêm kích tàng hình F-22A và sau này là F-35 nhằm nâng cao năng lực tấn công đa mục tiêu của chúng.
GBU-39 bắt đầu được Tập đoàn Boeing sản xuất từ năm 2005 và được Không quân Mỹ (USAF) đưa vào trang bị năm 2006.
Nặng 129 kg, đường kính khoảng 190 mm, chiều dài gần 1,8 m, GBU-39 có thể mang đầu đạn chứa 16-93 kg thuốc nổ mạnh, tầm tấn công 72 km và có thể hoạt động tốt cả ngày lẫn đêm.
Bom có thể liệng xa tới 110 km nếu thả ở độ cao tối thiểu 10 km, một tầm bay có thể giảm tối đa rủi ro cho các tiêm kích tàng hình đắt tiền. Ngoài ra do đường kính bom nhỏ, các hệ thống phòng không của đối phương rất khó phát hiện và đánh chặn.
Quan trọng hơn, giá thành GBU-39 chỉ khoảng 40.000 USD (để so sánh Storm Shadows//SCALP-EG có giá 3,2 triệu USD).
Tính tới thời điểm hiện tại đã có 17.000 trái bom liệng loại này được sản xuất (bao gồm các biến thể GBU-39/B, GBU-39A/B (vỏ composite và chất nổ kim loại), GBU-39B/B (dẫn đường bằng laser) và gần như toàn bộ các máy bay quân sự Mỹ đều có thể mang và triển khai chúng.
Tuy nhiên GBU-39 không phải là không có nhược điểm.
Đầu tiên là bom liệng cần thế năng lớn, tức là phải được triển khai từ trên cao và từ máy bay có tốc độ lớn, ngoài ra do không có vỏ dày nặng và tốc độ chậm, bom khó tránh đỡ các cuộc đánh chặn của phòng không của đối phương.
Và 2 nhược điểm nói trên là lý do hãng SAAB (Thụy Điển) phối hợp với Boeing (Mỹ) để phát triển GLSDB (Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất) vào giữa những năm 2010.
GLSDB được cho là có tầm bắn lên tới 145 km và có mức giá được báo cáo là khoảng 100.000 USD mỗi quả. Khác biệt chính giữa GLSDB và GBU-39 là nó được bổ sung thêm 1 động cơ được lấy từ đạn phản lực M26.
Bản thân M26 là một trong các loại đạn dược của các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MRLS) khét tiếng M270 và M142 HIMARS - tuy nhiên do chứa đầu đạn chùm nên gần nửa triệu đạn phản lực có tầm bắn lên tới 45 km đã bị loại biên.
Nói chung GLSDB hoàn toàn tương thích với M270 và M142 HIMARS trong trang bị của các lực lượng vũ trang Ukraine.
Có thể phác thảo sơ bộ cách loại đạn này hoạt động như sau, động cơ phản lực đưa nó rời khỏi MRLS, tăng tốc và bay lên 1 độ cao nhất định trước khi tách khỏi phần còn lại của đạn - GBU-39, thứ sẽ liệng tới mục tiêu được định trước.
Trình làng ở Ukraine?
Để trả lời câu hỏi của nhiều người về việc GLSDB xuất hiện ở Ukraine vào thời điểm nào, hiệu quả ra sao, trang tin Topwar.ru đã đăng tải những dòng sau đây của cây viết Ryabov Kirill:
"GLSDB lần đầu tiên được nhắc đến trong bối cảnh "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine là vào cuối tháng 11/2022 khi Reuters đưa tin Boeing đề nghị Lầu Năm Góc chuyển giao loại vũ khí này cho Kiev...
Tuy nhiên vào thời điểm đó Boeing còn chưa sản xuất nối tiếp GLSDB ,và để làm được điều này, họ cần có đơn hàng. Nếu mọi sự suôn sẻ thì lô đạn đầu tiên có thể đã đến Ukraine vào mùa xuân năm 2023.
Đến đầu tháng 2/2023, dấu hiệu đề xuất của Boeing đã được Lầu Năm Góc thông qua có thể được nhận ra thông qua việc họ phê duyệt một gói hỗ trợ quân sự khác cho Ukraine trong đó miêu tả một loại đạn tầm xa hoàn toàn mới cho M142 HIMARS.
Đồng thời truyền thông Phương Tây được "rò rỉ" rằng Boeing mới chỉ đang thiết lập hoạt động sản xuất GLSDB và lô đạn dược đầu tiên sẽ không thể đến Ukraine vào mùa xuân năm đó - và kế hoạch mới là vào mùa thu.
Vào tháng 10-11/2023, truyền thông Mỹ đưa tin kế hoạch có thể sẽ phải lùi lại "không sớm hơn tháng 12", sau đó họ lại tiếp tục đưa tin về "các cuộc thử nghiệm bổ sung" để kế hoạch cuối cùng là vào tháng 1/2024.
Cuối cùng, vào ngày 27/1/2024, Politico đưa tin mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất và lô GLSDB đầu tiên được cho là sẽ được người Ukraine sử dụng vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga lại cung cấp một thông tin hơi khác. Hóa ra vào cùng thời điểm người Mỹ đưa ra quyết định về GLSDB cho Ukraine, một số vũ khí loại này đã bị đánh chặn ở tiền tuyến.
Tiếp theo là các báo cáo về các vụ đánh chặn GLSDB vào ngày 10/4 và đỉnh điểm là báo cáo về 4 vũ khí bị đánh chặn chỉ trong 1 ngày 17/10/2023...
Video các mảnh vỡ của GBU-39 (thành phần chính của GLSBD) được phía Nga phát hiện gần đây.
Hóa ra rất có thể vào tháng 2 hoặc 3/2023, người Mỹ đã chuyển một lượng đạn GLSDB nhất định cho Kiev, nhưng đây chỉ là những nguyên mẫu thử nghiệm chứ không phải sản phẩm nối tiếp.
Có vẻ chúng đã được sử dụng cực kỳ hạn chế và không máy thành công - nhưng dù sao chúng cũng đã giúp nhà sản xuất Boeing thu thập được các thông tin có giá trị trước khi sản xuất nối tiếp.
Và nhiều khả năng các đơn vị M270 và M142 HIMARS của Ukraine giờ đây đã có thể sử dụng GLSDB một cách tích cực và thường xuyên hơn".
Chuyên gia Nga chỉ nhún vai?
Ở phần cuối của bài viết được Topwar.ru đăng tải, vị chuyên gia Nga nhấn mạnh:
"Có thể thấy quá trình chuẩn bị cung cấp GLSDB của Mỹ cho Ukraine khá dài và mất nhiều thời gian hơn dự kiến - khoảng 14 tháng - và Kiev chưa bao giờ phải chờ đợi lâu đến thế.
Các sự kiện tiếp theo xung quanh GLSDB có thể dự đoán được. Người Ukraine sẽ cố gắng sử dụng nhưng phòng không Nga sẽ lại đánh chặn chúng.
Một số sẽ có thể đánh trúng mục tiêu đã định, nhưng nhìn toàn cảnh - kết quả như vậy trông cực kỳ yếu ớt.
Quan trọng hơn, dự kiến người Ukraine sẽ chỉ nhận được số lượng hạn chế loại đạn dược mới này do ngân sách được lên kế hoạch nằm trong một gói viện trợ cũ.
Nói tóm lại, Kiev cuối cùng đã có thể có được loại vũ khí chính xác này nhưng với khối lượng hạn chế và sự không chắc chắn trong năng lực chiến đấu".
Một video tuyên truyền của phía Ukraine về vụ sử dụng GLSDB tại Kherson vào tháng 2/2024.