BS Wynn Trần từ Hoa Kỳ: Khám 100 bệnh nhân/ngày, BS Việt Nam kiệt sức không khác gì bên Mỹ

BS Wynn Tran |

Nhìn về Việt Nam, dựa vào các số liệu khám bệnh, tôi nghĩ các đồng nghiệp BS của mình cũng đang kiệt sức.

"Bác sĩ kiệt sức" đang là một căn bệnh mới

Một ngày cuối năm 2010, bác sĩ (BS) chuyên khoa phẫu thuật Gred Feldman - một ngôi sao đang lên của ngành phẫu thuật, vừa xong chương trình nội trú khắt khe từ BV nổi tiếng Stanford - đã tự kết liễu đời mình tại Chicago, Hoa Kỳ. Anh tự tử vì kiệt sức, mất cân bằng cuộc sống, và vì áp lực nặng nề của ngành phẫu thuật.

Ngay lập tức, trường Y khoa Stanford và các bệnh viện giảng dạy khác nhận ra các BS đang thực hiện chương trình nội trú đang làm việc quá sức. Các nghiên cứu về "BS kiệt sức" trong ngành BS nội trú và BS làm việc bên ngoài liên tục xuất bản. Kết quả làm mọi người sững sờ: 40% BS nội trú và BS đi làm đang kiệt sức.

Lý do các nghiên cứu cho thấy là khối lượng công việc, mệt mỏi do thiếu ngủ, mất cân đối trong cuộc sống là một số lý do chính khiến các BS kiệt sức.

Các BS nội trú thường phải làm việc 80 giờ/ tuần nên không còn thời gian để vui chơi, ngủ, tập thể dục, hoặc hoà mình với xã hội. Bên ngoài, các BS khi đi làm phải đối diện với hàng giờ làm thêm để hoàn tất giấy tờ cho các hãng bảo hiểm, phải ghi các bệnh án đầy đủ vì sợ kiện, hoặc phải liên tục đi học để cập nhật kiến thức giữ bằng hành nghề. Giờ đây, BS kiệt sức đang là một căn bệnh mới.

BS Wynn Trần từ Hoa Kỳ: Khám 100 bệnh nhân/ngày, BS Việt Nam kiệt sức không khác gì bên Mỹ - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Hệ luỵ khôn lường từ đại dịch mới của ngành Y

Khi BS kiệt sức, bệnh nhân là người bị ảnh hưởng đầu tiên vì chất lượng khám chữa bệnh giảm hẳn. Trong giới giảng dạy y khoa, một BS nội trú năm trên nếu chẳng may bị kiệt sức có thể làm thay đổi hoàn toàn kết quả chữa bệnh.

Bệnh nhân có thể bị nặng hơn do không được chữa đúng cách. Tiếp đó, các ảnh hưởng do BS kiệt sức sẽ tiếp tục lan ra đến toàn khoa và bệnh viện. Một nghiên cứu từ BS Stanford cho thấy chỉ riêng BS kiệt sức làm tốn 7.750.000 USD mỗi năm do phải tìm BS thay thế.

Nhận ra vấn đề nghiêm trọng này, các tổ chức y khoa như Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association), Hội đồng Kiểm định BS nội trú (ACGME), và các tổ chức y khoa cấp quốc gia khác đã vào cuộc tuyên chiến với căn bệnh BS kiệt sức.

Các chương trình BS nội trú lập ra các chương trình hỗ trợ nhằm cân bằng cuộc sống và tìm ra các stress của BS để giải toả. BV ĐH Stanford lập ra chương trình Balance in Life Program cho các BS phẫu thuật bằng các chuyến dã ngoại, thêm chỗ ngủ sạch sẽ, thêm thức ăn khuya, và thêm các nhóm hỗ trợ tâm lý xã hội.

Thỉnh thoảng các BS nội trú Stanford được tập lái thuyền buồm trên vịnh San Francisco để bớt stress. Các trường ĐH Y khoa lớn trên cả nước Mỹ đều có các chương trình hỗ trợ BS nội trú, sinh viên y khoa, BS giảng dạy.

Bên ngoài, các tổ chức xã hội bắt đầu liên kết với nhau để hỗ trợ các BS qua các chương trình tập huấn online, các nhóm hỗ trợ tâm lý, và các phương pháp đối phó với stress của nghề y tại chỗ làm. Các kết quả bước đầu cho thấy các BS đã bớt kiệt sức hơn, và bệnh nhân đã vui vẻ hơn.

BS Wynn Trần từ Hoa Kỳ: Khám 100 bệnh nhân/ngày, BS Việt Nam kiệt sức không khác gì bên Mỹ - Ảnh 2.

Mặc dù kết quả thực tế còn cần thêm thời gian để đánh giá nhưng việc các tổ chức chuyên khoa và xã hội tại Mỹ đã cùng các BS chia sẻ tình trạng "kiệt sức" khiến cho các BS không còn thấy cô độc nữa.

Nhìn về Việt Nam, dựa vào các số liệu khám bệnh, tôi nghĩ các đồng nghiệp BS của mình cũng đang kiệt sức.

Các BS Việt Nam phải khám 80-100 bệnh nhân mỗi ngày, họ có chế độ ăn uống hà khắc, cách chăm sóc sức khoẻ của bản thân các đồng nghiệp còn chưa ổn vì không có thời gian.

Các em sinh viên học y thì suốt ngày phải học và thi cử. Nếu làm số liệu thống kê thì chắc sẽ thấy kiệt sức không khác gì bên Mỹ.

Hy vọng các trường Y và tổ chức xã hội cùng nhau tiếp sức các BS Việt bớt kiệt sức.

Tài liệu tham khảo:

1. https://wire.ama-assn.org/life-career/stanford-physician-burnout-costs-least-775-million-year

2. https://www.ahrq.gov/news/blog/ahrqviews/physician-burnout.html

3. https://med.stanford.edu/gensurg/education/BIL.html

Y, Bác sĩ lo ngại bị hành hung tấn công bạo lực ở bệnh viện (Nguồn VTV1)

*Theo Wire, Ahrq, Med

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại