TP HCM đề xuất tiêm vắc xin cho trẻ 12-18 tuổi.
Theo tờ trình của Sở GDĐT TP HCM, Sở đã đề nghị UBND TP có kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho học sinh 12-18 tuổi với nguồn vắc xin phù hợp. Việc tiêm vắc xin cần tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1 để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ 2. Số lượng đề xuất tiêm vắc xin là hơn 642.000 học sinh.
Việc tiêm vắc xin nhằm đảm bảo tốt nhất công tác giáo dục toàn diện; đáp ứng mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình năm học; đặc biệt đối với học sinh khó khăn về cơ sở vật chất hoặc không có người thân hỗ trợ trong khi học tập trực tuyến.
Liên quan tới việc tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi, BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP HCM cho biết: "Với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp thì thành phố vẫn nên tập trung tiêm vắc xin cho tất cả các đối tượng nguy cơ mắc COVID-19 chuyển biến nặng như: người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai. Hiện nay, chưa vội tính đến việc tiêm vắc xin cho học sinh".
Nên tập trung tiêm cho đối tượng nguy cơ cao - Ảnh Việt Hùng.
Theo bác sĩ Khanh, vắc xin nên được tiêm cho càng nhiều cho đối tượng càng tốt, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay vắc xin chưa đủ độ phủ an toàn cho các đối tượng nguy cơ thì nên ưu tiên đối tượng nguy cơ.
Nếu trẻ em được tiêm vắc xin thì khi mắc bệnh tải lượng virus trong người thấp và ít có biểu hiện ra bên ngoài hoặc biểu hiện nhẹ, khó kịp thời phát hiện khi nhiễm bệnh. Do đó, nếu trẻ mắc bệnh sống chung với những người lớn tuổi, người có bệnh nền trong gia đình mà chưa được vắc xin bảo vệ đủ thì vô tình trở thành nguồn lây bệnh nguy hiểm cho đối tượng nguy cơ cao.
Bác sĩ Khanh đưa ra ý kiến đối với các đối tượng như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ đang mang thai không nhất thiết phải tới bệnh viện tiêm chủng vì sẽ phải di chuyển nhiều tăng nguy cơ lây nhiễm. Việc tổ chức tiêm có thể thực hiện ngay tại địa phương mình sinh sống và được theo dõi chặt chẽ các phản ứng sau tiêm.
"Về việc tiêm mũi 2 vắc xin cần phải tiêm thật nhiều cho những đối tượng nguy cơ, không nên cứng nhắc phải đến thời gian tối đa tiêm nhắc của loại vắc xin đó vì TP HCM đang là vùng dịch, việc tiêm mũi 2 phải được triển khai sớm nhất có thể", bác sĩ Khanh nói.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đến ngày 15/9. Theo kế hoạch, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ tiếp tục rà soát, vận động và lập danh sách người dân từ 18 tuổi chưa được tiêm mũi 1 để tổ chức tiêm bằng các loại vắc xin phù hợp; đồng thời tổ chức tiêm mũi 2 cho những người đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian theo khuyến cáo của từng loại vắc xin. Triển khai các hình thức tiêm lưu động để tăng khả năng tiếp cận vắc xin cho người dân không thể đến được các điểm tiêm cố định (xe tiêm lưu động, điểm tiêm riêng cho khu chung cư hoặc nhà trọ đông người, các tổ tiêm tại nhà, …).
HCDC cũng kêu gọi người dân, với tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, hãy theo dõi thông tin tổ chức tiêm chủng trên địa bàn quận, huyện, phường, xã và đồng ý tiêm ngay khi đến lượt.
Bên cạnh đó, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K, "ai ở đâu thì ở đó", tuân thủ nghiêm quy định cách ly tại nhà, dùng túi thuốc đúng cách khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Mỗi sự đóng góp và chung sức của người dân sẽ góp phần giúp Thành phố sớm vượt qua đại dịch COVID-19.