Tác dụng kinh hoàng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cho hay, bác sĩ thấy rất kỳ lạ vì sao người dân lại săn lùng hàng thuốc Tamiflu, thậm chí đặt mua cả hàng xách tay.
Trước tình trạng tìm mua và sử dụng thuốc Tamiflu tràn lan của người dân hiện nay sẽ rất nguy hiểm. Bác sĩ Khanh khuyến cáo: "Thuốc Tamiflu chỉ dùng cho những trường hợp mắc cúm virus rất nặng. Còn đối với những trường hợp mắc cúm thông thường thì không dùng loại thuốc trên.
Tại bệnh viện Nhi Đồng I mỗi ngày khám trên 6000 trẻ ngoại trú chưa một trẻ nào mắc cúm mùa được chỉ định dùng thuốc Tamiflu. Đối với trường hợp bệnh nhi điều trị nội trú cũng rất hiếm có trẻ cần phải dùng Tamiflu do cúm".
Lạm dụng dùng thuốc Tamiflu gây ra kháng thuốc và tác dụng phụ không mong muốn.
Trong y khoa có từ gọi là hội chứng giống cúm là bệnh do rất nhiều vi rút khác, trường hợp này không được dùng Tamiflu. Việc người dân tự ý đi tìm mua thuốc Tamiflu sẽ rất nguy hiểm nếu mua phải thuốc giả.
Đặc biệt, thuốc Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ nhỏ. Chỉ điều dưỡng, bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi. Phụ huynh tự mua, tự chia sẽ rất dễ quá liều và thiếu liều.
"Tamiflu dùng vô tội vạ như hiện ra sẽ gây kháng thuốc (khi mắc bệnh dùng thuốc để điều trị không còn tác dụng). Nguy hiểm hơn cả thuốc Tamiflu có thể gây ra tác dụng phụ ít người biết đến là tạo ra ý định tự sát. Đây là tác dụng phụ cực kỳ hiếm gặp, nhưng với việc dùng thuốc Tamiflu tràn lan như hiện nay tác dụng phụ này có thể xuất hiện không ai có thể nói trước được", bác sĩ Khanh nói.
Tamiflu đã từng dùng nhiều cách đây 10 năm
Theo bác sĩ Khanh cách đây 10 năm (2009), Việt Nam và các nước khác đã phải dùng thuốc Tamiflu nhiều do xuất hiện loại cúm mới bị gọi là "cúm lợn". Đây là một chủng cúm mới mọi người trên thế giới chưa có miễn dịch với nó.
Còn bệnh cúm đang lưu hành tại miền Bắc hiện nay không phải là cúm mới. Vì nếu là chủng cúm mới sẽ lây lan ra toàn quốc không chỉ có dịch tại miền Bắc.
"Nếu không phải là chủng cúm mới thì phải dùng đúng biện pháp điều trị từ xưa đến giờ nghĩa là không có dùng Tamiflu tràn lan.
Người dân cần lưu ý nhiễm virus cúm việc điều trị vẫn là giảm triệu chứng. Bên cạnh đó, người dân cần phải nghỉ ngơi uống đủ nước, giảm ho, giảm xổ mũi và hạ sốt khi cần. Người dân tuyệt đối không tự mua thuốc Tamiflu về dùng khi không có chỉ định", bác sĩ Khanh lưu ý.
Để chủ động phòng, chống cúm mùa, người dân nên thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng, chống cúm.
2. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
3. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (ví dụ thuốc Tamiflu) mà cần phải theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc.
6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.