BS tiết lộ 4 dấu hiệu "kinh điển" của ung thư vòm họng: Dù khoẻ mạnh biết vẫn không thừa

Lan Anh |

Ung thư vòm họng căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ chữa khỏi thấp nếu di căn sang giai đoạn cuối. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu nếu kịp thời phát hiện thì khả năng chữa khỏi sẽ rất cao

Bị ung thư nhưng nhầm với tiền đình

Anh Trần Vũ Huân - 31 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội tới bệnh viện kiểm tra vì đã hơn 1 tháng nay anh bị đau nửa đầu. Anh cũng từng đi khám, bác sĩ cho biết anh bị đau đầu vận mạch nên kê thuốc về nhà uống. Tuy nhiên tình trạng đau nửa đầu không dứt.

Anh Huân nghĩ có thể do stress nên anh thường xuyên bị đau đầu, một phần lý do cá nhân. Vợ chồng anh nghĩ chắc hết stress bệnh sẽ hết và những cơn đau đầu vẫn hành hạ. Anh Huân lại uống giảm đau. Hai tháng trời bệnh không đỡ nên anh đi kiểm tra.

Bác sĩ chụp cộng hưởng từ và nội soi tai mũi họng. Kết quả anh có khối u ở vòm mũi họng và sinh thiết đó là ung thư vòm mũi họng.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Nụ sinh năm 1981, Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng bị đau nửa đầu, mờ mắt. Thời gian đầu, chị Nụ nghĩ có thể là bị tiền đình nên chủ quan chỉ uống thuốc rối loạn tiền đình. Đến khi bệnh nặng, dấu hiệu mắt mờ nhìn khó và chảy máu cam chị mới đi khám bác sĩ.

Tại Bệnh viện 108, chị Nụ được chẩn đoán ung thư vòm mũi họng và đã tiến hành xạ trị 29 mũi. Đến nay, chị Nụ thấy sức khoẻ khá hơn, nhưng do tác dụng phụ của xạ trị việc ăn uống rất khó khăn. Chị Nụ đều ăn cơm nhão và mọi thứ phải xay nhừ. Chị Nụ vẫn thấy mình may mắn vì bệnh của chị vẫn ở giai đoạn điều trị ổn định.

BS tiết lộ 4 dấu hiệu kinh điển của ung thư vòm họng: Dù khoẻ mạnh biết vẫn không thừa - Ảnh 1.

Nội soi vòm mũi họng để phát hiện ung thư sớm nhất

Ung thư vòm họng là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam, bệnh thường gặp ở nam giới lứa tuổi 40 - 60. Nếu được phát hiện sớm bệnh có thể được điều trị khỏi bằng xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp với hóa trị.

Tuy nhiên do bệnh phát triển thầm lặng với triệu chứng không điển hình nên do đó thường được phát hiện chẩn đoán ở giai đoạn đã tiến triển.

4 dấu hiệu ung thư vòm họng cần nhớ

Theo Thạc sĩ, BS. Bùi Quang Biểu Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện TƯQĐ 108, các dấu hiệu của ung thư vòm họng có thể khó xác định trong giai đoạn đầu của bệnh do nhiều triệu chứng liên quan với các bệnh lý tai mũi họng thông thường, nên người bệnh và thầy thuốc dễ chủ quan và bỏ qua.

Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ một chút người bệnh có thể phân biệt được một đặc điểm chung của bệnh ung thư vòm họng là các dấu hiệu thường xuất hiện ở một bên và nặng dần theo thời gian, sử dụng điều trị thuốc vẫn không khỏi.

Sau đây là các dấu hiệu của ung thư vòm giai đoạn sớm:

- Đau đầu: thường đau nửa đầu âm ỉ, có lúc đau thành cơn, dễ nhầm với các bệnh lý thần kinh và mạch máu não.

- Ù tai: khi ung thư vòm họng xâm lấn gây tắc vòi nhĩ, người bệnh thường xuyên bị ù tai một bên, có cảm giác như tiếng ve kêu bên trong tai.

- Ngạt mũi: dấu hiệu này xuất hiện tăng dần, ban đầu người bệnh sẽ bị ngạt một bên mũi, ngạt từng lúc một và kèm theo triệu chứng xì mũi ra máu,chảy máu cam.

- Nổi hạch cổ: hay gặp nhất là hạch góc hàm, đặc điểm nổi bật là hạch nhỏ, chắc, không đau thường tình cờ phát hiện.

Khi có các dấu hiệu này, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ. Các bác sĩ sẽ tiến hành quan sát từ đầu tới cổ để kiểm tra xem có sự nổi lên bất thường của hạch hay không. Các vị trí quan trọng như cổ, cằm, vùng xương quai xanh… Sau đó tiến tới kiểm tra dưới xương lưỡi, vòm họng.

Để dự phòng ung thư vòm họng, bác sĩ Biểu cho biết mọi người cần duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh như không hút thuốc lá.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc không hút thuốc là có thể làm giảm được đáng kể nguy cơ gây lên ung thư vòm họng. Nếu như bạn có hút thuốc lá, lời khuyên tốt nhất là bỏ thuốc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sức khỏe.

Hạn chế sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có chứa cồn trong sinh hoạt hàng ngày.

Không nên ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như: thịt muối, dưa muối, cà muối…Không ăn thức ăn khi còn nóng tránh gây tổn thương đến vùng hầu họng.

Luyện tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại